Tại dòng phim cổ trang, lỗi thường xuất hiện nhiều hơn so với các thể loại phim khác. Đặc biệt lỗi tại khâu trang phục lại càng phong phú, hài hước hơn. Lý giải cho điều này có thể viện dẫn nhiều nguyên do: Làm phim cổ trang nhưng trang phục chưa được thiết kế đúng với thời gian, văn hóa và lich sử. Những diễn viên, các chuyên gia hậu kỳ thường vô tình thậm chí là cẩu thả cho khâu hoàn thiện tạo hình nhân vật. Việc sao chép thiếu sáng tạo y phục của các phim nổi tiếng cộng với việc lai tạp ý tưởng tạo nên những trang phục thiếu thuyết phục thậm chí là vô lý hoặc nực cười v.v...
1. Khó hiểu với trang phục sao chép, lai tạp
Đây là lỗi điển hình của phim cổ trang Việt. Trong thời gian qua, các đơn vị sản xuất phim liên tục khai thác đề tài phim lịch sử. Cuộc đổ bộ của phim cổ trang Việt đã gặp phải không ít sóng gió. Từ các chuyên gia phê bình phim cho đến khán giả nước nhà đều giành nhiều thời gian quan tâm, phân tích và bình luận về các tác phẩm này. Bên cạnh những lỗi sơ đẳng như sai lịch sử, xây dựng nhân vật không đúng đắn, lời thoại quá hiện đại thì việc nhặt "sạn trang phục" được khán giả bàn tán rất rôm rả.
"Đi sau đẻ muộn", lại quá thân thiết với "ông lớn" của dòng phim cổ trang như điện ảnh Trung Quốc nên phim cổ Việt Nam có rất nhiều nét tương đồng. Trong hàng loạt những bộ phim đề tài lịch sử hay lấy bối cảnh quá khứ của Việt, nhân vật được xây dựng tạo hình rất giống với các nhân vật trong phim Trung Quốc.
Hảo hán, anh hùng, thuyền quyên, mỹ nữ, vua chúa, hoàng hậu, nô tì cho đến cả thường dân trong phim Trung đều được "bê" về Việt Nam. Mũ, khăn, áo của nam cho đến váy, áo khoác, trang sức, tóc tai của nhân vật nữ đều được các nhà làm phim Việt sao chép đến 95%. Sự giống nhau này không chỉ làm các nhà phê bình phim bức xúc mà còn khiến đông đảo khán giả hoang mang về văn hóa mặc của người Việt xưa.
2. Bật cười vì lỗi bất cẩn, cẩu thả
Những hạt sạn do lỗi bất cẩn, cẩu thả thường không gây tác hại quá lớn cho tác phẩm điện ảnh. Nhưng nó sẵn sàng khiến các diễn viên cho đến các nhà sản xuất phải xấu hổ đỏ mặt với khán giả. Sự bất cẩn cẩu thả thường xảy ra với những bộ phim nhiều tập. Khi mà các diễn viên chạy show vội vã lao đến trường quay thay đồ mà đôi khi quên soi gương thật kỹ.
Kết quả là nhiều khi các anh hùng xưa cũng lấp ló iPhone bên mép túi quần, các cái bang xưa giàu có đến nỗi trên tay lấp lánh đồng hồ vàng hay các cung tần mỹ nữ vẫn nhộn nhịp khua giầy đế đỏ trong hoàng cung. Chưa kể đến nhiều phân cảnh nóng bỏng như người đẹp cởi áo mà tem mác áo nịt ngực vẫn còn vương vấn đậu lại trên thước phim khiến khán giả phải phì cười.
3. Khán giả mát mắt với trang phục hiện đại, sexy
Cùng với mốt khoe ngực rầm rộ, thời trang thoáng mát xuất hiện rất nhiều trong phim cổ trang châu Á thời gian qua. Không chỉ Trung Quốc, Hàn Quốc mà cả phim cổ trang Việt cũng nhiều lần khiến khán giả hoa mắt trước những mỹ nhân khoe lưng trần mênh mông, vai thon nõn nà, chân dài bất tận và vô số những "điểm nóng" khác trên cơ thể.
Nhiều khán giả tròn mắt khi chứng kiến người đẹp trong bối cảnh quá khứ nhưng ngang nhiên mặc áo hai dây, váy quây, áo cúp ngực, áo chẽn, áo hở rốn, quần short, váy ngắn... Ngoài ra hệ thống phụ kiện cũng đa dạng, phong phú, hiện đại không thua kém bất cứ tín đồ thời trang nào trên đường phố Paris.
Dẫu biết phim cổ trang mang nhiều màu sắc thần tiên, mộng tưởng. Các nhân vật thường xuất chúng, hội tụ nhiều tinh hoa cổ quái, thần thông nhưng việc để các người đẹp nhuộm tóc rực rỡ, "phẩy light" nổi bật hay thậm chí là đeo kính giãn tròng đổi màu quá lộ liễu cũng khiến người xem khó chấp nhận.
Chắc chắn rằng bất cứ tác phẩm điện ảnh nào cũng có lỗi, như người đời vẫn nói "Không có điều gì là hoàn hảo". Tuy nhiên, chỉ cần cẩn trọng và chọn lọc hơn đôi chút chắc chắn các nhà làm phim đã gạn bỏ được rất nhiều hạt sạn giúp bữa ăn tinh thần của khán giả thêm hấp dẫn và ngon lành.