Tôn Ngộ Không là thần tiên, bị giam 500 năm dưới Ngũ Hành sơn vẫn bất tử. Còn Trần Ngạc chỉ là một phàm nhân. Theo lẽ thường, không ăn không uống vài ngày sẽ khiến con người chết lả vì đói khát. Nhưng Trần Ngạc vừa bị chôn dưới hố sâu, vừa không ăn, không uống. Suốt bảy ngày, ông luôn trong tình trạng “khẩu năng ngôn, thân bất năng động” (ý chỉ miệng nói được, nhưng toàn thân không thể cử động). Bảy ngày không chết chính là kỳ tích có thực của vị mệnh quan triều đình này. Câu chuyện về ông được xem là phiên bản “thạch hầu bị đè dưới núi” trong đời thực.
Trần Ngạc, tự Khắc Trung, người Phiên Ngu (nay thuộc quận Phiên Ngu, Quảng Châu). Trong cuốn “Minh sử” còn ghi rõ, những năm Vĩnh Lạc, Trần Ngạc đậu khoa thi hương, nhậm chức Hình khoa cấp sự trung (Cấp sự trung lục khoa và Giám sát ngự sử đều được gọi chung là “Ngôn quan”). Mệnh quan này vốn có tư chất làm ngôn quan bởi tính tình cương trực, không chút tư hào. Ông có một đặc điểm, mỗi lần tấu báo đều giọng cao sang sảng, khẩu khí đanh thép. Hoàng đế từng hạ lệnh bỏ đói ông vài ngày, nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Đấng quân vương cũng chỉ biết than trời bỏ cuộc rồi gọi ông là “Đại thanh tú tài” (tú tài giọng to). Có lần, Vĩnh Lạc hoàng đế hạ lệnh đem Trần Ngạc “Khảm ế Phụng Thiên môn, lộ kỳ thủ”. “Khảm ế” ý chỉ hố, huyệt dùng để chôn các con vật và ngọc bạch – các đồ tế lễ thời xưa. Điều ấy có nghĩa, Trần Ngạc bị đem chôn ngay bên ngoài Phụng Thiên môn, chỉ để lộ phần đầu. Cảnh tượng này được ca tụng là y tạc Tôn Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn khiến “khẩu năng ngôn, thân bất năng động”. Trong suốt 7 ngày nhịn ăn, nhịn uống, ông vẫn kiên cường, bản lĩnh cương nghị phi phàm. Về sau, Trần Ngạc làm các chức Thuận thiên phủ doãn, Hồ Quảng án sát sử và Sơn Tây án sát sử.
Nhưng nếu Tôn Ngộ Không tu thành chính quả thì Trần Ngạc lại không thoái thác việc quan trường về ở ẩn tại một đền thờ, miếu mạo nào. Ông phiêu du khắp chốn giang hồ. Hậu thế đều tỏ ra tiếc nuối trước một mệnh quan triều đình cương trực, khảng khái và khí phách hơn người như Trần Ngạc.