Phiên bản phim truyền hình của Tứ đại danh bộ của Trung Quốc (Thủy hử, Tam Quốc, Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký) đã lần lượt được ra mắt khán giả trong 2 năm gần đây. Trong khi đó, bộ phim gây nhiều tranh cãi Tân Tây Du Ký sắp tới cũng sẽ chính thức lên sóng đài truyền hình Bắc Kinh. Ngày 10/1, đoàn làm phim gồm đạo diễn Trương Kỷ Trung, Nhiếp Viễn (Đường Tam Tạng), Ngô Việt (Tôn Ngộ Không), Tạng Kim Sinh (Trư Bát Giới) và Từ Cẩm Giang (Sa Tăng)… đã có mặt trong buổi họp báo tại Triết Giang. Sau chuỗi ngày dài chung vai góp sức, các nghệ sỹ bồi hồi kể về những kỷ niệm khó quên trong thời gian thực hiện tác phẩm mới đặc sắc này.
Trương Kỷ Trung: Cuộc đời mỗi người đều là một lần “thỉnh kinh”
Là người mang trọng trách và áp lực lớn nhất đoàn làm phim, đạo diễn Trương Kỷ Trung chia sẻ: “Trước khi bắt tay sản xuất phiên bản mới này, trong lòng tôi cũng chưa có bất kỳ một niềm tin nào. Năm 2006 khi Mã Trung Tuấn hỏi tôi rằng Phong thần bảng và Tây du ký, chúng ta sẽ quay 1 phong. Anh cảm thấy cái nào hay hơn? Tôi đã nói: Nếu tính về thử thách thì đương nhiên là Tây du ký rồi. Tuy nhiên, để sản xuất bộ phim này cần phải có ít nhất 1 triệu USD. Ông Mã sau khi nghe thấy rất sửng sốt và xin một thời gian suy nghĩ. Mãi đến năm 2007, chúng tôi mới bắt đầu rục rịch chuẩn bị….”.
Trương Kỷ Trung chia sẻ: “Ban đầu tôi nghĩ, ngoài phim truyền hình còn có thêm làm phim điện ảnh, sáng tạo một trò chơi điện tử trực tuyến, mạng xã hội… tất cả đều liên quan đến câu chuyện Tây Du Ký. Bước đầu tiên, cuối năm 2008 chúng tôi đã thành lập đoàn làm phim, đầu năm 2009 bắt đầu ghi hình trong vòng 9 tháng. Sau đó, ê kíp dùng tới 2 năm để hoàn thành phần đồ họa, kỹ xảo máy tính. Phiên bản mới có thể vẫn tồn tại nhiều yếu điểm nhưng tôi tin rằng tất cả những yếu tố này đều mang tính thử nghiệm, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc làm phim sau này”.
Khi nhắc tới thế mạnh của Tân Tây Du Ký, Trương Kỷ Trung tự hào nói: “Rất nhiều người đã lấy tiêu chuẩn của phim Mỹ để đánh giá tác phẩm này của chúng tôi. Điều này cho thấy các bạn đặt trình độ của Hollywood lên vị trí rất cao… Tôi tin, sau khi Tân Tây Du Ký phát sóng, mọi người sẽ có những ý kiến và cảm nhận khác. Bạn sẽ thấy sự khác biệt, chênh lệch mà có thể trên khía cạnh nào đó phim “bom tấn” cũng không sánh kịp”.
Tuy nhiên, ông cũng bảo vệ đến cùng quan điểm Tân Tây Du Ký không quá lạm dụng kỹ xảo: “Nếu bộ phim này chỉ có kịch tính, không có hình ảnh ấn tượng thì khán giả sẽ thấy nhàm chán và thắc mắc: Liệu đây có phải thần thoại không? Chúng tôi đã làm mọi việc có thể để tác phẩm vừa chân thực vừa hấp dẫn. Biểu diễn của các diễn viên trẻ đều rất thuyết phục”.
Nói về ý nghĩa sâu sắc của nguyên tác văn học, Trương Kỷ Trung bày tỏ quan điểm của riêng mình: “Tiểu thuyết này nói về sinh mệnh và nhân sinh. Trong truyện, thiên đình và địa ngục thực tế đều là tấm gương phản chiếu của cuộc sống nhân gian. Việc Tây thiên thỉnh kinh cũng là quá trình rèn luyện vượt qua thử thách. Mỗi người từ lúc sinh ra cho tới khi qua đời đều là một quá trình thỉnh kinh. Có người đến chết vẫn chưa thỉnh được chân kinh, có người ngay từ lúc trẻ đã đến được “Tây thiên” của mình. Trong cuộc sống, chúng ta nên đối phó với yêu tinh quái vật ra sao, không nên đi theo con đường tham lam hám lợi thế nào… tất cả đều có trong Tây du ký…”.
Trương Kỷ Trung tiết lộ đặc điểm duy nhất mà phiên bản mới lưu giữ từ tác phẩm năm 1986 là ca khúc chính trong phim. Mặc dù nhạc điệu không thay đổi nhưng ca sỹ thể hiện được đổi mới – giọng ca phong trần Đao Lang trình bày.
Thầy trò 4 người và hơn 250 ngày đêm vui buồn
“2009 là năm Bắc Kinh có mùa đông lạnh nhất. Khó khăn lớn nhất của mỗi người là phải gồng mình gánh chịu thời tiết khắc nghiệp. Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới còn được đội mũ, tôi và Từ Cẩm Giang (Sa Tăng) thì chỉ còn biết cắn răn chịu đựng. Thế nhưng, khi 250 ngày đêm đó qua đi chúng tôi lại thấy nao lòng tiếc nuối. Có lẽ, trong đời khó có thể có được trải nghiệm giống như vậy lần thứ 2…” - Nhiếp Viễn (Đường Tăng) chia sẻ trong buổi họp báo.
Khi được hỏi về những trường đoạn diễn cặp với nữ yêu xinh đẹp, Nhiếp Viễn vui vẻ kể: “Nào là Chuột trắng (Hà Trác Ngôn), Bạch cốt tinh (An Dĩ Hiên) cho tới quốc vương nữ quốc (Tiểu Thư Sướng)… tôi đều không dám nhìn thẳng vào mắt họ. Tôi chỉ sợ một phút lơ là của bản thân làm “khác vị” nhân vật, hỏng cả phong cách tổng thể tác phẩm”.
Nam diễn viên Ngô Việt cho biết: “Tôn Ngộ Không là vai diễn mà nam diễn viên nào cũng muốn đảm nhiệm. Tôi đã thể hiện nhân vật này theo lý giải của bản thân mình. Tôi thấy rằng tôi không phải là Người diễn khỉ mà đang làm khỉ bắt chước người”.
Anh cũng tiết lộ: “Mọi người thường nghĩ Sư phụ có nhiều cảnh quay với nữ yêu tinh nhất nhưng theo tôi nhân vật Tôn Ngộ Không còn nhiều hơn. Chúng tôi phân thành các tổ ABC để ghi hình các cảnh quanh cùng diễn ra trong một bối cảnh. Ngày nào tôi cũng được gặp yêu tinh mới và phải diễn cảnh võ thuật “tay bo” với họ”.
Cũng trong buổi họp báo, Tạng Kim Sinh lên tiếng tố đạo diễn Trương Kỷ Trung rất hà tiện trong chi tiêu. “Tuy nhiên, tất cả việc làm của ông ấy là để tập trung đầu tư cho những khâu quan trọng khác. Chúng tôi được hóa trang rất kỹ lưỡng, sử dụng những đạo cụ hiện đại nhất” - Trư Bát Giới nói thêm.
Diễn viên gạo cội Từ Cẩm Giang rất kiệm lời nhưng anh đã mang đến một bất ngờ cho khán giả tại hiện trường. Đó là đưa theo cậu con trai mập mạp đáng yêu với mái tóc tinh nghịch. Chia sẻ về vai diễn của mình, Từ Cẩm Giang cho biết: “Sa Tăng là nhân vật có trách nhiệm cao, không sợ khổ, sợ mệt, trung thành lương thiện. Anh ấy làm bất cứ việc gì cũng đều tận tâm, hết sức. Đây là tấm gương cho tất cả đàn ông hiện đại noi theo”.