Chỉ sau gần 20 ngày, đoàn Tây Du Ký đã hoàn thành những cảnh quay tại khu vực núi Trường Bạch, chuẩn bị trở lại Cát Lâm để bắt xe lửa về Bắc Kinh.
Lần này, nhân viên đoàn chia làm hai tốp. Tốp đầu gồm đạo diễn Dương Khiết cùng tổ đạo diễn, diễn viên, nhân viên kỹ thuật và quay phim lần lượt phân nhau ngồi trên xe chở mì và hai xe tải đi trước. Những người còn lại là đội đạo cụ và khí tài sẽ lo sắp xếp đồ đạc, vật liệu sẽ xuất phát sau.
Mười phút đầu, đoàn xe đi khá thuận lợi và không hề gặp bất trắc gì về đường xá, xe cộ. Khi ra tới đường quốc lộ, mọi người đều ngạc nhiên vì đoạn đường trước mắt không một bóng người. Đường vắng lặng như tờ, không thấy một chiếc xe hay người qua đường. Điều này có vẻ bất thường, mọi người trên xe bắt đầu suy đoán nhưng đều không hiểu lý do vì sao.
"Kiếp nạn" thứ nhất: Đường hỏng vì bị lũ cuốn
Khó khăn lắm đoàn mới gặp được một chiếc xe kéo ven đường tại một ngã ba. Sau khi hỏi han mới biết, mấy ngày nay đang có bão nên phần lớn đường quốc lộ ở nội hạt tỉnh Cát Lâm đều bị nước lũ cuốn trôi hoặc phá hỏng. Tài xế xe kéo còn cho biết, cây cầu dẫn đến 2 tuyến đường duy nhất để tới Cát Lâm đều đã bị mưa lũ tàn phá, hiện đang được tu sửa, xe cộ không thể qua lại. Chỉ còn một đường khác bằng đất nhưng giờ không ai rõ có đi được hay không.
Thông tin trên khiến cả đoàn lo lắng và đau đầu nghĩ cách. Có người đề xuất quay lại Trường Bạch, đợi thông cầu rồi đi.Tuy nhiên ý kiến này lại vấp phải trở ngại về kinh phí. Những người quả quyết thì nhất định phải đi tiếp. Mỗi người một ý, không đi đến đâu. Cuối cùng, mọi con mắt đều dồn về phía đạo diễn Dương Khiết.
"Đi!", nữ đạo diễn quả quyết phẩy tay ra hiệu lên đường: "Xe đến núi phía trước ắt có đường, chúng ta nhất định sẽ qua được", đạo diễn Dương Khiết quyết đoán.
Ba xe của đoàn lầm lũi đi trên con đường đất bùn nhão, tiến về phía trước. Dọc đường đi đoàn không hề gặp một chiếc xe nào. Dường như con đường này đã lâu không có xe cộ qua lại. Thực tế, đoàn đã tác nghiệp trên núi hơn 20 ngày nên không hề hay biết khu vực dưới núi vừa xảy ra trận lũ dữ dội nhất trong suốt 100 năm trở lại đây. Toàn bộ tỉnh Cát Lâm giống như một biển nước mênh mông sau cơn đại hồng thủy. Quân đội và nhân dân Cát Lâm dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương đang tích cực chống lũ.
"Kiếp nạn" thứ hai: Sập cầu không qua được sông
Xe của đoàn cẩn thận đi qua đoạn đường bị nước lũ bủa vây. Khó khăn lắm xe mới đến được một thôn trang nhỏ có tên Nhị Đạo Hà Tử. Con sông cắt thôn thành hai mảnh. Nhà cửa hai bên sông đều ngập trong nước lũ đỏ ngầu, chỉ duy một cây cầu gỗ nhỏ để qua đã bị nước lũ "ngoạm" còn lại xơ xác.
Giờ làm sao đoàn Tây Du Ký có thể qua sông trong khi cầu đã bị hỏng nặng? Muốn quay trở lại cũng không được bởi trời sắp tối, đường đi lại khá nguy hiểm.
Người dân trong làng thấy xe của đoàn dừng lại liền háo hức đến vây quanh xem.Khi biết đoàn gặp khó khăn, dân làng đã nhiệt tình nghĩ cách giúp.
Trong khi nhà của họ còn đang ngập trong nước nhưng thấy đoàn có ý muốn sửa cầu để qua, dân làng vội chạy về nhà kiếm gỗ, gậy gộc. Hành động trên khiến nhân viên đoàn Tây Du Ký vô cùng cảm động.
Được sự ủng hộ nhiệt tình và hết lòng của người dân địa phương, mọi thành viên trong đoàn như được tiếp thêm sức mạnh. Ai nấy đều xắn quần lội xuống nước cùng người dân lắp ghép gỗ ván sửa cầu. Thậm chí có người trong làng còn lôi cả dây cáp, dây chão trong nhà ra làm vật liệu chằng buộc lại những thanh gỗ trên mặt cầu cho chắc. Với sự hợp lực của dân làng và thành viên đoàn, chẳng mấy chốc việc sửa lại cầu đã hoàn tất.
Sợ xe quá nặng, nhân viên đoàn đều cố gắng đi bộ qua. Sau đó, hai chiếc xe tải lần lượt qua cầu một cách thuận lợi. Tuy nhiên, xe chở mì gầm quá thấp nên đi đến giữa cầu bị thanh gỗ ngáng không qua được. May nhờ sức kéo của hai chiếc xe tải khá lớn nên cuối cùng xe cũng qua được,
"Kiếp nạn" thứ ba: Khuân đá vá đường
Khi cả ba xe và nhân viên đoàn đã qua được cầu, thành viên đoàn Tây Du Ký mừng mừng tủi tủi, nước mắt đầm đìa từ biệt người dân hai bên bờ sông đã nhiệt tình giúp đỡ. Đoàn xe tiếp tục men theo con đường bùn đất nhão hướng thẳng về phía trước. Xe chạy được hơn nửa giờ đồng hồ thì phía trước lại xuất hiện một con sông lớn "nuốt chửng" đường đi của đoàn.
Con sông khá rộng, lòng sông chắc hẳn sâu, duy có chiếc cầu đá nguyên khối vững trãi vẫn đứng hiên ngang. Thế nhưng đoạn tiếp giáp giữa chân cầu với đoạn đường đất đã bị nước lũ tàn phá, tạo thành hõm sâu vào hơn nửa mét. Trước tình cảnh này, tài xế của đoàn chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
Cả đoàn đang trầm ngâm nghĩ ngợi, bỗng nhiếp ảnh Cao Qúy Tường thốt lên rồi chỉ tay hướng ra tảng đá lớn nằm ven đường cách đó không xa: "Có rồi, dùng tảng đá kia chèn xuống là đi được!".
Nói là làm, đạo diễn Dương Khiết là người đầu tiên xắn chân quần và lội xuống bùn. Mọi người trong đoàn lần lượt theo sau. Từ phó đạo diễn, diễn viên cho đến nhân viên, tất thẩy đều không phân địa vị, đồng loạt lội xuống bùn. Mọi người chia thành hai đội, lần lượt chuyển tay nhau từng tảng đá và ném xuống hõm nước. Lúc này, mặt mũi, đầu tóc ai cũng lấm lem bùn đất còn trong đầu thì chung một quyết tâm nhanh chóng lấp bằng hố lầy để thông xe.
Sau hơn một giờ đồng hồ, hố lầy cuối cùng cũng đã được san phẳng bằng đá. Khi mọi người nhìn thấy cả 3 chiếc xe đi qua một cách an toàn, cả đoàn đều hò reo: "Thành công rồi! Thành công rồi!".
Đạo diễn Dương Khiết xúc động nói: "Khai đường mở núi, qua lấp vá cầu, việc này đúng là chỉ có tinh thần vì phim Tây Du Ký của đoàn chúng ta mới làm được".
Sau khi trải qua hai "kiếp nạn" từ mưa lũ, gần nửa đêm đoàn Tây Du Ký cũng đã đã đến được thành phố Cát Lâm. Những thành viên còn lại của đoàn xuất phát muộn hơn, sau hai ngày đã tập trung đông đủ. Theo lời kể lại của những thành viên trên, họ đã phải đi đường vòng khá xa. Trên đường đi họ cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn nhưng cũng phải cố gắng hết sức khắc phục để đến được điểm tập kết. Những ngày tháng 8/1985 đã trở thành khoảng thời gian không thể nào quên đối với đoàn phimTây Du Ký.