PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Thầy trò Đường Tăng vật lộn với kiếp nạn 81

Thứ năm, 28/11/2013 08:37

Sau khi trở về từ đất Phật, thầy trò Đường Tăng đã bị lão rùa quở trách hắt xuống sông, cả bốn cùng ngụp lặn vớt kinh và được bài học nhớ đời từ kiếp nạn thứ 81.

Tập 25 - Đến miền cực lạc có phân cảnh thầy trò Đường Tăng qua sông Thông Thiên và được sự trợ giúp của lão rùa. Đoàn phim gặp không ít khó khăn khi thực hiện bên cạnh bờ một con sông nước chảy siết và lòng sông sâu.

Thời gian này, êkip Tây Du Ký vừa từ Cửu Trại Câu trở lại Đô Giang Yển, sau đó tới thượng dư dòng Mân Giang ở ngoại ô Đô Giang Yển. Đây cũng chính là địa điểm quay phân cảnh thầy trò Đường Tăng bị lão rùa hắt xuống sông (vì lỡ thất hứa chuyển lời thỉnh cầu của nó tới đức Phật Tổ Như Lai, lý do vì sao tu luyện ngàn năm mà chưa thành chính quả).

Thầy trò Đường Tăng đắc đạo trở về.

Cùng vượt qua cửa ải cuối cùng với kiếp nạn thứ 81 trên lưng lão rùa.

Trong phân cảnh trên, đạo cụ con rùa già mà bốn thầy trò cùng cưỡi đã được tổ mỹ thuật kỳ công chuẩn bị từ khi ở Bắc Kinh, được coi như một "kiệt tác" tốn khá nhiều thời gian và công sức của mọi người.

Mô hình lão rùa đòi hỏi không những tứ chi phải hoạt động một cách linh hoạt, bộ phận đầu và đuôi cũng có thể cử động như thật. Ngoài ra, lão rùa còn có thể "chở" cả bốn thầy trò trên lưng. ngoài tổ mỹ thuật, tổ kỹ xảo cũng trợ giúp bằng cách cố định một tấm gỗ lớn dưới bụng mô hình lão rùa, sau đó dùng một sợi dây cáp nhỏ để điều khiển hoạt động.

Để cho cảnh quay thầy trò Đường Tăng vớt kinh thực sự sống động và chân thực, đạo diễn Dương Khiết đã yêu cầu thực hiện ngay tại một bờ sông thật, thay vì thực hiện trong trường quay như trước đó dự trù.

Trong khi đó, cảnh 4 thầy trò cùng đứng trên lưng rùa và vượt sông lại được ghi hình ở trường quay trong nhà, tại Nhà hát Quân đội Bắc Kinh. Vì không thể để cả bốn diễn viên cùng đứng trên lưng rùa mô hình, tổ kỹ thuật sẽ ghép hình các nhân vật trong khâu hậu kỳ.

Cảnh quay thực trên dòng Mân Giang, cả bốn diễn viên cùng ngồi trên lưng rùa.

Trước quyết định trên, đoàn Tây Du Ký đã chọn một bãi phù sa phẳng cạnh bờ sông Mân Giang. Ban đầu, một vài nhân viên tiến hành đo độ nông sâu của lòng sông, nơi được chỉ định thực hiện quay phân cảnh thầy trò Đường Tăng bị ngã sông. Tiếp đó sẽ quây vùng chỉ định nơi an toàn để quay.

Khi thực hiện cảnh quay trên, một tổ nhân viên sẽ túc trực bơi quanh khu vực sông chỉ định quay, trong khi bốn diễn viên thầy trò Đường Tăng bơi từ trong ra khu vực chỉ định an toàn. Lúc này, Trì Trọng Thụy, Mã Đức Hoa và Diêm Hoài Lễ lần lượt lội xuống trước còn Lục Tiểu Linh Đồng nhảy từ một chiếc thang xuống.

Cảnh này, thầy trò Đường Tăng cuống quýt vớt kinh kệ bị vương vãi sau khi bị lão rùa hất xuống sông. Cả bốn đều vướng víu với phục trang hết sức rườm rà, đặc biệt là áo cà sa sau khi trở về từ đất Phật. Quần áo chỉnh tề, vật dụng hóa trang rườm rà nên khi xuống nước khá vất vả.

Miếng bụng cao su của Trư Bát Giới ngậm no nước liền trương phềnh lên, nhìn không khác một phụ nữ mang bầu. Vì nước vào quá nhiều càng khiến sức nặng của chiếc bụng thêm tăng, khiến Mã Đức Hoa chới với với không thể cử động nổi. Ba diễn viên còn lại cũng lặn ngụp trong nước và xoay xở khá vất vả nhưng đều không bơi được vào bờ. Cả bốn người ai nấy ướt như chuột lột. 

Khi diễn dưới nước, hành động càng trở nên lóng ngóng, không như ý muốn. Những Thiên Bồng Nguyên Soái, Quyển Liêm đại tướng hay Tề Thiên Đại Thánh vốn thần thông quảng đại là vậy, giờ cũng nhấp nhô vật lộn với làn nước một cách vất vả.

Khi cả bốn diễn viên lên được đến bờ, không ai còn nhận ra những Ngộ Không với Bát Giới, bởi phần mặt nạ của những "anh khỉ" với "anh lợn" đều ngậm nước trở nên mềm nhũn và bong ra. Trong khi đó, râu tóc của Sa Tăng cũng xộc xệch và rối tung.

Theo Khampha.vn