Năm 1984, đoàn Tây Du Ký thực hiện những cảnh quay ngoại cho phân đoạn thu phục Sa Tăng trong tập 8 - Trên đường ba lần gặp nạn, tại khu vực thị trấn Giang Hoa, tỉnh Qúy Châu.
Để đến được Giang Hoa, ba ngày liền đoàn Tây Du Ký phải dậy từ 6h sáng, đi từ trấn Hồng Hà để đến trấn Giang Hoa. Nơi đây có con sông ngày đêm sóng gầm hung hãn và dữ dội. Bắc ngang sông là chiếc cầu Hoa Giang, cheo leo giữa hai vách núi, với chiều dài gần 20 mét, chiều cao so với mặt nước khoảng hơn 20 mét.
Nước dưới chân cầu chảy xiết, hai bên bờ là những vách đá lởm chởm, sắc nhọn và vô cùng nguy hiểm. Nước sông ở đây có màu nâu đục của sa khoáng bùn đỏ. Nhiều đoạn còn xuất hiện những mảng đá lớn nhô lên khỏi mặt nước. Toàn bộ vùng nước đỏ ngầu như những lớp bùn nhão đặc sệt cuồn cuộn chảy trên những tảng đá, ngày đêm gầm gừ gào thét. Cảnh vật ở đây rất phù hợp với yêu cầu kịch bản cho ngoại cảnh quay sông Lưu Sa, Dương Khiết và tổ sáng tạo của đoàn cảm thấy thực sự hài lòng với bối cảnh nơi đây.
Định sẵn thời gian quay, sáng sớm đoàn xuất phát đến trấn Hồng Hà ăn sáng, sau đó đến trấn Hoa Giang quay ngoại cảnh. Tranh thủ thời gian, buổi trưa đoàn ăn trưa tại hiện trường, sau đó khẩn trương quay để kịp quay về trước khi trời tối. Lịch quay dày đặc, công thêm quãng đường di chuyển phần lớn là đường đồi núi gập ghềnh nên nhân viên đoàn đều mệt mỏi. Mỗi buổi chiều sau khi trở lại chỗ trọ, ai nấy đều mệt bã chân tay, thậm chí có người vừa giặt vừa ngáy khe khe vì ngủ gật.
Theo kịch bản, nhiều cảnh quay được thực hiện bên bờ sông. Hơn nữa, việc di chuyển từ trên cầu xuống mép sông cũng đủ ngốn biết bao sức lực của cả đoàn. Khó khăn nhất là không có lối dẫn xuống bờ sông, việc đi lại cũng hết sức nan giải.
Ban đầu, chỉ một vài thanh niên to khỏe xung phong leo xuống trước, bám vào những vách đá trơn trượt, sắc nhọn, dùng dây thừng dây chão căng thành dây bảo hiểm. Mọi người cùng hò nhau kéo cho đến khi dây được kéo căng từ cầu đến bờ sông. Địa hình quanh bờ gồ ghề những tảng đá to nhỏ, trơn nhẵn nên khi bước qua phải hết sức cẩn thận.
Một cảnh quay yêu cầu nhân vật Sa Tăng (Diêm Hoài Lễ) và Trư Bát Giới (Mã Đức Hoa) giao đấu trên một mỏm đá cao và dựng đứng cạnh sông. Đoàn tìm thấy một tảng đá lớn, đứng chênh vênh trên đỉnh núi, sát cạnh bên sông. Diện tích bề mặt tảng đá tương đối hẹp, chỉ có thể đứng được 3 - 4 người. Sau khi Diêm Hoài Lễ và Mã Đức Hoa trèo được lên đỉnh tảng đá nọ, nhìn xuống cũng đủ thấy rợn người vì quá nguy hiểm.
Thêm nữa bề mặt đá lại trơn, chỉ sơ sểnh không cẩn thận là ngã lộn nhào xuống, vì vậy không thể thực hiện cảnh giao đấu như kịch bản. Phó đạo diễn Nhiệm Phong Pha thấy vậy liền dẫn theo vài nhân viên đoàn trèo lên tảng đá, dùng dây chão buộc chặt vào chân hai diễn viên.
Nhiệm dặn dò cả Diêm và Mã chỉ cần chú ý phía trên cơ thể, diễn sao cho thật linh hoạt, không cần quan tâm phía dưới chân, đặc biệt phải giữ bất động. Quay phim chỉ quay phía thân trên của nhân vật, vì vậy người xem không phát hiện có dây thừng buộc dưới chân diễn viên.
Trong lúc quay, Diêm Hoài Lễ dùng quá nhiều lực, chân bị trượt khiến toàn thân lảo đảo, có nguy cơ đổ nhào xuống sông. Phó đạo diễn Nhiệm đứng cạnh hét lớn nhắc nhở: "Cẩn thận, không được cử động chân!". Mọi người đứng phía dưới quan sát đều sợ toát mồ hôi . May nhờ sử dụng dây chão buộc chặt làm dây an toàn nên cảnh quay diễn ra hết sức thuận lợi.
Thực hư Lưu Sa Hà trong nguyên tác tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân và trong phiên bản phim của đạo diễn Dương Khiết với thực tế địa lý khác nhau một trời một vực. Lưu Sa Hà trong tiểu thuyết từng được ghi chép trong Tây vực ký đời Đường là Bạc Tây Sa Hải, chính là sa mạc Gobi rộng lớn ở hành lang tỉnh Hà Tây ngày nay.
Có lẽ hiểu biết về địa lý của tác giả Ngô thời bấy giờ còn hạn hẹp, vì vậy đã biến biển cát thành sông sâu (Lưu Sa Hả): "Lưu Sa rộng tám trăm. Nước sâu ba ngàn tầm. Lông ngỗng trôi không nỗi. Bông lan rớt cũng trầm".
Một chi tiết nữa về tạo hình nhân vật Sa Tăng, phiên bản Tây Du Ký 1986 được coi là khá gần với miêu tả Sa Tăng trong nguyên tác. Duy chỉ có điều bộ vòng đầu lâu trên cổ nhân vật không được chú ý, hoặc đạo diễn cố tình hư cấu số lượng 9 đầu lâu trong nguyên tác bằng gần 20 đầu lâu lớn nhỏ. Trong nguyên tác có ghi lại về hình dáng nhân vật Sa Hòa thượng khi còn là yêu quái Lưu Sa Hà:
"Ðầu đỏ chờm bờm tóc rối nhăng,
Tròn vo cặp mắt chói như đăng,
Màu chàm còn kém màu da mặt,
Tiếng sấm không bằng tiếng nói năng,
Mình bận áo lông vàng có sọc,
Lưng đeo dây nịt trắng từ lằn,
Sọ người chín cái mang đầy cổ,
Gậy báu cầm tay bộ dữ dằn".
Con số 9 là hiện thân cho 9 kiếp trước của Đường Tăng đi thỉnh kinh đều bị Sa Ngộ Tĩnh ăn thịt, chỉ đến kiếp nạn thứ 10 mới tu thành chính quả.