PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Trương Bá Chi sa sút vì Trần Quán Hy?

Thứ hai, 05/12/2011 08:40

Diễn xuất của Trương Bá Chi trong phim mới "Dương môn nữ tướng" đã không xuất sắc như kỳ vọng mà khán giả dành cho cô.

Đẹp nhưng nhạt nhòa

Khi bộ phim Dương Môn Nữ Tướng được quảng bá rầm rộ trong thời gian qua, cái tên gây chú ý nhất không ai khác ngoài Trương Bá Chi. Từ lâu đã là một gương mặt sáng giá của làng giải trí Hoa ngữ nhưng nữ diễn viên xinh đẹp này đã vướng phải những cơn sóng gió dữ dội từ scandal với Trần Quán Hy. Khán giả đón xem Trương Bá Chi sẽ nỗ lực thế nào qua vai diễn này để lấy lại hình ảnh và khẳng định lại chỗ đứng của mình trong showbiz. Nhưng dường như, cô vẫn chưa thể vượt qua scandal để hoàn thành xuất sắc vai diễn như mong đợi.

Bộ phim lấy bối cảnh Trung Hoa đại lục, triều đại Bắc Tống vào thế kỷ thứ 10 rơi vào đỉnh điểm hiểm họa chiến tranh đe dọa, là lúc nước nhà cần lắm những nhân tài anh dũng bảo vệ tổ quốc. Không hiếm những anh hùng oai liệt xuất hiện vào thời bấy giờ, nhưng những cái tên được trọng vọng nhất phải kể đến các nữ tướng của Dương gia, dòng họ danh tướng đã bao đời tận tụy với tổ quốc.

Trương Bá Chi chưa để lại dấu ấn trong vai Mộc Quế Lan

Trong một cuộc huyết chiến khốc liệt, tướng quân tài giỏi Dương Tông Bảo (Nhậm Hiền Tề), người đàn ông cột trụ duy nhất trong gia tộc họ Dương đã tử trận nơi chiến trường. Không chỉ là sự mất mát lớn lao đối với quốc gia, cái chết của Dương Tông Bảo còn để lại nỗi đau vô vàn cho người vợ Mộc Quế Anh (Trương Bá Chi), cũng như toàn bộ thành viên của gia tộc. Nhưng rồi, cố nén nỗi đau tận đáy lòng, Mộc Quế Anh đứng. Cùng các nàng dâu và con gái oai dũng của Dương Gia, Mộc Quế Anh đã viết nên trang sử mới đầy hào hùng của lịch sử Trung Hoa.

Lưu Hiểu Khánh và Trịnh Phối Phối còn lẫm liệt hơn Trương Bá Chi

Có thể nói ngay từ tạo hình Trương Bá Chi đã không vượt qua được Lưu Hiểu Khánh (Sài Quận Chúa) và diễn viên kỳ cựu Trịnh Phối Phối (Xà Thái Quân). Gương mặt khá hốc hác và mệt mỏi của Trương Bá Chi không lột tả hết sự hiện ngang, oai liệt của một nữ tướng. Diễn xuất của cô khá một màu, lúc mất chồng đến khi gặp lại chồng, mất con rồi tìm thấy con, thắng trận hay thua trận, sự biểu cảm trong diễn xuất của cô không thay đổi là mấy. Ngay cả trong thời khắc lãng mạn duy nhất của hai vợ chồng trước lúc chết, khi Mộc Quế Châu nói một câu đáng nhớ: “Ta sẽ chết trên chiến trường cùng chàng!” thì dường như vẫn không gợi lên được một chút cảm xúc nào.

Diễn xuất của Nhậm Hiền Tề cũng khá mờ nhạt

Cũng là một diễn viên kỳ cựu, nhưng diễn xuất của Nhậm Hiền Tề trong phim này lại quá mờ nhạt. Dù trung tâm câu chuyện là các vị nữ tướng, nhưng trong mỗi phân đoạn có sự xuất hiện của mình, anh cũng không thể truyền đạt đến khán giả một cảm hứng nào. Sự ra đi đột ngột và trở về đột ngột của anh không mang nhiều ý nghĩa và không tạo được ấn tượng nào. Tập hợp không ít những mỹ nhân của nền điện ảnh Trung Hoa nhưng diễn xuất của các người đẹp lai khá nhạt nhòa. Một Lưu Hiểu Khánh dù sắc đẹp thách thức cả cái tuổi lục tuần vẫn không tạo được sức hút đặc biệt nào. Thể hiện tốt nhất thần thái, khí phách của một nữ tướng có lẽ phải kể đến diễn viên kỳ cựu Trịnh Phối Phối. Ở bà, có một uy lực của sự oai hùng để có thể dệt nên một bản hùng ca vĩ đại, lẫm liệt.

Nặng hành động, nhẹ tính nhân văn

Ngoài khả năng diễn xuất, một tập hợp quá đông diễn viên cũng là một lý do khiến bộ phim thiếu sự tập trung và không có điểm nhấn cho một diễn viên nào bật lên. Cũng có thể đạo diễn muốn khai thác thế mạnh của mình ở những cảnh hành động khốc liệt mà cố tình giảm nhẹ yếu tố nhân văn, tình cảm. Tuy nhiên, đó mới chính là các yếu tố rất quan trọng của một tác phẩm điện ảnh, quyết định bộ phim có đi vào lòng khán giả hay rơi tõm sau khi rời khỏi rạp. Thiết nghĩ những cảnh quay hoành tráng để tạo ra những hiệu ứng hình ảnh đẹp mắt cũng cần thiết để tái hiện lại những trận chiến lịch sử, nhưng nếu khéo léo đan cài thêm một vài chi tiết “lấy nước mắt” người xem thì bộ phim còn có sức nặng hơn nhiều.

Những cảnh quay hoành tráng của các trận huyết chiến

Thật ra, trong quá trình chuẩn bị, đạo diễn Trần Huân Kỳ cũng gặp phải nhiều luồng ý kiến trái ngược, khi cho rằng bộ phim tập trung quá nhiều vào các cảnh hành động và quên đi tính nhân văn, tình cảm. Từ đó, kịch bản của bộ phim được chỉnh sửa nhiều lần để đạt đến độ cân bằng của yếu tố “võ” và “văn”. Tuy nhiên, có thể thấy sau khi được góp ý, các yếu tố này vẫn không được để tâm nhiều trong bộ phim hoặc chưa đủ mạnh mẽ. Được đầu tư rất công phú và quảng bá rầm rộ, tại Liên hoan âm nhạc, điện ảnh truyền hình Bắc Kinh hồi tháng 8, Dương Môn Nữ tướng được trao giải Phim điện ảnh lịch sử được mong chờ nhất. Song bộ phim lại không được khán giả nước này đón nhận nhiệt tình. Dương Môn Nữ Tướng do Galaxy phát hành công chiếu rộng rãi toàn quốc kể từ ngày 2/12. 

Một số hình ảnh khác của phim:

Poster phim

Dù tập hợp nhiều diễn viên xinh đẹp nhưng chưa có diễn xuất của ai bật lên được

Nếu tận dùng tình cha con, vợ chồng tạo nên chi tiết nhân văn, bộ phim sẽ có chiều sâu hơn

Cuộc chiến oai hùng của các nữ tướng Dương gia chưa được nâng lên tầm cao mới

24h