PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Vì sao 'Bến Thượng Hải' trở thành kinh điển?

Thứ năm, 05/09/2013 11:55

Bến Thượng Hải, tác phẩm truyền hình của đài Hồng Kông – TVB được thực hiện vào năm 1980 không chỉ là bộ phim kinh điển của xứ Cảng thơm, mà còn là tác phẩm nổi tiếng của làng nghệ Hoa ngữ.

Bộ phim lần đầu tiên được phát sóng vào ngày 10/3/1980, và được phát lại hàng nghìn lần trên sóng của các đài truyền hình Hoa ngữ ơ khắp mọi nơi, chưa kể được phát hành dưới dạng băng, đĩa tại các quốc gia châu Á như Malaysia, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan… Đến nay, hơn 30 năm trôi qua, có nhiều phiên bản của Bến Thượng Hải được thực hiện, nhưng bộ phim của năm 80 vẫn luôn được khán giả nhớ đến với nhiều cái nhất.

Bến Thượng Hải (tên tiếng Anh: The Bund) lần đầu tiên ra mắt khán giả vào năm 1980

Vì sao Bến Thượng Hải của năm 1980 lại có sức sống mãnh liệt đến thế, dù thời đó, bối cảnh, phục trang, đạo cụ… đều hết sức đơn giản, thiếu độ hoành tráng so với những tác phẩm đến sau? Nội dung xuất sắc Bến Thượng Hải không dựa theo một tiểu thuyết sẵn có nào, mà là do 6 biên kịch của đài truyền hình Hồng Kông – TVB cùng nhau xây dựng. Những nhà biên kịch này cho hay, khi xây dựng, họ chưa từng nghĩ tác phẩm này sẽ thành công đến thế.

Bộ ba Hứa Văn Cường - Phùng Trình Trình - Đinh Lực trong phim.

Bộ phim lấy bối cảnh của thành phố Thượng Hải những năm 30 của thế kỷ 20, với tất cả những xung đột, mâu thuẫn của xã hội: sự phồn hoa, giàu có, những băng đảng xã hội đen một tay thống trị, đối lập với những tầng lớp dân nghèo cùng cực, những trí thức trẻ bị chà đạp. Ở đó, có chàng sinh viên trẻ tuổi nhiều hoài bão Hứa Văn Cường (do Châu Nhuận Phát thể hiện), từng bị vào tù vì tham gia biểu tình chống chế độ thực dân. Hứa Văn Cường đến Thượng Hải để phát triển sự nghiệp, và với thời thế loạn lạc, anh thể hiện rõ mình là một anh hùng trẻ tuổi, tài năng, gan dạ, thông minh, đa mưu túc trí và không thiếu một chút tính láu lỉnh, ngạo nghễ. Thượng Hải phồn hoa đưa đẩy anh trở thành trợ thủ đắc lực của Phùng Kính Nghiêu, một ông trùm tư bản bán nước cầu vinh đội dưới vỏ bọc của một doanh nhân giàu có. Hứa Văn Cường phát hiện ra điều này và những mâu thuẫn giữa Hứa – Phùng ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, anh lại đem lòng yêu thương Phùng Trình Trình (do Triệu Nhã Chi thể hiện), cô con gái tài sắc của Phùng Kính Nghiêu. Bên cạnh đó, người anh em kết nghĩa vào sinh ra tử của anh – Đinh Lực (Lữ Lương Vỹ) thể hiện, cũng đem lòng yêu Trình Trình, tạo thành mối tình tay 3 nhiều sóng gió. Vì mâu thuẫn đỉnh điểm với Phùng Kính Nghiêu, Hứa Văn Cường không thể đến với tình yêu của mình. Anh đến Hong Kong xây dựng gia đình riêng, từ bỏ những hào quang một thời ở phía sau, rút khỏi giang hồ sóng gió, trong khi Trình Trình, vì tình nghĩa và mang ơn, tìm quên trong cuộc hôn nhân với Đinh Lực.

Dàn diễn viên của phim.

Tuy nhiên, Phùng Kính Nghiêu không buông tha Hứa Văn Cường và đã hại chết vợ con anh. Nung nấu ý chí trả thù, Hứa Văn Cường trở lại, kết hợp cùng Đinh Lực, giết chết Phùng Kính Nghiêu. Trình Trình không thể nào chấp nhận được chồng và người yêu mình giết chết cha, nên đã rời bỏ Thượng Hải. Qua nhiều thăng trầm, biến động, hào quang, bóng tối, Hứa Văn Cường nhận ra điều quan trọng nhất với anh là Trình Trình. Anh quyết định rũ bỏ tất cả để sang Pháp tìm cô. Tuy nhiên, ngay trước khi ra đi, anh đã bị các băng đảng xã hội đen hại chết. Cảnh Hứa Văn Cường ngã xuống trên tuyết trắng, ánh mắt vẫn đầy hy vọng, luyến lưu và yêu thương dành cho người yêu nơi phương xa là hình ảnh khắc cốt ghi tâm mà mỗi khán giả xem qua đều không thể nào quên.

Châu Nhuận Phát - Triệu Nhã Chi trở thành một trong những cặp đôi nổi tiếng của màn ảnh nhỏ Hoa ngữ.

Bộ phim có tiết tấu nhanh, mạnh và ngắn gọn, chỉ trong vòng 25 tập (ngắn nhất trong các phiên bản truyền hình Bến Thượng Hải được thực hiện), nhưng những sóng gió, biến động của xã hội, chủ nghĩa anh hùng, những tư thù cá nhân, lòng yêu nước, sự phản bội, tình yêu, tình bạn, tình anh em… tất cả được lồng ghép trong Bến Thượng Hải, đưa tác phẩm này trở thành bộ phim tiêu biểu nhất trong các tác phẩm thể hiện một Thượng Hải phồn hoa và đen tối trong lịch sử của thành phố nổi tiếng này.

Nhân vật Hứa Văn Cường trở thành mẫu người hùng của khán giả.

Không chỉ khắc họa hình ảnh xã hội, mối tình của Phùng Trình Trình cùng Hứa Văn Cường được khán giả ví von như Romeo và Juliet phương Đông. Hình tượng Hứa Văn Cường đa mưu túc trí, tài năng, si tình, đôi mắt đầy ngọt ngào và nụ cười hơi nhếch mép quyến rũ đã trở thành một tượng đài trong lòng khán giả, trở thành mẫu người hùng lý tưởng trong các chàng trai, và là bạch mã hoàng tử trong lòng các cô gái. Nhạc phim “đỉnh cao”

Nhắc đến Bến Thượng Hải phiên bản 1980, khán giả sẽ nhớ ngay tới phần nhạc phim của bộ phim này. Ca khúc Bến Thượng Hải do ca sĩ Diệp Lệ Nghi trình bày, được đánh giá là xuất sắc và hợp với bối cảnh, tình tiết của tác phẩm. Những ân oán tình thù của một Thượng Hải đầy biến cố được thể hiện một cách tinh tế qua từng giai điệu và ca từ của bài hát. Khán giả có thể không xem phim, nhưng âm hưởng của ca khúc chủ đề thì hầu hết các thế hệ khán giả từ 6X đến 9X đều cảm thấy quen thuộc. Bài hát này trở thành đại diện tiêu biểu cho sự thành công của một ca khúc nhạc phim, có thể đứng độc lập so với phim để chiếm một vị trí riêng trong lòng khán giả. Đến nay, dù cách hát, thể loại nhạc, phối khí đã trở nên cũ kĩ so với làng nhạc hiện đại, nhưng Bến Thượng Hải vẫn đầy sức quyến rũ với các khán giả trẻ. Bản năm 1996 cũng do đài TVB sản xuất đã sử dụng lại ca khúc này, được thể hiện bởi nam ca sĩ Lưu Đức Hoa. Tân Bến Thượng Hải 2007 cũng dùng lại bài hát này làm ca khúc chủ đề, đủ cho thấy sức sống vượt thời gian của nó. Ngoài qua, Bến Thượng Hải còn được dịch ra nhiều thứ tiếng, có nhiều bản cover, từng được nhiều ca sĩ, như Lý Hải, Hoài Linh, Nguyên Hưng – Như Quỳnh, thể hiện rất thành công với bản cover tiếng Việt. Diễn viên nổi tiếng

Các diễn viên tham gia trong phim đều giữ được phong độ và sự nổi tiếng qua 3 thập kỷ.

Một trong những yếu tố làm nên sự nổi tiếng của tác phẩm chính là dàn diễn viên chính. Châu Nhuận Phát (vai Hứa Văn Cường), Triệu Nhã Chi (vai Phùng Trình Trình) và Lữ Lương Vỹ (Đinh Lực). Những năm 80 của thế kỷ trước, cả 3 diễn viên này đều còn trẻ, nhưng cũng được coi là những tiểu sinh, hoa đán ngôi sao của màn ảnh Hong Kong – TVB. Trải qua hơn 30 năm, tên tuổi của những gương mặt này vẫn không đi theo quy luật đào thải khắc nghiệt của làng giải trí như nhiều diễn viên khác, mà càng ngày càng trở nên nổi tiếng hơn. Châu Nhuận Phát đã trở thành ngôi sao hạng nhất của làng nghệ châu Á, Triệu Nhã Chi được ca ngợi là diễn viên nữ đẹp cùng thời gian, và Lữ Lương Vỹ trở thành nhân vật trụ cột trong các bộ phim truyền hình lớn. Họ vẫn đóng vai chính, vẫn là ngôi sao sau nhiều năm kể từ khi đóng Bến Thượng Hải, và chính điều này khiến Bến Thượng Hải phiên bản 1980 vẫn được nhớ đến.

Theo Tri Thức