Trong số những tác phẩm điện ảnh kinh điển gây ấn tượng mạnh mẽ, bộ phim "Tây Du Ký" phiên bản 1986 vẫn đạt tỷ lệ người xem cao ngất ngưởng dù đã gần 40 năm trôi qua kể từ khi phát sóng lần đầu tiên. Nhiều người còn khẳng định tuổi thơ của họ sẽ không trọn vẹn nếu không được xem "Tây Du Ký".
Vì sao nhân viên đài CCTV rớt nước mắt khi nhìn thấy chi phí sản xuất 3 tập phim "Tây du ký"?
Bộ phim truyền hình được phát sóng mỗi năm vào dịp hè này có giá trị vượt thời gian và trường tồn mãi mãi. Để làm được dự án lớn như vậy, cả nhân viên đoàn làm phim và các diễn viên đã phải trải qua rất nhiều gian nan trong suốt quá trình quay.
"Tây Du Ký" là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc, được công bố chuyển thể thành phim truyền hình vào đầu những năm 1980. Phó giám đốc CCTV đã tìm đến Dương Khiết, người khi đó mới chỉ là một đạo diễn kinh kịch. Bà dám nhận nhiệm vụ vinh quang và gian khổ này trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người.
Sau khi nhận dự án xong, Dương Khiết thấy rằng "Tây du ký" là tác phẩm đỉnh cao trong lịch sử văn học Trung Quốc, khán giả khắp cả nước đều sẽ chú ý đến bộ phim. Vì vậy, nữ đạo diễn không thể coi đây là một dự án bình thường được.
Một tác phẩm văn học thường được dựng thành rất nhiều thể loại khác nhau, điện ảnh, truyền hình, kinh kịch… Dương Khiết đã đi tham khảo ý kiến của rất nhiều người nhưng chưa ưng cái nào. Cuối cùng, bà quyết định kết hợp nhiều thể loại khác nhau để làm thành một bộ phim truyền hình đúng với nguyên tác nhất.
Sự thật đã chứng minh rằng lựa chọn của bà là chính xác. "Tây du ký" đã thống trị màn ảnh suốt mấy chục năm và được cả khán giả trong và ngoài nước hâm mộ. Nhờ nó mà Dương Khiết đã giành được nhiều giải thưởng lớn như Phi Thiên, Kim Ưng cho "Đạo diễn xuất sắc nhất" và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Vào thời điểm đó, "Hồng Lâu Mộng" cũng bắt đầu quay cùng với "Tây du ký" nên đài CCTV đã đưa 3 triệu nhân dân tệ (hơn 10 tỷ đồng) kinh phí cho đoàn để tiến hành quay. Số tiền này quả thật rất lớn, nhưng công nghệ và thiết bị quay phim thì đã lạc hậu, trong khi "Tây du ký" đòi hỏi rất nhiều hiệu ứng đặc biệt. Họ đã tính toán sẽ tốn khá nhiều tiền nên phải tiết kiệm càng sớm càng tốt.
Tất cả đoàn làm phim, bao gồm cả đạo diễn, diễn viên đến các nhân viên, đều chỉ nhận một mức lương bèo bọt, mặc dù họ phải lăn lộn khắp nơi tìm cảnh quay, phải làm việc ở những nơi nguy hiểm như vách đá, thác nước. Thậm chí họ còn từng bị trượt chân ngã do nước chảy xiết.
Ngay cả chi phí hàng ngày cũng được cắt giảm hết lần này đến lần khác, có lần mỗi người chỉ được 1,5 tệ (hơn 5 nghìn đồng) để ăn uống mỗi ngày. Trong khi đó, đàn ông thường ăn khỏe nên họ phải tự bỏ tiền túi để đi ăn ngoài, lấy sức làm việc tiếp.
Khi "Tây du ký" mới quay đến tập 3, số tiền mà nhà đài đầu tư đã tiêu hết. Dương Khiết phải đến Đài Loan xin tài trợ nhưng bị từ chối. Những người ngoài cuộc không hiểu rõ sự cực khổ của đoàn làm phim. Người ta xì xào bàn tán rằng đoàn phim dùng tiền đi du lịch khắp nơi, ăn uống hoang phí. Nghe được điều đó, CCTV liền cử người đi điều tra.
Khi đến nơi, các nhân viên điều tra đã chứng kiến tận mắt điều kiện vật chất thiếu thốn, những sợi dây cáp sờn cũ vẫn được sử dụng, tính mạng diễn viên không được đảm bảo. Thế nhưng tất cả họ đều dốc hết sức mình và sau mỗi lần gặp nguy hiểm đến tính mạng, họ đều vui mừng vì vẫn còn sống.
Đội điều tra trở về Bắc Kinh trong sự xúc động, tuy nhiên, nhà đài vẫn yêu cầu ngừng quay phim. Cả đoàn làm phim cảm thấy cực kỳ thất vọng. Muốn quay tiếp, họ cần phải tự mình bỏ vốn và điều này không hề dễ chút nào. Sau nhiều gian nan thử thách, bộ phim "Tây du ký" đã được Cục Đường sắt đồng ý tài trợ để hoàn thành nốt các tập còn lại.
Năm 1986, "Tây du ký" cuối cùng đã được phát sóng và gặt hái được thành công ngoài mong đợi. 12 năm sau, phần tiếp theo được sản xuất và vẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Một bộ phim đã trải qua biết bao khổ cực nhưng vẫn đến được đích như "Tây du ký" xứng đáng là một tác phẩm kinh điển xuất sắc trong các bộ phim truyền hình và điện ảnh Trung Quốc.