Ngôi sao bắt tay nhà sản xuất
Không thể phủ nhận sức mạnh của việc xuất hiện trên truyền hình ở nước ta. Sao lớn, sao bé, cho dù là diva được tôn vinh đi nữa nhưng cứ ít xuất hiện trên tivi là sẽ giảm nhiệt. Thế nên ở thời bùng nổ truyền hình thực tế như hiện nay, chẳng phải ngôi sao nào cũng giữ được mình trước cơn bão danh tiếng đang thổi qua trên đầu.
Một trong những cái tên gây sốc dư luận thời gian qua là Mỹ Lệ. Mỹ Lệ cũng từng thú nhận việc chị tham gia Cặp đôi hoàn hảo 2013 phần vì mối thân tình với nhà sản xuất, phần vì đã lâu lắm rồi chị không có hoạt động nào để gửi đến khán giả.
Tham gia chương trình này, hàng tuần lên tivi là cách mà chị đến gần hơn với những người còn quan tâm đến chị và cũng là cách để Mỹ Lê hâm nóng tên tuổi của mình. Ngay lập tức, Mỹ Lê gây sốc dư luận với màn đính vỏ mì gói lên khắp váy áo biểu diễn trên truyền hình. Bị dư luận ném đá, chị cho biết mình không được trả tiền mà phải đi quảng cáo hộ nhà tài trợ. Nhưng dư luận thì đồn đoán nếu phía nhà sản xuất không có tác động nào thì Mỹ Lệ cũng muốn được ở lại chương trình lâu, bằng cách đưa ra màn “hạ sách” đó.
Câu chuyện ồn ào xung quanh tranh cãi về chuyên môn với giám khảo Lưu Thiên Hương cũng làm cái tên Mỹ Lệ nóng tiếp tục ngay sau đó. Lời qua tiếng lại giữa cặp thí sinh - giám khảo sau đó nhận được sự hưởng ứng của Lưu Hương Giang và Đức Tuấn khi hai ca sĩ này có những đoạn chia sẻ trên trang cá nhân được cho là ám chỉ tính xấu của Mỹ Lệ.
Chưa biết sau Cặp đôi hoàn hảo, Mỹ Lệ sẽ đi được bao nhiêu bước trên con đường tiến tới gần hơn với khán giả. Nhưng trước mắt chị đã đánh mất không ít những suy nghĩ đẹp trong lòng khán giả bởi những cãi vã vô bổ trên truyền hình.
Câu chuyện của Minh Quân cũng là một ca điển hình khác trong câu chuyện liên kết hai bên nhà sản xuất - ngôi sao. Anh được xem là “ông hoàng của những chiêu trò” ngay sau khi xuất hiện ở Cặp đôi hoàn hảo mùa đầu tiên.
Những tuyên bố bất nhất về việc rút lui khỏi cuộc chơi cũng như những búc xúc được anh ném ra một cách tùy tiện trên mặt báo về chương trình thời đó làm cho nhà sản xuất mừng thầm. Chương trình bỗng dưng hot. Khi Cặp đôi hoàn hảo 2012 vừa kết thúc chưa bao lâu, Minh Quân lại tiếp tục được nhà sản xuất trên mời gọi ở chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2012. Bước vào sân chơi mới này, Minh Quân cũng ngay lập tức tạo được hiệu ứng khi bắn phát đạn để nổ ra scandal đầu tiên cho Bước nhảy hoàn vũ 2012. Với việc giúp Minh Hằng hát hay hơn bằng việc “ăn cắp giọng” của ca sĩ Lan Anh, người ta thấy ngao ngán về khả năng dùng chiêu trò của Minh Quân.
Ở một góc khác của câu chuyện, có những cái bắt tay giữa ngôi sao và nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế lại mang đến “cái chết bất ngờ” cho một tên tuổi. Chuyện ở The Voice Vietnam 2012 là một điển hình.
Trước khi The Voice Vietnam 2012 khởi động, nhiều người đặt niềm tin lớn cho bộ tứ huấn luyện viên, đặc biệt là Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng và Trần Lập. Thế nhưng sau những ngọt ngào về danh tiếng mà chương trình mang đến, họ cũng nhận ngay được những bài học về sự đánh đổi.
Hồ Ngọc Hà ở những tập đầu được ca ngợi là duyên dáng, ăn nói khéo léo bao nhiêu thì càng về sau càng bị chê giả tạo mà thâm hiểm bấy nhiêu với những câu nói "đá xoáy" các huấn luyện viên khác. Đàm Vĩnh Hưng xưa nay vốn là người gây sốc quá nhiều trên mặt báo nhưng đến với The Voice, anh còn khiến dư luận sốc hơn về độ “đanh đá” của mình qua những màn “đấu võ mồm” với Thanh Lam khi bị diva này đặt câu hỏi về chuyên môn.
Trần Lập từng là một tượng đài của giới mộ điệu rock phía Bắc. Đến với The Voice, Trần Lập được thỏa mãn khi được trọng vọng xếp ngang hàng với những ngôi sao giải trí hàng đầu. Tuy nhiên, những câu nói nhạt nhẽo cùng thái độ quan trọng hóa vấn đề, luôn tỏ ra “nguy hiểm” và am hiểu đã khiến Trần Lập bị dư luận “ném đá” không thương tiếc.
Ai cũng thấy hiệu quả quảng cáo quá lớn đến từ những trò chơi trên truyền hình, do đó nhiều ngôi sao bị cuốn theo cơn lốc truyền hình thực tế. Đôi khi vì chút danh tiếng mà họ nghĩ là sẽ có lợi cho mình, hoặc chỉ vì sợ “kém miếng khó chịu” khi thấy đồng nghiệp ai cũng lên tivi, nhiều ngôi sao nhắm mắt “bán bừa danh tiếng” cho các nhà sản xuất truyền hình thực tế.
Cũng từ đây mà hình thành nên mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và ngôi sao. Ai cũng có lợi trong miếng bánh truyền hình thực tế. Và từ đó, vô số chiêu trò được bày ra trên truyền hình. Mỗi nghệ sĩ đã là một nhà đạo diễn đại tài, một chương trình quy tụ cả chục nhà đạo diễn đại tài thì không thể không khiến khán giả quay cuồng.
Nhà đài mặc scandal?
Cục diện của các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam có lẽ sẽ không thể “ngập ngụa trong scandal” như ngày hôm nay nếu như không có sự “làm ngơ” từ phía các đài truyền hình. Theo giới làm truyền hình thực tế, hiện nay VTV là đơn vị có cơ chế thoáng nhất dành cho các nhà sản xuất truyền hình thực tế. Do đó, đây cũng là đài có nhiều chương trình truyền hình thực tế ăn khách nhất đang lên sóng. Kèm theo đó cũng là những scandal luôn tràn ngập sau mỗi đêm thi.
VTV có một ý thức bảo vệ nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế rất sát sao. Đài này luôn cho phép các nhà sản xuất chương trình thực tế giữ kín số lượng bình chọn dành cho mỗi thí sinh dù kết quả này cũng chính là lá phiếu đi tiếp hay phải ra về của thí sinh.
Tại họp báo giới thiệu chương trình The Voice mùa thứ hai, diễn ra hôm 18/4, dư luận và báo chí rất bất bình về việc chương trình tiếp tục chọn nhạc sĩ Phương Uyên làm Giám đốc âm nhạc. Sau scandal dàn xếp kết quả ở mùa giải đầu tiên, Phương Uyên đã phải rút lui khỏi chiếc ghế này. Phía nhà sản xuất cũng hứa hẹn về việc sẽ điều tra sự việc để có câu trả lời sớm nhất cho khán giả về những nghi án được tung lên mạng.
Trong cuộc họp báo trên, để tránh dư luận, phía đơn vị sản xuất The Voice và nhạc sĩ Phương Uyên không có mặt. Thay vào đó, ông Lại Văn Sâm – Trưởng Ban Thể thao giải trí và thông tin kinh tế VTV3 là người đứng ra “cãi lý” cho họ. Theo ông Lại Văn Sâm thì không còn ai có thể phù hợp hơn Phương Uyên. Khi báo giới đặt câu hỏi kết quả “điều tra” vụ scandal của Phương Uyên như chương trình năm ngoái đã hứa tới đâu rồi, ông Sâm cho biết: “Thực ra cho đến bây giờ vẫn chưa ai có thể đưa ra những gì chốt lại rằng nó là như thế, chuyện đó cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến kết quả. Những ai xem qua kết quả The Voice năm ngoái thì thấy kết quả hoàn toàn đúng, chính tôi là người trong cuộc, tôi đảm bảo điều này”.
Sự “bao che đến cùng” của nhà đài dành cho đơn vị sản xuất The Voice đã được vạch trần khi ông Sâm nói rằng đêm chung kết năm ngoái, Ban tổ chức (BTC) có công bố số lượng tin nhắn bầu chọn. Trên thực tế, BTC chỉ công bố tỷ lệ phần trăm tin nhắn bầu chọn. Bị hỏi dồn, đại diện VTV3 “chữa cháy” rằng việc công bố tỷ lệ phần trăm tin nhắn bầu chọn là thuộc format của chương trình. Dù rằng chẳng có nước nào trên thế giới có cái nguyên tắc công bố kỳ cục như vậy.
Bên cạnh đó, trong đêm gala xếp hạng Vietnam’s Got Talent 2013, việc lên ngôi quán quân của luật sư tập sự Trần Hữu Kiên cũng gây ra những dấu hỏi lớn về tính minh bạch của kết quả. Phản ứng của khán giả trên các kênh tương tác của chương trình khá gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi đã được sắp xếp về kết quả. Bởi chỉ riêng với fanpage chương trình, lượng ủng hộ cho các thí sinh ngoài top 4 cũng đã trội hơn rất nhiều, đặc biệt là tài năng vẽ tranh của Hồng Minh. Thế nhưng anh chàng này lại không được đi tiếp vào đêm gala.
Thêm vào đó, việc quán quân Trần Hữu Kiên giành chiến thắng trước nhóm Hoa mẫu đơn với tỷ lệ bình chọn chênh lêch chỉ có 1% cũng khiến dư luân đặt dấu hỏi. Bởi trong đêm gala xếp hạng BTC đã không rõ ràng trong việc công bố thời điểm và thời gian dành cho khán giả bình chọn.
Khi MC Thanh Bạch chưa công bố rõ kết thúc thời gian bình chọn thì trên màn hình đã có một dòng chữ cho biết thời gian bình chọn đã hết ở phần múa của khách mời. Liệu mấy ai để ý đến dòng chữ quan trọng trên?
Nhiều ý kiến cho rằng nếu BTC nói rõ thời điểm đóng và mở tổng đài bình chọn ngay từ đầu chương trình, có thể kết quả sẽ khác đi. Đấy là cứ cho rằng tỷ lệ bình chọn mà chương trình công bố là hoàn toàn chính xác. Còn thực tế, việc thí sinh nào chiến thắng, nhận được bao nhiêu tin nhắn bình chọn chỉ có nhà đài biết, nhà sản xuất biết, ông quản lý tổng đài bình chọn biết. Ba bên này không nói ra, liệu có ai biết được sự thật bên trong là gì?
Hai câu chuyện điển hình trên chỉ là một góc nhỏ trong những chuyện ưu ái mà nhà sản xuất các chương trình truyền hình thực tế hiện nay đang được nhận từ phía các đài truyền hình. Với sự chống lưng đến mức kỹ càng như thế, chẳng phải là “chắp thêm cánh” cho những nhà sản xuất truyền hình thực tế dồn hết sức vào con đường kiến tạo ra những câu chuyện cãi vã vô bổ xung quanh các chương trình?