Vài năm trở lại đây, truyền hình thực tế phát rất mạnh ở Việt Nam. Các cuộc thi như Vietnam Idol, The Voice, Vietnam’s Next Top Model, The Voice Kids hay Project Runway, So You Think You Can Dance, Cuộc đua kỳ thú... luôn có sức hút lớn đối với khán giả truyền hình. Ngược lại, với các nhà sản xuất, việc một chương trình ăn khách giúp họ hái ra không biết bao nhiêu tiền từ các nhà tài trợ cũng như doanh thu quảng cáo.
Để có một mùa giải thành công, bên cạnh việc đổ tiền nhập format đang hot trên thế giới, thuê giám khảo tên tuổi cùng chiến lược PR hoành tráng, những "ông trùm" sản xuất chương trình truyền hình ở Việt Nam cũng không ngần ngại nhảy vào cuộc chiến tranh giành các gương mặt thí sinh triển vọng, có khả năng "gây bão" dư luận về phía mình. Yếu tố thí sinh vì thế trở nên đặc biệt quan trọng, điều này được thể hiện rõ nét qua sự thành – bại của các mùa giải nối tiếp nhau. Hiện tại, 4 đại gia cũng là 4 công ty truyền thông đang lấn chiếm phần lớn các mặt trận truyền hình thực tế, ở các đài hot nhất gồm Cát Tiên Sa, BHD, Multimedia và Đông Tây.
Yếu cố kiềng 4 chân cùng các không ít cuộc thi có tính chất tương tự nhau, khiến tất cả các công ty đều phải có những chiến lược săn tìm nguồn thí sinh chất lượng cho riêng mình. Nhưng dù là cuộc thi nào, tính chất thi thố ra sao thì khâu tuyển chọn, tìm kiếm người dự thi cũng đều quy vào một số công thức chung và cơ bản mà các ông trùm truyền thông này vẫn đang theo đuổi. Đó là tìm kiếm thí sinh sở hữu tài năng thiên phú, những người có khả năng tạo ra câu chuyện gây chấn động xã hội, chủ nhân của các cơn bão scandal khi đang thi và thí sinh là các ngôi sao.
Săn tìm thí sinh tài năng, thần đồng
Trong bối cảnh số lượng chương trình truyền hình thực tế tăng đột biến và những gương mặt tài năng ngày càng trở nên khan hiếm dần, chắc hẳn không một nhà sản xuất nào chỉ chịu ngồi yên chờ thí sinh đến đăng ký dự thi bởi điều đó quá mạo hiểm. Để nắm chắc phần thắng, trước khi cuộc thi khởi động, nhiều đơn vị tổ chức sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, nhân lực bủa đi tìm các gương mặt triển vọng.
Nguồn thí sinh chất lượng đầu tiên mà các ông lớn nhắm đến chính là những cái tên từng đạt giải cao trong một số cuộc thi có tính chất tương tự trước đây. Ở hai sân chơi Vietnam Idol (của BHD) và The Voice (nhà sản xuất Cát Tiên Sa), khán giả truyền hình dễ dàng nhận ra rất nhiều gượng mặt quen thuộc như Văn Mai Hương (giải tư Tiếng ca học đường 2009), Bảo Anh (giải tư Tiếng ca học đường 2009), Bùi Anh Tuấn (giải nhất Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2011 (một cuộc thi do Cát Tiên Sa tổ chức)) hay Tiêu Châu Như Quỳnh (giải 3 Tiếng ca học đường 2009 và giải nhất Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2009). Người xem cũng bắt gặp tình trạng tương tự trong các chương trình khác như Vietnam’s Next Top Model, Project Runway, The Voice Kids, So You Think You Can Dance...
Bên cạnh đó, một vài nhà sản xuất còn cất công đến tận các trường nghệ thuật, vùng quê xa để tìm kiếm tài năng. Chẳng hạn như năm 2012, BHD đã phải tổ chức thêm nhiều địa điểm tuyển chọn cho Vietnam Idol, nhằm lôi kéo cả những thí sinh ở những vùng đất xa xôi hẻo lánh và "hiện tượng" Ya Suy đã minh chứng cho điều đó. Ngoài ra, họ chấp nhận luôn việc ép chín “lúa non” khi không tìm đủ gương mặt triển vọng. Chính vì thế, số lượng thí sinh ở độ tuổi 16-17 xuất hiện ngày càng đông trong các show truyền hình thực tế dành cho tuổi trưởng thành.
Chưa hết, nguồn thí sinh đến với chương trình còn thông qua mối quan hệ quen biết hay sự giới thiệu của các cá nhân, tập thể cũng chiếm không ít. Dấu ấn đậm nét cho nhận định này chính là vụ việc giám đốc âm nhạc Phương Uyên dành sự ưu ái riêng cho trò cưng Thiều Bảo Trang trong mùa giải đầu tiên của The Voice Việt từng khiến dư luận ồn ào.
Tất nhiên, để thuyết phục được các nguồn thí sinh vừa nêu, đơn vị tổ chức thường vẽ ra viễn cảnh về sự nổi tiếng hay dùng những điều khoản vô cùng hấp dẫn. Nhắc đến đây, chắc hẳn không ít khán giả vẫn còn nhớ trường hợp của Hoàng Quyên, thí sinh bất ngờ bỏ ngang cuộc thi hot The Voice để tham gia thử sức ở Vietnam Idol 2012. Thời điểm ấy, nhiều người đặt nghi vấn tại sao cô gái gốc Thái Nguyên lại thay đổi quyết định một cách khó hiểu đến như vậy và phải chăng đã có sự tác động nào đó từ ê-kíp sản xuất Vietnam Idol? Trong khi đó, ở mùa giải đầu tiên, cuộc thi The Winner Is của nhà sản xuất Đông Tây, cũng phải dùng mọi sự vận động để lôi kéo hàng loạt nghệ sĩ góp mặt và tất nhiên để những gương mặt có sẵn độ hot gật đầu tham gia, ngoài những lời hứa hẹn về giải thưởng, có thể còn cần phải kèm theo cả những thỏa thuận riêng về cát-xê.
Những chia sẻ cách đây không lâu của Cao Ngọc Thùy Anh trên trang cá nhân được xem là bằng chứng tiếp theo cho thấy chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam đang thiếu trầm trọng các nhân tố nổi trội. Mặc dù dòng tâm sự ngắn của cô bé từng dự thi The Voice Kids 2013 không thể hiện gì nhiều, song nó cũng chứng minh được ông trùm BHD đang khẩn trương thế nào trong việc tìm kiếm “gà” mới cho mùa giải thứ 5 vừa khởi động.
Dang rộng vòng tay với các thí sinh thu hút sự quan tâm của xã hội
Không chỉ các nhân tố tài năng mới được nhà sản xuất tìm kiếm, ngay cả một số cá nhân sở hữu câu chuyện đời tư độc, lạ cũng trở thành đối tượng của họ. Xét trên mọi phương diện từ tài năng đến ngoại hình có thể những trường hợp này không bằng các thí sinh khác, song đây lại là yếu tố giúp chương trình hút khán giả hơn. Miếng mồi béo bở này luôn được đơn vị tổ chức tận dụng triệt để!
Trong các show truyền hình thực tế, khán dễ dàng bắt gặp câu chuyện cảm động về sự đam mê, khao khát cháy bỏng được đến với nghề của những thí sinh đặc biệt như “gái quê” Lê Thị Phương (Vietnam’s Next Top Model) hay Ya Suy (Vietnam Idol)...
Song song, yếu tố thí sinh khiếm khuyết, thí sinh mắc bệnh hiểm nghèo cũng được các "ông trùm" để mắt tới nhằm thu hút tối đa sự quan tâm từ người xem. Họ đã rất thành công trong việc kéo khán giả hướng về chương trình nhờ những gương mặt này. Nổi bật trong số ấy là cô bé xương thủy tinh Phương Anh ở Vietnam’s Got Talent 2012, chàng vũ công Hoa Đức Công với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối của So You Think You Can Dance 2012, thí sinh khiếm thị yêu ca hát Hà Văn Đông trong Giọng hát Việt mùa đầu tiên... Gần đây nhất là trường hợp cậu bé từng trải qua căn bệnh viêm màng não Quang Anh của The Voice Kids 2013.
Điểm chung ở các thí sinh sở hữu câu chuyện cảm động, mang đến yếu tố xã hội, nếu bản thân họ có thêm chút tài năng, thì cơ hội được các nhà sản xuất "đẩy" lên thành hiện tượng rất cao, ví dụ như Ya Suy, Quang Anh The Voice Kids... Tuy nhiên, nếu tài năng chỉ ở mức vừa phải, họ cũng sớm bị loại, xem như đã "hoàn thành nhiệm vụ" của mình.
Thí sinh hứa hẹn gây sốt bằng scandal
Yếu tố thứ 3 những người sản xuất chương trình dù không bao giờ công khai nhưng cũng luôn rắp tâm tìm kiếm đó là các gương mặt có khả năng gây sốt nơi khán giả, "làm nóng" truyền thông bởi những chiêu trò và chuyện bên lề. Công thức chung ở một vài chương trình thực tế nhưVietnam Idol, The Voice, Vietnam's Next Top Model... trong 10 thí sinh vào chung kết, nhà sản xuất chỉ cần một nửa trong số đó có tài năng đặc biệt hoặc đủ dùng, số thí sinh còn lại hầu như chỉ mang tính drama (tạo kịch tính cho chương trình).
Đó cũng chính là điều dễ dàng nhận thấy ở khắp các cuộc thi, là Bảo Anh - Bùi Anh Tuấn ở The Voice, Hương Giang Idol ở Vietnam Idol 2012, Đức Anh - Đăng Khoa (Vietnam Idol 2010), Lê Thị Phương - Thùy Dương (Vietnam's Next Top Model 2010), Tiến Mạnh (Project Runway)... Tùy vào tính chất của chương trình hay quan điểm của từng nhà sản xuất mà cán cân giữa thí sinh tài năng - thí sinh tạo chiêu trò sẽ thấp hay cao.
Ở các cuộc thi như Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ... ngoài những thí sinh là nghệ sĩ có khả năng múa nhảy thực sự, ban tổ chức luôn ưu ái cho những nghệ sĩ sở hữu cá tính mạnh như Mr Đàm, Phương Thanh, Mỹ Lệ... Bởi chỉ có những người mạnh mồm này mới có thể phát động "những cuộc chiến", những phát ngôn gây tranh cãi... Nếu chiến tranh có hại cho tất cả mọi người, thì cuộc chiến của các ngôi sao thường mang đến những cái lợi cho chương trình truyền hình thực tế như rating tăng vì khán giả quan tâm tò mò, doanh thu quảng cáo cũng theo đó mà tăng lên...
Thí sinh là ngôi sao của làng giải trí
Thí sinh ngôi sao chính là yếu tố cuối cùng góp phần làm nên sự thành công chung cho một chương trình truyền hình thực tế. Tuy các gương mặt này đã có một vị trí nhất định trong showbiz, nhưng ban tổ chức vẫn chấp nhận mời tham gia với lời hứa hẹn hấp dẫn vì sự xuất hiện của họ chắc chắn sẽ thu hút được nhiều sự chú ý, quan tâm của giới chuyên môn lẫn khán giả.
Nếu ở các cuộc thi hát bình thường, việc ban tổ chức ngỏ lời mời hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh vốn đã có sẵn tên tuổi tiến vào sâu (ví dụ Nguyễn Hoàng Tôn, Dương Hoàng Yến, Phạm Hà Linh (ở The Voicenăm nay) thì Quốc Thiên (The Winner Is), Miss Teen Cao Thanh Thảo My (Vietnam Idol)), thì ở những chương trình mà thí sinh toàn là ngôi sao như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Cuộc đua kỳ thú... cuộc chiến săn người nổi tiếng tham gia càng thể hiện rõ nét.
Trong cuộc chiến giành các thí sinh vốn là người nổi tiếng đầu quân vào các cuộc thi, các chương trình truyền hình thực tế của mình, ông trùm truyền thông nào càng có lợi thế quan hệ rộng, hoặc uy tín đủ cao, bên đó sẽ giành được phần thắng. Các cuộc thi do Cát Tiên Sa tổ chức, do luôn được phát trên VTV3 và có truyền thống "hot" nên luôn có sức hút với các thí sinh là nghệ sĩ. Tuy nhiên, cũng có những thí sinh nói không với các chương trình của công ty này như Ngô Thanh Vân, Phương Thanh... Trong khi đó, BHD cũng là công ty khéo léo thu hút người nổi tiếng tham gia. Tuy nhiên, gần đây, nếu so sánh độ nổi tiếng của dàn sao tham gia Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo (Cát Tiên Sa) với Cuộc đua kỳ thú (BHD), sẽ thấy có một sự chênh lệch khá lớn. Điều đó cho thấy, để tìm được những tên tuổi hot, ngoài việc tạo điều kiện tốt cho các thí sinh này, nhà sản xuất cũng phải có những thỏa thuận ngầm để khuyến khích họ góp mặt. Chẳng hạn, năm 2012, BHD đã thành công khi "giật" được thí sinh Hoàng Quyên về với cuộc thi Vietnam Idol, trong khi The Voice cũng là một cuộc thi hot của Cát Tiên Sa.
Multimedia là công ty chuyên sản xuất các chương trình về người mẫu, nhà thiết kế thời trang, nhưng họ cũng đụng phải đối thủ cạnh tranh là Cát Tiên Sa khi nhà sản xuất này, ngoài các chương trình âm nhạc cũng tấn công cả lĩnh vực người mẫu. Chính vì thế, thỉnh thoảng khán giả lại bắt gặp thí sinh từng góp mặt và tạo được ít nhiều tên tuổi ở cuộc thi do công ty này tổ chức, lại bất ngờ có mặt ở cuộc thi do công ty đối thủ mở ra.
Công ty Đông Tây cũng có nhiều cuộc thi cần tuyển chọn các nghệ sĩ tham gia và họ cũng phải bước vào cuộc chiến cạnh tranh với các đối thủ khi thời gian thực hiện, phát sóng chương trình thường chèn ép lên nhau và các nghệ sĩ không có quyền được "bắt cá hai tay". Chính vì thế, ai cũng phải vào cuộc đua tìm người.