Trước ngày phát sóng Táo quân, Đài Truyền hình Việt Nam đã thông báo việc sẽ không phát hành DVD như mọi năm và hợp tác với Công ty Đầu tư và phát triển an ninh Công nghệ cao (CNC) trong việc bảo vệ bản quyền chương trình Táo quân 2014, Gala hài 2014 trên Internet. Theo thông báo này thì ngay sau khi kết thúc các chương trình kia trên sóng truyền hình, clip chương trình sẽ được đăng tải lên trang web của công ty. Những khán giả muốn xem lại Táo quân 2014 sẽ phải trả mức phí là 3.000 đồng cho 1 chương trình.
Để bảo vệ bản quyền của Táo quân 2014, Gala hài 2014 trên mạng thật hiệu quả, công ty CNC đã gửi văn bản tới nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó có cả mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới– Youtube. Thậm chí việc tiếp sóng các chương trình này lên Internet cũng bị cảnh cáo vi phạm. Đại diện của công ty CNC cũng cho biết, bất cứ hành vi vi phạm bản quyền các chương trình trên đều bị xử lý theo mức độ vi phạm, theo công văn đã ký với Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm.
Tuy đã có những hành động “đi tắt đón đầu” rất quyết liệt và chu đáo như vậy, nhưng sau đêm 30 Tết, các clip ghi lại chương trình Táo quân 2014 vẫn tràn lan trên mạng.
Chỉ với từ khóa Táo quân VTV 2014 trên trang Youtube, người dùng sẽ nhận được hàng nghìn kết quả và có thể thoải mái xem clip miễn phí thay vì phải trả 3.000 đồng theo quy định. Thậm chí, nhiều đơn vị còn gắn logo của mình lên clip nhằm mục đích quảng cáo câu khách. Dường như việc cấm của VTV vẫn chưa thu được nhiều hiệu quả vì nhiều đối tượng vẫn công khai ăn cắp bản quyền để trục lợi một cách trắng trợn, mặc lệnh cấm đã được đưa ra.
Có thể thấy việc ngừng phát hành DVD của Táo quân hay Gala hài cũng không thể “làm khó” được những đối tượng sao chép, tung clip chương trình lên mạng trái phép. Bằng nhiều cách, những clip của chương trình vẫn xuất hiện trên mạng như sự khiêu khích đối với những cố gắng của các đơn vị có trách nhiệm bảo vệ bản quyền chương trình.
Như vậy chứng tỏ một thực tế, việc bảo vệ bản quyền còn rất nhiều khó khăn, nhất là khi khán giả chính là một trong những rào cản trong việc bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và nhà sản xuất. Mặc dù phí xem rất rẻ nhưng nhiều khán giả vẫn chuộng đồ miễn phí hơn, minh chứng là những clip của chương trình được tải lên trang Youtube đã thu hút hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn lượt xem và tăng lên hàng ngày, hàng giờ. Những con số này cho thấy việc nhiều khán giả chưa ý thức được hậu quả của việc sử dụng những sản phẩm trái phép đã vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm bản quyền, gây thiệt hại cho nhà sản xuất, các nghệ sĩ và thậm chí là thiệt hại cho chính bản thân người xem vì phải xem lại những chương trình được ăn cắp và chất lượng hình ảnh kém.
Nhưng dù sao thì những hành động trong việc chống vi phạm bản quyền chương trình Táo quân của Đài Truyền hình Việt Nam cùng các đối tác mới là những bước đầu tiên trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và các nghệ sĩ. Có thể chưa được thành công toàn diện như mong đợi nhưng nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan công an, khán giả hoàn toàn có quyền tin tưởng vào những bước tiến mới trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chương trình này nói riêng và các sản phẩm nghệ thuật khác nói chung.