Đã nhiều năm qua, chương trình Táo Quân đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người dân Việt. Bởi trong mỗi chương trình đêm 30 tết như một bộ phim ngắn hài hước nhưng đậm tính thời sự xã hội khi tổng hợp lại một cách logic những sự kiện nóng trong năm qua. Chưa kể, sự dàn dựng công phu, mô tuýp mới lạ cùng khả năng diễn xuất duyên dáng của các danh hài đã khiến khán giả đặt một sự kỳ vọng lớn vào Táo Quân. Mỗi năm họ bật tivi vào thời khắc đón giao thừa với mong muốn chương trình có nhiều tiếng cười hài hước, sâu cay cùng những câu chuyện thời sự hấp dẫn để lay đọng, suy nghĩ về những điều được mất trong năm cũ.
Đúng hẹn lại lên, Táo Quân 2017 lại đến với mọi người, mọi nhà. Ngay ở màn xuất hiện, Táo Quân 2017 đã đặt ra vấn đề thời sự theo cách dí dỏm. Các Táo lên chầu thiên đình không phải bằng cá như mọi năm. Nguyên nhân là vì biển không còn cá. Thảm họa ô nhiễm môi trường biển trong năm qua đã được đề cập một cách khéo léo, sâu sắc. Kế đó, những vấn đề nóng hổi trong năm qua như ngập lụt sân bay, giao thông thường xuyên tắc nghẽn, thí điểm thi trắc nghiệm trong giáo dục, vấn đề sử dụng thời gian không hợp lý của các công chức nhà nước, hay chuyện bổ nhiệm cán bộ “người nhà”… đều được mang ra mổ xẻ trong buổi chầu.
Nói về dàn danh hài tham gia Táo Quân thì không thể thiếu những gương mặt kì cựu như: Chí Trung, Quốc Khánh, Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng, Xuân Bắc, Công Lý còn có nhiều gương mặt mới xuất hiện như Minh Tít, Trung Ruồi… Hầu hết các danh hài vẫn giữ được sự phối hợp tung hứng nhịp nhàng duyên dáng, vẫn giữ được lối diễn dí dỏm sâu sắc qua các khả năng hát, tấu... Tuy nhiên, những gương mặt mới chưa thực sự có ai để lại ấn tượng với khán giả.
Chưa kể, Táo Quân 2017 không thoát khỏi việc lồng ghép quảng cáo một cách lộ liễu. Xuyên suốt phần đầu của chương trình, khán giả như đang được xem một tiết mục quảng cáo "khổng lồ" khi các diễn viên không ngại miệng liên tục nhắc thật tròn vành rõ chữ tên các nhãn hàng. Ngay lập tức, trên mạng xã hội, nhiều bình luận thể hiện sự khó chịu khi chương trình quảng cáo quá nhiều. Họ cho rằng: “Táo Quân năm nay như chương trình “Nhãn hàng bí ẩn”.
Không chỉ vậy, những sự kiện được đưa vào chương trình cũng được nêu ra một cách thiếu đầu tư. Nó chỉ mang tính tổng hợp đơn thuần và không sàn lọc chi tiết đắt giá. Nếu như ở Táo Quân 2016, khán giả sung sướng vì sự tinh tế, sâu cay cùng những câu nói được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội như “Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, mà thông minh nó tìm cách tiêu diệt”, “Tham nhũng kỳ diệu”, “nước trong thì không có cá, người tốt quá không ai chơi” hay “Thành công chỉ dừng ở mức biển hiệu chứ chưa tìm được biểu hiện nào”… đến Táo Quân 2017, những câu thoại lại trở về cột mốc đơn giản, khô cứng, thiếu điểm nhấn và sự sáng tạo, sâu cay để khán giả bật cười, nhớ dai và tâm đắc.
Thực tế nhìn nhận, vì là chương trình mang tầm quốc quốc gia nên Táo Quân nhận được nhiều kì vọng của khán giả. Áp lực đổ lên vai ê kíp từ đạo diễn, biên kịch đến diễn viên là rất lớn. Phong độ của Táo Quân vẫn lên xuống thất thường trong suốt 13 năm qua. Đã có không ít bài phân tích vì sao Táo Quân ngày càng nhạt, với những lý do được đưa ra là đội ngũ biên kịch chịu sức ép nặng nề từ sự kỳ vọng của khán giả, hay việc công nghệ thông tin phát triển và những tin tức thời sự đã được người dân nắm rõ ngọn ngành... Tuy nhiên, không nên vịn vào lí do đó để lấp vào chữa cho sự đi xuống của một chương trình. Nhất là khi những yếu kém trong khâu kịch bản đã được thể hiện khá rõ ràng. Đó chỉ có thể trách sự cẩu thả, thiếu đầu tư của ê kíp thực hiện thay vì đổ lỗi cho sức nặng tâm lí.