Bắc Đẩu vẫn được xem là nhân vật cầm trịch, góp phần tạo ra tiếng cười trào phúng trong Táo Quân. Nhưng cũng nhiều năm liền, vẻ ngoài của "cô Đẩu" được mang ra để trêu đùa.
Không phải tất cả, nhưng việc Táo Quân 2018 với câu thoại như "bọn phụ nữ một nửa", "chẳng phải nữ cũng chẳng phải nam", "hifi" đã bị một bộ phận trong cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) phản ứng gay gắt.
Trong thư ngỏ gửi đến VTV, đại diện cho cộng đồng LGBT cho rằng trong nhiều năm liền, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới luôn là đối tượng bị chương trình Gặp nhau cuối năm "mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại".
|
Bắc Đẩu mặc váy, đeo vương miện trong Táo Quân 2018. Ảnh: Chí Thanh. |
Bắc Đẩu được xây dựng như thế nào?
Bắc Đẩu là nhân vật nam giả nữ duy nhất trong Táo Quân và do NSƯT Công Lý đảm nhận từ năm đầu tiên đến năm 2018, tức năm thứ 15. Trong kịch bản của chương trình, Bắc Đẩu thường được gọi là "cô Đẩu" và khiến các Táo "khiếp sợ" vì tính tình đanh đá, chua ngoa.
Nhiều năm liền, Bắc Đẩu là người cầm trịch chương trình. Cùng với Nam Tào (Xuân Bắc), cô Đẩu đã "soi mói", lật tung vấn đề nổi cộm, bất cập còn tồn tại ở các ngành. Tiếng cười trào phúng, sâu cay được tạo ra từ quá trình báo cáo, tranh luận - đó cũng chính là đặc sản của Táo Quân.
Trao đổi với phóng viên, nghệ sĩ Công Lý cho biết chính anh là người đã đề xuất xây dựng hình tượng Bắc Đẩu đanh đá, chua ngoa như vậy. Nam nghệ sĩ chia sẻ rằng Nam Tào và Bắc Đẩu là nhân vật dân gian, không có thật. Do vậy, Bắc Đẩu có tính cách, diện mạo như vậy hoàn toàn là ý tưởng cá nhân.
"Có người bảo Bắc Đẩu là nam giả nữ, tôi bảo không phải như vậy. Nói Bắc Đẩu đang được tạo hình là một nhân vật đanh đá thì đúng vì phải đanh đá như vậy thì mới khơi được những vấn đề xã hội trong năm", Công Lý nói.
"Vấn đề tạo hình nhân vật là do tính cách nhân vật - một nhân vật xỉa xói, chất vấn, thậm chí moi móc các vấn đề xã hội. Quan trọng là qua 15 năm, nhân vật Bắc Đẩu đã nhận được tình cảm của khán giả, đó là lý do ra đường nhiều người cứ gọi tôi là Bắc Đẩu, rồi cô Đẩu", anh nhấn mạnh.
Bắc Đẩu là nhân vật có vai trò đặc biệt quan trọng trong Táo Quân, thậm chí được ví như người cầm trịch chương trình nên đạo diễn và ê-kíp thực hiện cũng luôn chủ động đầu tư về mặt hình ảnh cho "cô Đẩu".
Năm đầu, Bắc Đẩu vẫn mặc trang phục nam giới - bộ comple màu đen, nhưng càng về sau nhân vật này càng "nữ tính". Đến những năm gần đây, Bắc Đẩu mặc áo dài, độn ngực. Riêng trong Táo Quân 2018, Bắc Đẩu cũng thay ba trang phục: trang phục thiên đình, váy trắng và cuối cùng là "bộ cánh" cách điệu khá lòe loẹt.
|
Bắc Đẩu là nhân vật nam giả nữ duy nhất trong dàn Táo Quân. |
NSƯT Đức Hùng - người phụ trách trang phục Táo Quân - thừa nhận Bắc Đẩu luôn là nhân vật anh phải dồn nhiều tâm sức nhất. Nhà thiết kế cho biết anh luôn nhận được những thắc mắc về việc Bắc Đẩu sẽ mặc gì, màu sắc ra sao, chứng tỏ đây luôn là nhân vật được quan tâm nhất về trang phục.
Đức Hùng từng chủ ý xây dựng nhân vật Bắc Đẩu như "hoa hậu của thiên đình". Với Táo Quân 2016, ý đồ của nhà thiết kế đã thành công. Nhưng với trang phục trong Táo Quân 2018, Đức Hùng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Một số người nhận xét trang phục Bắc Đẩu có phần lòe loẹt với màu sắc quá mạnh.
Sắc sảo nhất nhưng cũng gây tranh cãi nhất
Trong Táo Quân, Bắc Đẩu là nhân vật bề tôi kề cận bên Ngọc Hoàng. Vị trí đó kết hợp với sự sắc sảo, đanh đá trong tính cách, Bắc Đẩu khiến các Táo "khiếp đảm". Thế nhưng, bản thân nhân vật này cũng bị các Táo "trả thù" bằng cách châm biếm nhan sắc, ngoại hình và cả giới tính.
Nhiều năm liền, Bắc Đẩu bị nhận xét là "nửa nam nửa nữ", "hàng giả". Khi sự châm biếm, trêu đùa dừng ở mức độ phù hợp, hành xử này trong Táo Quân chưa bị phản ứng.
Thế nhưng, với Táo Quân 2018 khi những lời thoại nặng nề và được nhắc đi nhắc lại như "hifi", "nam chẳng ra nam nữ chẳng ra nữ", "bọn phụ nữ một nửa", và như giọt nước tràn ly, chương trình đã bị cộng đồng LGBT phản đối gay gắt.
Không chỉ dừng ở việc chế giễu giới tính Bắc Đẩu, nhan sắc của nhân vật này cũng trở thành trò cười của các Táo. "Nhất ngu, nhì đần, nếu cần thì thật kinh tởm. Ba cái đấy Đẩu đều rất sẵn. Đẩu cứ chụp bình thường đã rất kinh tởm rồi", những câu thoại miêu tả nhan sắc kiểu vậy xuất hiện không ít trong Táo Quân, lại dành cho một nhân vật "chuyển giới", khó tránh cộng đồng LGBT thực ngoài đời phản ứng.
|
Nhan sắc, vẻ ngoài của Bắc Đẩu luôn là đề tài để các Táo chế giễu. |
Trên mạng xã hội, có người đặt câu hỏi: "Phải chăng đại diện của cộng đồng LGBT đã quá nhạy cảm?" Người này lý giải rằng Táo Quân là một chương trình hài kịch, do vậy việc sử dụng những chất liệu để gây cười là không có gì sai. Việc các Táo "chế giễu" Bắc Đẩu thực tế cũng chỉ là hình thức trêu đùa.
Thế nhưng, ngay phía dưới dòng bình luận đã có ý kiến phản hồi: "Táo Quân đã mang chuyện giới tính của Bắc Đẩu ra để gây cười suốt nhiều năm. Năm lần bảy lượt nhắc đến vấn đề giới tính chỉ có thể được lý giải bằng việc chương trình đang bí bách chiêu thức gây cười. Dùng đi dùng lại một chất liệu với hài rất dễ thành nhảm".
Giữa bối cảnh chất lượng phim hài, hài kịch đang ngày càng buông tuồng, nhảm nhí, Táo Quân nhiều năm nay vẫn được xem là một thương hiệu của tiếng cười. Táo Quân mạnh mẽ đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi, bất cập của xã hội - điều gần như vắng bóng trong các chương trình hài kịch truyền hình hiện nay.
Nhiều người cho rằng Táo Quân và các nghệ sĩ thực hiện không có chủ ý xúc phạm cộng đồng LGBT, trong đó có người chuyển giới. Thế nhưng, đối với nhiều người thuộc cộng đồng LGBT, việc Táo Quân sử dụng những từ ngữ nặng nề, thậm chí có phần xúc phạm, miệt thị về giới tính, đặc biệt trong chương trình 2018, là "giọt nước tràn ly".
Điều đó cũng đặt một câu hỏi về khâu biên tập trên sóng truyền hình và sự nhạy cảm nghề nghiệp cần có của những người thực hiện.