PHIM NHẠC » Truyền hình

Truyền hình thực tế biến trẻ em thành “mồi” kiếm tiền?

Thứ hai, 05/05/2014 16:49

Trong khi một số chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn đang khiến khán giả Việt “ngán đến tận cổ” thì trẻ em lại trở thành những “mồi” câu béo bở cho cỗ máy kiếm tiền của các nhà sản xuất.

Trẻ em đang bị biến thành “cần câu cơm” của truyền hình thực tế.  

Món lợi khó cưỡng

Sóng truyền hình thời gian tới có thêm 5 chương trình truyền hình thực tế dành cho đối tượng khán giả nhí là: “Đồ rê mí đôi” (Sau khi thay đổi kết cấu chương trình được gọi là “Đồ rê mí đôi”), “Giọng hát Việt”, “Thử thách cùng bước nhảy nhí” (Chương trình sẽ được đổi tên thành “Vũ điệu tuổi xanh” khi phát sóng), “Bước nhảy hoàn vũ nhí” và dự kiến năm nay chương trình “Masterchef” (Vua đầu bếp) cũng sẽ có phiên bản nhí “Masterchef Junior”. Đa phần các chương trình đều đã khởi động hoặc đang sơ tuyển các vòng để chuẩn bị cho mùa lên sóng vào tháng 6, 7 tới đây.

“Đồ rê mí đôi” có hạn cuối nhận hồ sơ ngày 2/5; “Giọng hát Việt nhí” kết thúc vòng sơ tuyển vào ngày 5/5; “Thử thách cùng bước nhảy nhí” đã sơ tuyển vào ngày 13/4 và sẽ có 8 tuần phát sóng, phát vào khung giờ vàng mỗi Chủ nhật hàng tuần trên HTV7. “Bước nhảy hoàn vũ nhí” đã kết thúc sơ tuyển ngày 4/5 với ba giám khảo là kiện tướng Khánh Thy, biên đạo Viết Thành và Phan Hiển. Theo nhà sản xuất, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa dành cho đối tượng nhí từ 6 - 13 tuổi. Gọi là “Bước nhảy hoàn vũ nhí” nhưng về định dạng chương trình giống một phiên bản khác của “Got to dance - Vũ điệu đam mê” của cùng một đơn vị sản xuất. Bên cạnh đó, chương trình truyền hình thực tế dành cho đối tượng này hiện có mặt nhiều trên sóng truyền hình như: “Ước mơ của em”, “Chung sức nhí”, “Con đã lớn khôn”… Rõ ràng, các chương trình thực tế sắp tới của đối tượng nhí sẽ không thua kém bất kỳ chương trình nào của người lớn.

Trên thực tế, các chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn đang rơi vào thế bão hòa bởi sự bế tắc về ý tướng, chiêu trò.... Trong khi đó, trẻ em luôn là đối tượng thu hút sự quan tâm, chú ý của người lớn. Bản thân chúng luôn toát lên những nét đáng yêu, hồn nhiên của con trẻ mà người lớn không thể nào có được. Vì lẽ đó, việc “khai thác” triệt để đối tượng này sẽ mang lại những lợi nhuận kếch xù mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Cụ thể, chương trình “Giọng hát Việt nhí” 2013, ngay khi vừa mới phát sóng đã lấn át mạnh mẽ “Giọng hát Việt” dành cho người lớn với lượng rating cao gấp 3.

Dẫn trẻ “nghịch dao hai lưỡi”?

Mấy phụ huynh đủ tỉnh táo để giữ được con mình trước cơn cuồng phong của các sân chơi truyền hình? Ảnh: HTL

Tạo ra được một sân chơi lành mạnh cho con trẻ là điều mong muốn của hầu hết các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, một khi các chương trình truyền hình thực tế trở nên ồ ạt mà mục đích vui chơi giải trí bị “bóp” thành thứ yếu, mục đích thương mại được nâng thành đích đến thì đó lại là một lo ngại lớn. Bằng chứng, “Giọng hát Việt nhí” 2013 từng gây xôn xao dư luận khi xuất hiện những đoạn nhật ký “vạch” rõ những mảng tối phía sau hậu trường của một bậc phụ huynh. Nhiều bậc phụ huynh chỉ vì thương con mà ngậm đắng nuốt cay theo thế “đâm lao thì phải theo lao”.

Thêm vào đó, ai cũng biết, truyền hình thực tế như một “con dao hai lưỡi”. Mới đầu, ai cũng tưởng tham gia sân chơi ấy con sẽ tha hồ được thể hiện tài năng, sở trường, thế mạnh… Nhưng con trẻ nào ý thức được cuộc chơi đó đầy sự khắc nghiệt. Đó chính là lịch tập, lịch diễn và lịch truyền thông dày đặc của nhà sản xuất. Khi vào thi, con trẻ buộc phải mang tâm lý “đấu đá” để giành phần thắng về mình theo đúng luật chơi. Việc học hành của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thời gian luyện tập và ghi hình. Chẳng hạn, việc phát sóng của “Giọng hát Việt nhí” năm nay sẽ kéo dài đến cuối tháng 10/2014, thời điểm các em đã nhập học hơn một tháng. Trong đó, chỉ có vòng “Giấu mặt” là được ghi hình và phát sóng vào tháng 6, các vòng thi sau, thí sinh đều phải hát trực tiếp trên truyền hình.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, ở góc nhìn nào đó, các chương trình truyền hình thực tế có thể đáp ứng một nhu cầu rất lớn của trẻ em hiện nay, nhưng rõ ràng khi tính chất ăn thua được nâng cao, mục đích thương mại trở nên quá lớn thì những nguy cơ bắt đầu xuất hiện. Nhà tài trợ nào cũng muốn được nhiều quyền lợi nhất nên càng “cào hốt” được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

“Chúng ta cần đánh giá một vấn đề đều có hai mặt của nó. Những thí sinh nhí có thể có bệ phóng, có môi trường phát huy, có những món quà thú vị lớn hơn phần thưởng sau cuộc thi... nhưng cũng không nên quên là những thí sinh mệt mỏi trong cuộc thi khi chưa đủ sức chinh chiến, đặc biệt là sức mạnh về tinh thần và tâm lý sẽ rất dễ tổn thương. Có những nỗi đau sẽ rất sâu dù không phải quá lớn. Về phía người xem, cụ thể là trẻ em, những biểu tượng về cuộc thi (cả những biểu tượng bên lề, hình ảnh...) sẽ ảnh hưởng lâu bền. Thậm chí, sự vui buồn, sự thất vọng có thể làm cho hàng loạt khán giả trẻ em đau đớn, mất niềm tin lâu dài...”, PGS Huỳnh Văn Sơn nói.

Vì thế, theo PGS Huỳnh Văn Sơn cần thật sự ý thức sâu sắc điều này dù ở bất kỳ góc độ nào từ nhà sản xuất, người quản lý, người kiểm duyệt, giám khảo... Thậm chí những người làm hậu đài, bảo vệ, bếp... đều phải được huấn luyện về tính chất chương trình, tâm lý trẻ em, ứng xử với trẻ em. Còn cha mẹ là những người sẽ được huấn luyện kỹ về tâm lý để không gây sức ép với trẻ, cũng như có thể xử lý khi con bị khủng hoảng hay sốc.

“Phụ huynh cần biết kiểm soát bản thân, điều chỉnh mục tiêu và bảo vệ con mình trong những cơn cuồng phong là điều cần làm. Cần chuẩn bị tâm lý cho con cái nếu cháu muốn tham gia cuộc thi. Những người cha, người mẹ, nhà quản lý… cần biết định hướng thị hiếu cũng như sát cánh với con trong những hoạt động giải trí để cùng chia sẻ với tư cách bạn bè thì mọi vấn đề sẽ được làm chủ hiệu quả hơn” , PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

giadinh.net