Hết “phiêu lưu tình ái” đến “chửi”… giám khảo
“Giọng hát Việt” mùa đầu với thành công đáng ghi nhận. Nhưng, nhà sản xuất dường như không để khán giả kịp nhấm nháp dư vị đã “thừa thắng xông lên”, khởi động mùa thứ hai của show thực tếnày. Hậu quả cho thấy, dù có ý thức “làm mới” đội ngũ huấn luyện viên (HLV), MC… thì sự thất bại của mùa này là không cần bàn cãi.
Thất bại từ những “vấp váp” khó chấp nhận của MC (Yumi Dương); sự đôi co “vô cùng tỏa sáng” của HLV; sự qua mặt của HLV trước bình chọn của khán giả. Thậm chí là cả những “ngờ vực” khi Thảo My lên ngôi quán quân. Rất nhiều người chép miệng, lắc đầu: “Nhạt lắm rồi, ai thắng cũng vậy thôi”!
Kế đến là “Vietnam’s Next Top Model 2013” cũng chịu kết cục không khá hơn. Sau 3 mùa giải khá thành công, mùa thứ tư chương trình đổi mới hơn khi có sự tham gia của cả thí sinh nam. Tuy nhiên, nét nổi bật của chương trình được báo chí khai thác chủ yếu là những nội dung: Gu thời trang “dị hợm” của một số giám khảo khách mời; chuyện “phiêu lưu tình ái bí ẩn” của thí sinh; những “đồn đoán” về sự thiên vị của giám khảo để “vịt hóa thiên nga”… Vẫn là những chiêu PR cũ rích không còn đủ sức níu chân khán giả.
Nhắc đến “Cặp đôi hoàn hảo 2013”, thay vì đề cập đến cặp đôi quán quân Thanh Thúy - Dương Triệu Vũ, người ta lại nhớ ngay đến “lùm xùm” thí sinh hay giám khảo “đôi co” căng thẳng. Xoay quanh tiết mục Mỹ Lệ - Khương Ngọc, giám khảo Lưu Thiên Hương và Mỹ Lệ không chỉ lời qua tiếng lại trên sân khấu mà còn đấu khẩu trên báo chí. Cặp đôi thí sinh Thảo Trang - Thuận Việt, Cát Phượng - Phan Đinh Tùng sau khi bị loại cũng bày tỏ sự không đồng tình với nhận xét và cách chấm của giám khảo...
Chương trình “Bước nhảy hoàn vũ 2013” gây chú ý khi thí sinh Hòa Hiệp bị loại quay ra “nói xấu” giám khảo. Riêng chương trình “Vietnam’s Got Talent” chẳng biết có thể gượng dậy để có mùa thứ ba, sau mùa thứ hai quá bết bát?
Mới thì cũng… mệt
"Người giấu mặt” là gameshow “nhập khẩu” mới toanh nhưng ngay lập tức cũng đi theo lối mòn gameshow Việt là tung ra những chiêu câu khách rẻ tiền để hút khán giả. Lên sóng với tần suất 1 giờ/1 tập/ngày (hơn 60 tập), quanh đi quẩn lại chỉ là chuyện sinh hoạt của 12 con người được “nhốt” vào “nhà chung” khiến nhiều khán giả chỉ có cảm giác ngán ngẩm chứ chẳng phải thích thú. Khán giả gần như đã quên hẳn sự tồn tại của “Người giấu mặt” nếu không có màn thí sinh nữ cởi đồ để... giảm cân(?!).
Dù khi lên sóng, cảnh đó đã được làm mờ nhưng khán giả vẫn chỉ trích đây là hành động phản cảm, nhất là khi phát trên VTV6 - kênh giáo dục, giải trí dành cho thanh thiếu niên. Nhà sản xuất sau đó phải công khai xin lỗi khán giả, ngoài ra không hề có sự xử phạt công khai nào khác dành cho chương trình cũng như thí sinh(?!). Điều này khiến không ít người ngờ rằng, đây là một chiêu thức PR mong “gỡ gạc” lại “diện mạo” chương trình.
Khởi động mùa đầu, những tưởng hút được lượng lớn khán giả nhưng xem ra “Giọng hát Việt nhí” (The Voice Kids) cũng có kết cục không mấy sáng sủa ngoài những lùm xùm về sân chơi trẻ em và toan tính người lớn. Đó là nhật ký của phụ huynh thí sinh Lương Thùy Mai gây xôn xao dư luận với việc bóc trần chuyện hậu trường đưa con đi thi. Sự “nóng bất thường” của Á quân mang danh “thần đồng dân ca” Phương Mỹ Chi và hàng loạt những scandal đi kèm như nghi án bị chơi xấu, dàn xếp kết quả. Rồi tới sự tranh cãi giữa một số fan của Quang Anh và của Phương Mỹ Chi cũng làm nóng các diễn đàn…
Master Chef – cuộc thi nấu ăn mùa đầu lên sóng đã để lại ấn tượng tốt bởi những vòng thi thú vị và cả những… scandal: Trong tập 10, với đề tài là món bánh xèo, các thí sinh tỏ ra lúng túng khi chưa bao giờ… làm món bánh này! Kết quả, đĩa bánh xèo của nhóm thí sinh Anh Thư bị giám khảo Luke Nguyễn đổ thẳng vào thùng rác.
Sản phẩm của thí sinh Hồng Nam cũng thê thảm không kém khi giám khảo Tinh Hải nhổ ngay vào thùng rác vì cho rằng không thể nuốt nổi. Khi hình ảnh lên sóng, cư dân mạng đã bày tỏ thái độ bức xúc trước hành động thiếu lịch sự, không phù hợp với văn hóa của hai vị giám khảo. Với những hạt sạn như thế, liệu chương trình có thể “đứng vững” mùa sau?
Điều làm nên sức hút của đa số các gameshow thực tế là lấy sự tham gia của người nổi tiếng để hút khán giả. Chính vì thế, năm vừa qua khán giả dễ dàng nhận thấy nhiều khuôn mặt quen thuộc, nhiều người còn tham gia hai, ba chương trình liên tục. Vài năm trước, khó mà thấy những “người vô danh háo danh” bỗng chốc trở thành “hot”. Nhưng với truyền hình thực tế, điều không thể hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, “chen chúc”, “nhốn nháo” của các gameshow cũ, mới trong năm nay khiến cuộc đua giành khán giả trở nên khốc liệt. Số lượng dường như không đi đôi với chất lượng, những chiêu trò nhàm chán, thiếu tính sáng tạo, thua xa phiên bản gốc đã khiến các gameshow ngày càng mất điểm.