PHIM NHẠC » Truyền hình

Truyền hình thực tế Việt: Đường dài mới biết ngựa hay

Chủ nhật, 15/02/2015 10:26

Hơn ai hết, công chúng đều mong muốn nước ta sẽ có thêm những chương trình thật sự thuần Việt, được tạo ra từ sáng tạo của chính người Việt.

Năm 2014 có thể coi là một năm bùng nổ của các chương trình thực tế trên sóng truyền hình Việt. Hàng loạt những gameshow mới được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người xem. Tuy vậy, không phải tất cả trong số đó đều được đánh giá cao.

“Phiên bản nhí” ồ ạt ra đời

Nếu ngày trước, truyền hình Việt chỉ có một sân chơi duy nhất là “Đồ Rê Mí” dành cho lừa tuổi thiếu nhi thì giờ đây, khán giả gần như “bội thực” với hàng loạt chương trình “phiên bản nhí” xuất hiện nhan nhản trên sóng giờ vàng VTV, từ “Giọng hát Việt nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, hay “Bước nhảy Hoàn Vũ nhí”.

Các chương trình "nhí" ăn theo phiên bản người lớn.

Tại các nước khác, việc cho ra đời những “phiên bản nhí” ăn theo các gameshow của người lớn từ lâu đã không còn là chuyện xa lạ. Nhưng ở Việt Nam, phải tới gần đây các nhà sản xuất chương trình mới thực sự nhận ra mảnh đất màu mỡ chưa được để tâm đến này.

Xuất phát từ tâm lý của phần đông khán giả vốn đã ngán ngẩm với những chiêu trò, scandal liên tục bủa vây các show thực tế trước đó, người xem giờ muốn được thưởng thức một chương trình mang tính giải trí đúng nghĩa và tất nhiên phải “sạch”. Chính sự hồn nhiên, trong sáng của các bé cùng tài năng không thể chối cãi đã kéo công chúng lại với chương trình.

Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện nhiều ý kiến tiêu cực về việc kéo các em vào guồng quay giải trí quá sớm. Dường như các nhà sản xuất đang lợi dụng “thế hệ nhí” này để nhằm mục đích lôi kéo khán giả. Chưa kể đến những hệ lụy trong việc học hành hay tâm lý đang tuổi mới lớn của các em, chỉ riêng việc nổi tiếng quá sớm cùng ánh hào quang khó cưỡng từ showbiz cũng có thể khiến trẻ dễ mắc “bệnh ngôi sao”.

Chương trình hài gây tiếng vang

Bên cạnh các chương trình dành cho trẻ em, những gameshow mang lại tiếng cười cho khán giả như “Gương mặt thân quen”, “Cười là thua” hay “Người giấu mặt” như một làn gió mới thổi vào truyền hình Việt.

"Ơn giời! cậu đây rồi" nhận được nhiều sự yêu thích từ khán giả.

Thành công nhất có thể kể tới “Gương mặt thân quen” mùa thứ 2 với sự lên ngôi của những gương mặt trẻ đầy triển vọng như Hoài Lâm, Vương Khang hay sức hút bất ngờ từ chương trình hài ứng biến mới toanh như “Ơn giời, cậu đây rồi!”.

Những cái tên như Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành năm qua cũng khiến công chúng nhẵn mặt với các vai trò giám khảo, MC trong các show truyền hình chọc cười khán giả.

Vẫn chỉ là cuộc chơi của người nổi tiếng

Có thể nói, hơn 90% các chương trình truyền hình thực tế của ta đều sử dụng những thí sinh hay giảm khảo là những tên tuổi nổi tiếng trong showbiz Việt để thu hút sự chú ý từ truyền thông hay công chúng.

"Cuộc đua kỳ thú" hay cuộc đua của những người nổi tiếng?

Ngay cả chương trình có fomat ban đầu dành cho mọi đối tượng có thể đăng ký tham gia như “Cuộc đua kỳ thú” (Amazing Race) nhưng đến khi về Việt Nam, nhà sản xuất vẫn cố mời bằng được những cái tên đang hot như Hương Giang idol, Trang Khiếu,... nhập cuộc đua để tăng độ hot của cuộc thi. Việc lạm dụng các yếu tố truyền thông như vậy dễ khiến cho chương trình dần đi vào ngõ cụt khi những người nổi tiếng này tham gia hết chương trình này đến cuộc thi khác.

Nghi vấn dàn xếp

Một chương trình truyền hình muốn được người xem quan tâm thì nhất định phải thật kịch tính và đi ngược với dự đoán của số đông. Chính yếu tố trên đã khiến các nhà sản xuất luôn bị hoài nghi vì có dính dáng đến việc dàn xếp kết quả hay dàn dựng nội dung mỗi tập phát sóng sao cho “thực tế” nhất có thể.

Việc đưa Nguyễn Oanh lên ngôi vị cao nhất Next Top có nằm trong sắp đặt của ban tổ chức?

“The Voice” mùa giải đầu tiên là minh chứng rõ ràng nhất cho sự “dàn xếp” từ phía ban tổ chức khi đoạn ghi âm của giám đốc âm nhạc Phương Uyên bị lộ ra ngoài. Kể từ vết chàm đó, khán giả dần mất lòng tin vào các chương trình thực tế, họ coi đó đơn thuần chỉ là một bộ phim truyền hình dài tập xem cho vui mà thôi.

Hay như “VietNam Next Top Model” mùa giải vừa rồi, khán giả từng bất ngờ khi một thí sinh bị loại chỉ vì quên nói lời cảm ơn tới ban giám khảo, nhưng ngay sau đó, họ lại được chứng kiến thí sinh Nguyễn Oanh với những màn lớn tiếng cãi lộn, quát nạt cả người lớn tuổi hơn mình trong ngôi nhà chung nhưng vẫn được cứu hết lần này đến lần khác, thậm chí sau này còn đăng quang ngôi vị cao nhất khiến người xem phân vân không hiểu định nghĩa về “hỗn láo” và “cá tính” của “bộ tứ quyền lực” khác nhau như thế nào?

Thừa nhưng vẫn thiếu

Chỉ trong năm 2014, hàng chục chương trình truyền hình mới được mạnh tay sản xuất, các gameshow ra đời nhiều như nấm mọc sau mưa. Ngoài những chương trình chuyên về ca hát thì giờ đây khán giả có những lựa chọn khác đa dạng hơn: từ thiết kế thời trang (Project RunWay), người mẫu (VietNam Next Top Model) đến nấu ăn (Master Chef) hay vận động (Amazing Race, Bước nhảy Hoàn Vũ).

Quá nhiều cuộc thi hát mọc ra nhưng chất lượng thí sinh không thay đổi.

Dễ dàng nhận ra đa số các chương trình trên đều được mua bản quyền từ những nước có nền công nghiệp giải trí phát triển. Chính vì vậy, khâu việt hóa làm sao cho chương trình đáp ứng được thị hiếu của khán giả Việt, đồng thời phù hợp với văn hóa nước nhà đòi hỏi nhà sản xuất phải làm việc hết mình cùng sự đầu tư tâm huyết không ngừng nghỉ. Hơn ai hết, công chúng đều mong muốn nước ta sẽ có thêm những chương trình thật sự thuần Việt, được tạo ra từ sáng tạo của chính người Việt.

Việc xuất hiện quá nhiều các cuộc thi na ná nhau với tần xuất dày đặc cũng khiến khâu tuyển chọn thí sinh gặp nhiều bế tắc. Nhất là với mảng âm nhạc, nhiều tên tuổi lớn trong làng giải trí Việt từng phải lên tiếng cảnh báo rằng Việt Nam đang lâm vào tình trạng khan khiếm các tài năng thực sự.

Đường dài mới biết ngựa hay

Có thể nói cuộc chiến giữa các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam hiện nay chỉ thực sự nổ ra với 2 ông lớn Cát Tiên Sa và BHD mà tiêu biểu là giữa 2 chương trình âm nhạc đình đám nhất: VietNam Idol (Thần tượng âm nhạc Việt Nam) và The Voice (Giọng hát Việt).

Vì một số lý do, Giọng hát Việt đã bị tạm dừng vào năm ngoái, thay vào đó là một chương trình hoàn toàn mới: Nhân tố bí ẩn (X-Factor). Với cách làm việc thường thấy ở Cát Tiên Sa: “Không scandal không phải truyền hình thực tế” nên ngay từ khi ra đời, đứa con mới này của Cát Tiên Sa đã dính loạt tai tiếng khiến khán giả chán ngán. Ầm ĩ nhất chính là việc ca sĩ Anh Thúy (cựu thành viên Mây Trắng) dùng thân phận giả để dự thi tại vòng sơ loại.

Vụ ầm ĩ của Anh Thúy ngay từ tập đầu của X-Factor khiến khán giả chán ngán.

Với BHD, cách đây 8 năm, khi lần đầu tiên một chương trình truyền hình thực tế nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, “Vietnam Idol” đã dễ dàng đánh bại mọi gameshow khác cùng thời điểm như “Sao Mai” hay “Sao Mai điểm hẹn”. Trải qua 6 mùa phát sóng, cùng với lợi thế là người tiên phong, BHD đã rất thành công trong việc sở hữu lượng khán giả theo dõi trung thành với “Vietnam Idol” trong thời gian dài như vậy, điều mà Cát Tiên Sa và các chương trình của công ty này đang khá chật vật để đạt được.

Lý giải cho vấn đề này, có thể thấy những chương trình được Cát Tiên Sa mua về đều đang cực hot tại các nước khác. Nhưng các show này chỉ gây được tiếng vang trong mùa đầu tiên do có fomat mới lạ, sau đó khi khán giả đã hết tò mò thì việc duy trì lượng người xem là vô cùng khó khăn.

Khán giả vẫn luôn hy vọng có thêm những chương trình thật sự thuần Việt.

Giữa một rừng các chương trình giải trí, khán giả mong muốn được theo dõi một cuộc chơi công bằng, được xây dựng bằng cái tâm của nhà tổ chức muốn cống hiến cho truyền hình nước nhà. Không scandal, không chiêu trò, các thí sinh tham gia chỉ cần thể hiện hết mình bằng tài năng, lao động nghệ thuật nghiêm túc thì chắc chắc sẽ được công chúng nhiệt tình đón nhận.

Theo Danviet.vn