Với nội dung chính là buổi các Táo lên chầu trời, báo cáo thành tích, khuyết điểm với Ngọc Hoàng nên việc lặp đi lặp lại những cái tên quen thuộc như Táo giao thông, Táo giáo dục, Táo văn hóa, Táo y tế,...là điều khó tránh khỏi, nhưng cái quan trọng nằm cách thể hiện của các nghệ sĩ và nội dung của bản báo cáo.
Trong chương trình gala Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2014, gần như các vai diễn vẫn giữ nguyên vị trí, trừ Táo giao thông và Táo điện lực được thay đổi cũng phần nào mang lại sự mới mẻ cho dàn diễn viên.
Nhưng điểm trừ của chương trình là hai Táo văn hóa và Táo giáo dục gần như bị “lãng quên” và đột nhiên xuất hiện thình lình sau buổi chầu, phát biểu những câu...không liên quan khiến khán giả không khỏi hụt hẫng vì hai lĩnh vực này trong năm qua có khá nhiều vấn đề thì lại bị bỏ ngỏ. Đó là chưa kể, phần thể hiện của các Táo khác cũng không quá ấn tượng, thậm chí còn bị đánh giá là nhạt nhẽo, vô duyên.
Một yếu tố nữa cũng góp phần tạo nên thương hiệu của chương trình Táo quân chính là nhạc chế. Khán giả có thể chưa cần xem Táo quân nhưng có thể đoán chắc rằng sẽ có vài bài nhạc chế xuất hiện trên sân khấu.
Cách đưa âm nhạc vào khiến buổi diễn thêm sinh động, nhiều màu sắc nhưng trong nhiều chương trình Táo quân, điểm mạnh này lại chưa được khai thác mạnh như mọi năm. Bởi năm nay nhiều bài hát nội dung dài dòng, khó nhớ nên làm khán giả khó thấm để cười được.
Bài hát của Táo giao thông năm nay chính là một ví dụ. Bài hát thực sự thất bại trong việc lấy được tiếng cười của khán giả vì giai điệu lẫn lộn từ Bắc chí Nam, ca từ không mang tính châm biếm, hài hước nhiều, hơn nữa lại khá dài khiến nhiều khán giả muốn “tua” cho nhanh.
Nếu nhìn lại những chương trình trước đây thì Táo quân 2009 khá thành công trong việc sử dụng âm nhạc, ví dụ như bài “Lụt từ ngã tư đường phố” đã khá hot sau khi phát sóng, thậm chí được nhiều người chọn làm...nhạc chuông và hầu như cứ mùa ngập lụt nào ca khúc chế này của Táo quân cũng được vang lên. Điều này cho thấy bài hát đã tạo được làn sóng mạnh mẽ tới người xem, như vậy có thể coi là thành công của phần nhạc chế trong chương trình.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất để chương trình thành công chính là cao trào, điểm nhấn của kịch bản. Xuyên suốt Táo quân 2014, khán giả khó có thể tìm thấy một chi tiết, phân đoạn nào thực sự “đóng đinh” vào tâm trí. Mặc dù kịch bản Táo quân năm nay đề cập đến nhiều tiêu cực, bức xúc trong nhiều lĩnh vực nhưng mọi thứ vẫn khá gượng ép, tạo cảm giác như cố đưa nhiều chi tiết quá khiến kịch bản bị loãng, hoặc đó là “tác dụng phụ” của việc cắt xén.
Khán giả chỉ có thể cảm thấy “hừng hực” khi Táo y tế bị treo lủng lẳng chờ chém, và hả hê với lời phán của Ngọc Hoàng để Táo y tế hiểu cảm giác van xin người khác cứu mình như thế nào, cũng như những bệnh nhân phải quỵ lụy, năn nỉ bác sĩ cứu chữa khổ sở như vậy. Có thể nói hình ảnh “tự lệnh ngành” bị treo lủng lẳng như thế hiện thái độ của người dân với ngành Y, một thái độ quyết liệt, mạnh mẽ chứ không chỉ suốt ngày ca thán, phê phán bằng những ngôn từ sáo rỗng.
Kết thúc của chương trình năm nay cũng khá đột ngột. Nếu như nhiều năm trước, Ngọc Hoàng ra chiếu chỉ, kêu gọi các Táo đồng lòng, làm việc tận tụy, hay là một tiết mục ca nhạc của các diễn viên thì nay, Ngọc Hoàng chỉ nói vài câu, nhấn mạnh vào ngành Y rồi nhanh chóng “bãi triều” khiến nhiều khán giả hụt hẫng.
Táo quân VTV vẫn là một chương trình được khán giả chờ đợi trong ngày cuối năm, và mặc dù đang có xu hướng “nhạt dần đều” nhưng cũng không ít người mong muốn một sự đột phá. Hy vọng rằng những năm tới, Táo quân sẽ được thêm “muối” nhiều hơn sao vừa khẩu vị với khán giả truyền hình.