Với hơn 54.000 km sông rạch, miền Tây được mệnh danh là vùng đất “Chín Rồng” có con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi, có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông… hình ảnh đó xưa, nay vẫn vậy. Và cũng chính vì thế, miền Tây đã sản sinh ra một nét văn hoá đặc trưng miền sông nước, đó là chợ nổi, sầm uất và đông vui chẳng kém gì chợ trên bờ.
Chợ nổi họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mờ sương, gió mát lạnh và nắng hãy còn dìu dịu. Đi chợ nổi phải khởi hành thật sớm, bởi khi mặt trời lên cao, nắng bắt đầu gắt là lúc chợ vãn khách và ghe xuồng đi lại thưa thớt hơn.
Còn gì vui thích hơn khi sáng sớm tinh mơ, chạy ghe trên dòng Cửu Long dập dềnh sóng nước, hít căng lồng ngực thứ không khí mát lịm của buổi sớm. Bạn có thể ngắm nhìn người ta mua bán nào là trái cây, rau củ cho đến cây kim sợi chỉ, đồ gia dụng. Đi thêm chút xíu, đói thì tạt sát ghe gọi tô hủ tíu, bát bánh canh hay thưởng thức những món đặc sản của Nam Bộ như bánh tét, bánh nếp lá dừa, bánh cam, đậu hũ, bánh phồng, bánh bột lọc,… với giá bình dân.
Cùng Depplus dạo qua một số chợ Nổi đặc biệt của miền Tây.
Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ
Nằm trên sông Cái Răng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 6 km, chợ nổi Cái Răng là một điểm nhấn du lịch của thành phố Cần Thơ mơ mộng. Từ bến Ninh Kiều đến trung tâm chợ chỉ mất 30 phút.
Là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Cái Răng tấp nập người mua kẻ bán cùng hàng trăm thuyền, ghe lớn bé đậu san sát ngay từ sáng sớm. Ngày thường, chợ họp từ 3h đến 9h, đến cận Tết chợ họp gần như suốt ngày.
Ở chợ nổi Cái Răng, ngoài ngắm nhìn những ghe thuyền đầy ắp trái cây, nông sản phẩm, bạn còn có dịp thưởng thức các món ăn đậm chất Tây Đô như: hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi. Đặc biệt, bạn sẽ thấy thích thú khi nhìn thấy những chiếc sào cao có treo các loại đồ như rau củ để thu hút sự chú ý từ xa. Nhìn thấy treo củ quả gì tức là ghe đó bán loại củ quả đó, cây sào đó còn được gọi là “cây bẹo”.
Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang
Được hình thành từ thế kỉ thứ 18, chợ nổi Cái Bè là nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Ngoài cảnh ghe thuyền đi lại như mắc cửi, chợ nổi lâu đời bậc nhất Tiền Giang này còn thu hút du khách bởi bức tranh thủy mặc của thị trấn với những khu vườn nối tiếp vườn, những dãy phố nằm dọc bờ sông, lúc ẩn lúc hiện dưới hàng dừa nước và những rặng bần đặc trưng miền Tây.
Ở đây có nhiều sản vật phong phú, đa dạng từ trái cây tới gia cầm, thủy hải sản, thậm chí cả đồ gia dụng, vải vóc. Đặc sản nơi đây có quít đường, kẹo dừa hoặc độc đáo hơn là xà bông từ dừa. Đi Cái Bè, bạn cần đi sớm vì chợ họp từ 2h tới 8h sáng là chợ đã vắng tanh.
Chợ nổi Phụng Hiệp, Hậu Giang
Chợ nổi Phụng Hiệp, hay còn gọi là chợ Ngã Bảy – nơi 7 tuyến sông gặp nhau, là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Chợ cách thành phố Vị Thanh, Hậu Giang 75km và trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 30km về phía Nam.
Phụng Hiệp hơn hẳn các chợ nổi khác vì thuận lợi giao thông, bề dày lịch sử và cả qui mô hoạt động. Chợ hình thành từ 1915, sau 10 năm đào kênh Xáng, nối các kênh rạch còn lại, tạo thành Ngã Bảy Phụng Hiệp, trung tâm đầu mối giao thông đường thủy lớn nhất trong vùng. Thời hưng thịnh, có ngày gần cả ngàn ghe thuyền về Ngã Bảy họp chợ. Chợ như một cửa hàng bách hóa tổng hợp khổng lồ, sống động, có thể mua sỉ, bán lẻ, cực kỳ đa dạng.
Phụng Hiệp có một điểm đặc biệt nữa đó là chợ rắn với đủ các loại rắn và rượu rắn. Ngoài ra còn có rùa, ba ba, tắc kè, kì đà...
Chợ nổi Long Xuyên
Miền Tây chín nhánh sông dài
Long Xuyên – chợ nổi nhớ hoài ai ơi
Thương em, thương tiếng rao mời
Hậu Giang lấp lánh nụ cười chín cây
Cách trung tâm thành phố chừng 2km, chợ nổi Long Xuyên tuy không nổi tiếng như các chợ khác nhưng đến đây bạn vẫn có thể cảm nhận được đầy đủ đặc trưng của một chợ nổi và sự phóng khoáng của người dân Nam Bộ.
Hàng hóa trao đổi ở chợ chủ yếu là trái cây, đủ các loại, từ khóm, dưa hấu, dừa, chuối đến cam quýt bười xoài,… Mỗi một loại trái cây đều được xếp đặt cẩn thận, đẹp mắt, giá cả lại rẻ. Trái khóm lớn, vàng ươm chỉ 5 ngàn, ký dưa hấu hai ngàn rưỡi, dừa khô 6 ngàn một trái. Đồng lời không bao nhiêu nhưng là kế sinh nhai của hàng trăm người gắn bó với chợ nổi. Và dòng sông không chỉ là chỗ mua bán mưu sinh mà còn là mảnh đất cắm dùi của bà con, những người không có nổi một nắm đất trên bờ.
Chợ nổi vùng Miệt Thứ
Từ Cà Mau dọc ven biển đi Kiên Giang có nhiều chợ nổi vùng “Miệt Thứ”. Miệt Thứ được tính từ con sông Tắc Cậu (Kiên Giang) dọc theo tuyến quốc lộ 63 xuôi về đến huyện Thới Bình, Cà Mau gần 60km.
Ở đây có tất cả 11 thứ. Con kênh đào đầu tiên ở xứ này được đặt tên là “Thứ Nhứt”, tiếp đến là con kênh Thứ Nhì, 3, 4… đến Thứ 11. Mỗi con kênh vùng Miệt Thứ đều có nhóm chợ mọc lên tại các ngã ba hoặc đầu kênh.
Chợ nổi Vĩnh Thuận không rao mời, và cũng không treo hàng lủng lẳng trên mũi ghe. Khách chèo xuồng tự tìm đến mua, bán, trao đổi, thuận bán, vừa mua và cách ứng xử rất chan hòa, không có cảnh giành giật hàng hóa. Chợ nổi Miệt Thứ họp đông nhất lúc mờ sáng cho đến trưa, buổi chiều tan chợ.
Do đặc thù của Miệt Thứ là người dân sống trong những con kênh, rạch nhỏ, vì vậy hàng hóa được vận chuyển bằng xuồng ba lá, xuồng tam bản nhỏ và họ chọn con sông Vĩnh Thuận làm nơi họp chợ để bán hàng cho các bạn hàng bông, từ đây họ đem ngược vào các kênh rạch rao bán, trao đổi sản phẩm, chẳng hạn lấy trái cây đổi cá, lấy rau đổi gà, vịt chứ không nhất thiết người dân chỉ có tiền mới mua được.