Chúng tôi đến Đường Lâm trong chuyến đi thực tế giữa cái se sắt còn sót lại của một ngày nắng dịu tháng Ba.
Từ thị xã Sơn Tây xuôi theo quốc lộ 32 khoảng 4,5 km, rẽ trái theo con đường được trải nhựa uốn khúc mềm mại thêm chừng 400 m, ta bắt gặp cổng làng Mông Phụ - biểu trưng truyền thống đặc sắc của làng Việt cổ truyền.
Là cổng làng duy nhất còn sót lại gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, cổng làng Mông Phụ rêu phong, cổ kính trên trục đường chính dẫn vào làng, được dựng theo lối cổ truyền “thượng gia, hạ môn” - trên là cổng, dưới là nhà, với bốn cây cột cái đứng choãi chân trên những phiến đá xanh Đông Triều tròn vành vạnh như bốn chiếc cối đá đại đặt úp. Ý thức dựng làng, giữ làng để phát triển cho đời sau đã đi vào tâm thức các bậc tiền bối của làng Mông Phụ xưa khi ấn định hướng Đông làm vị trí cho cổng làng - nơi bắt nguồn ánh sáng của sự sống, nơi bắt đầu cho cái mới, và cũng là nơi đất nhiều nguồn sinh lực nhất.
Từ đây, chúng tôi thả bộ dọc theo những con đường nhỏ quanh co… Đường Lâm ban trưa vắng vẻ và yên bình đến kỳ lạ. Nắng trải trên những dãy tường đá ong màu hoàng thổ loang lổ vết rêu, đâu đây vọng ra từ những cổng nhà khép kín tiếng con trẻ khóc. Bầu không khí trở nên trầm mặc và tư lự, khiến mỗi chúng tôi như rơi vào một thế giới riêng mang tên hoài niệm, sống lại những ngày tháng xưa cũ trong tiếng à ơi của bà.
Theo con đường đất gồ ghề vắng vẻ đến cuối làng, mở ra trước mắt chúng tôi là bức tranh về nông thôn Bắc bộ đặc trưng với màu xanh mướt của những ruộng lúa bạt ngàn, cái mùi ngai ngái của rạ rơm, nồng nàn hương lúa mới đương thì con gái.
Đường Lâm hãnh diện là đất hai vua – nơi sinh ra hai vị anh hùng dân tộc, Phùng Hưng và Ngô Quyền, lại càng tự hào hơn nữa khi mảnh đất nhỏ bé này cũng chính là quê hương của nhà ngoại giao lỗi lạc từng làm rạng danh đất Việt vào dịp tuế cống nhà Minh năm 1638, thám hoa Giang Văn Minh.
Không chỉ thế, nhắc đến Đường Lâm, người ta vẫn trìu mến một tên gọi rất riêng “làng Việt cổ đá ong”. Người làng Mông Phụ kể rằng, từ thời cụ bành tổ đã có đá ong. Loại đá này khi mới đào từ dưới đất lên tương đối mềm, có thể cắt thành những viên vuông vức. Trải qua những thăng trầm của thời gian, đá ong càng cứng, càng sần sùi, ghồ ghề, màu vàng nâu chuyển thành nâu sậm như được tráng một lớp mật ong rừng, khiến cho con người Đường Lâm càng thêm tin yêu vào mảnh đất mình đang sống - một cuộc sống bình dị nhưng vững bền.
Đến Đường Lâm vào giờ tan đồng, ngồi quán nước đầu làng nghe các cụ già kể chuyện “ngày xưa”. Hương sen từ ao làng len vào trong gió, ủ trên đôi hai má hây hẩy vì hanh khô của con bé con đang nép mình bên cạnh ông lão, thi thoảng lại liếc trộm chúng tôi như muốn dò xét những kẻ lạ mặt từ phương xa tới trong con mắt của một thiếu-nữ-lên-năm. Tôi nghe có tiếng thở dài, phải chăng ai đó đã bắt gặp chính mình trong hình ảnh cô bé ấy, của ngày xưa? Ai đó, hay lại chính tôi?
Cụ già vẫn tiếp tục câu chuyện của những tháng năm cũ, với cái tiếng nằng nặng đặc trưng của con người xứ Đoài, với ánh mắt xa xăm như tiếc nuối một thời trai trẻ.
Bạn chìa cho tôi một miếng nhỏ màu trắng ngà, bảo ăn thử. Tôi trợn mắt, thảng thốt. Bạn nguýt tôi một cái rất dài. Bà cụ bán nước chè nhìn chúng tôi, móm mém một nụ cười phúc hậu. Tôi cắn một miếng chè lam, cảm nhận rõ rệt cái vị dẻo thơm của gạo nếp, vị bùi của lạc, vị cay dịu của gừng, vị ngọt đậm của mật mía. Nhắm mắt và hít một hơi dài cái khí trời thanh bình, sảng khoái. Tất cả quyện vào nhau và tạo nên cái thơm mát đến lạ lùng, như tan ra trong vòm miệng và lan tỏa trong tâm trí.
Thoát ra khỏi những ồn ã tất bật của phồn hoa phố thị, đến Đường Lâm một ngày, để sống với cái thuần phác giản dị của con người vùng quê nơi đây, để hòa mình vào cái êm ả yên bình của thiên nhiên đất trời, để sướng lịm khi cắn một miếng chè lam thanh ngọt và nhấp ngụm nước chè xanh thơm lừng, lại chùng lòng và thấy rằng trái tim mình, cần lắm những khoảng lặng bên lề cuộc sống – thanh thản, đến như thế này.