Được bao bọc bởi con sông Ô Lâu hiền hòa, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng cổ Phước Tích vẫn giữ được những nét giản dị, thanh tao của một làng quê Trung Bộ.
Được thành lập từ khoảng thế kỉ 15, và tồn tại đến tận bây giờ, làng Phước Tích là một trong những ngôi làng cổ nhất Việt Nam và được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia.
Từ trung tâm thành phố Huế, chỉ mất 25 phút đi xe, làng cổ Phước Tích hiện ra một cách hiền hòa, yên bình, gợi cho người ta nhớ đến những giá trị xa xưa của văn hóa Việt Nam. Trải qua 6 thế kỉ tồn tại với biết bao đổi thay, những con đường dẫn vào làng vẫn rợp bóng cây xanh mát.
Để ngăn cách các ngôi nhà với nhau, người ta không xây những bức tường cao kiên cố mà trồng những chè tàu uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào từng nhà.
Làng cổ Phước Tích nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, nghề làm gốm đã dần bị mai một từ cách đây 20 năm và đến gần đây mới được khôi phục lại. Gốm Phước Tích nổi tiếng với chất lượng cao, tinh xảo và mang nét đẹp dân dã của quê hương, trước đây là một sản phẩm gốm đặc biệt cống nạp cho các vị vua nhà Nguyễn.
Với hơn 27 ngôi nhà cổ vẫn còn được lưu giữ lại đến ngày nay, làng cổ Phước Tích mang nặng những giá trị quan trọng không chỉ về mặt lịch sử mà còn về mặt kiến trúc và văn hóa. Từ những ngôi nhà cổ này, ta có thể biết được những kiến thức quan trọng về phương pháp xây nơi ăn chốn ở của người dân thời nhà Lê cũng như phong cách kiến trúc riêng biệt của miền Trung Bộ Việt Nam.
Những ngôi nhà cổ ở làng Phước Tích phần lớn là nhà rường, là loại nhà có hệ thống cột kèo gỗ, được dựng lên theo những quy cách nhất định, thường kiến trúc theo hình chữ đinh, chữ khẩu, chữ công. Dù to lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng hệ thống chốt và mộng gỗ, để có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng. Số gian trong nhà được phân định bằng hàng cột, chỉ có hai trái ở hai đầu nhà là phân cách với các gian giữa bằng vách ngăn. Những ngôi nhà rường còn sót lại ở làng cổ Phước Tích chính là minh chứng cho một phương pháp xây dựng đặc biệt, không cần bê tông, đinh, ốc ông cha ta vẫn có thể xây dựng được những ngôi nhà vững chãi, vượt qua mọi khắc nghiệt của thời gian.
Bên cạnh những ngôi nhà rường, làng cổ Phước Tích còn được biết đến với những ngôi nhà thờ họ cổ, nghiêm trang, mang đậm tính lịch sử. Đó là nơi lưu giữ truyền thống gia đình của những dòng họ lớn qua nhiều thế hệ.
Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn. Ở Phước Tích, tuy mang kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống.