Thị trấn nơi biên cương
Thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu - màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.
Dãy phố dài gần 1km được hình thành cách đây gần một thế kỷ, với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá... Phố cổ Đồng Văn cho đến nay vẫn còn hơn 40 ngôi nhà từ 100 đến gần 200 tuổi.
Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 "đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An.
Chị Laura Birgerson - một du khách đến từ Bỉ chia sẻ cảm nhận: “Chúng tôi đã qua đêm trong một nhà nghỉ ở trong khu phố cổ Hà Giang, một thị trấn với những lối đi trông giống như mê cung với các căn nhà cổ có mái ngói bằng đất nung. Đến đây tôi cảm nhận được dấu ấn của kiến trúc Pháp, kiến trúc người Hoa và kiến trúc người Tày trộn lẫn, tạo nên một bức tranh vô cùng đặc sắc”.
Náo nức chợ phiên
Hà Giang cũng như nhiều vùng núi khác thường có các chợ phiên. Nơi đây không chỉ là hình thức tổ chức kinh tế mà còn là nếp sinh hoạt văn hóa đậm đà và sâu sắc, chứa đựng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Hà Giang thường có các phiên chợ lùi ở các xã. Gọi là chợ lùi vì họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần. Ví dụ tuần này họp vào Chủ nhật, tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tiếp theo sẽ vào thứ 6... Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà nó còn là bản sắc văn hóa dân tộc của vùng cao.
Chợ phiên Đồng Văn thật lạ và luôn thu hút, trong những người đến chợ có rất nhiều người không phải để mua bán gì mà đơn giản đến chợ để chơi để ngắm mà thôi. Từ sáng sớm, người dân từ các sườn núi đổ về, áo trắng, áo hoa rực rỡ trong nắng biên cương. Phụ nữ trẻ quây quanh nơi bán váy, phụ nữ cao tuổi thì vừa bán hàng nông sản vừa xe lanh để dệt vải, còn đàn ông, điểm thu hút duy nhất là những nồi thắng cố.
Bà Lý Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Áo có thể chưa đủ ấm, tiền có thể chưa có nhiều nhưng bà con lại không thể vắng mặt trong mỗi phiên chợ. Chính vì vậy trong giai đoạn từ năm 2013-2020, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai phương án bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên, nhằm giúp lưu lại cho địa phương một không gian văn hóa đặc sắc.
Đến Hà Giang bạn nên thưởng thức các món đặc sản của đồng bào nơi đây như cháo ấu tẩu, thịt trâu, thịt bò gác bếp, thắng dền, bánh cuốn, xôi ngũ sắc, gà Mông đen, cơm lam Bắc Mê…