DU LỊCH » Du lịch Việt

Ngôi chùa lớn nhất thế giới tại Việt Nam nằm ở tỉnh nào?

Thứ ba, 30/07/2024 09:00

Ngôi chùa sở hữu cảnh quan vô cùng đặc biệt: lưng tựa Núi Thất Tinh, mặt hướng Hồ Tam Chúc với 6 hòn đảo đá nổi lên trên mặt hồ, tạo nên cảnh quan vô cùng hùng vĩ và thanh bình.

Nằm ở xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam - cách thành phố Hà Nội khoảng 70km, chùa Tam Chúc được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại. Chùa tọa lạc trong quần thể khu du lịch Tam Chúc thơ mộng, trữ tình.

Chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất thế giới.

Chùa Tam Chúc cùng hệ thống các công trình văn hóa thể thao trong Khu du lịch quốc gia Tam Chúc được xây dựng gắn liền với Hồ Tam Chúc, thuộc thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Khu du lịch này cách Chùa Hương chỉ khoảng 8km, cách thành phố Phủ Lý 16km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 65km.

Với vị trí đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc được xem như là viên gạch nối giữa Khu du lịch Chùa Hương với Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính tạo thành một quần thể các khu du lịch tâm linh, sinh thái ở vùng ngập nước.

Chùa Tam Chúc được xây dựng bên cạnh ngôi chùa cổ cùng tên, theo ghi nhận của sử sách, chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh cách đây khoảng 1.000 năm. Chính bởi vị trí đặc biệt được bao bọc bởi hồ Tam Chúc phía trước và dãy núi Thất Tinh phía sau, nên ngôi chùa gắn liền sự tích “Tiền Lục Nhạc - Hậu Thất Tinh”.

Tương truyền, khi xưa có 7 ngôi sao sáng trên 7 ngọn núi ở vùng Tam Chúc, hiện thân của 7 nàng tiên nữ giáng trần ngao du. Vì quá si mê cảnh đẹp nơi chốn sơn thủy hữu tình, các nàng mải chơi không về.

Thế nên, nhà trời đã cử người mang binh khí là quả chuông xuống để gọi các nàng về 6 lần, nhưng lần nào cũng vô ích. 6 hòn đảo nhỏ nổi lên giữa hồ được ví như là 6 quả chuông nhà trời để lại, tức là Lục Nhạc; còn 7 ngọn núi kia là Thất Tinh.

Sau đó, một số người đã đến núi Thất Tinh để đục đẽo, đốt lửa, hòng lấy đi 7 ngôi sao ấy. Tuy nhiên, lửa lớn đã khiến 4 ngôi sao bị mờ dần đi, và chỉ còn lại 3 ngôi sao. Ngôi chùa Thất Tinh trong làng Tam Chúc từ đó có tên là chùa Ba Sao, và thị trấn Ba Sao cũng được đặt tên theo tích ấy.

Chùa Tam Chúc thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Quan Âm, cùng những vị quốc sư có công lớn trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam như: Sư tổ Đạt Ma, Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Những điểm tham quan đẹp nhất tại chùa Tam Chúc

Mùa xuân là thời điểm lý tưởng nhất để du lịch đến chùa Tam Chúc Hà Nam. Trong khoảng từ 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch, chùa tổ chức nhiều lễ hội và sự kiện đặc biệt, tạo nên không khí vô cùng sôi động và đầy màu sắc.

Nếu mục đích của chuyến đi là tìm hiểu và thưởng thức vẻ đẹp trữ tình của chùa Tam Chúc, cũng như hòa mình vào không gian linh thiêng, bạn có thể lựa chọn đi vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Dù thời gian nào, chùa vẫn sẽ mang đến cho bạn cảm giác thư thái và tận hưởng không gian yên bình của nơi cửa Phật này.

Cổng Tam Quan

Cổng Tam Quan là một trong những công trình kiến trúc đẹp và nổi bật nhất tại chùa. Đây là một trong những địa điểm du khách thường đến tham quan và check-in mỗi khi có dịp đến với chùa Tam Chúc.

Vườn Cột Kinh

Vườn Cột Kinh với 32 cột kinh khổng lồ được đặt theo hàng lối vô cùng nghiêm trang. Lấy ý tưởng từ Bảo vật quốc gia Cột Kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, vườn Cột Kinh chùa Tam Chúc được phục dựng lại với quy mô không hề kém cạnh. Mỗi cột nặng khoảng 200 tấn, được làm từ đá xanh Thanh Hóa. Các cột đá được thiết kế với chân cột là đài sen; thân cột hình lục giác, điêu khắc thủ công các lời Phật dạy, đỉnh cột là hình nụ sen đặc trưng.

Tam điện chùa Tam Chúc

Ngôi chùa này được xây dựng trên diện tích rộng lớn và có kiến trúc độc đáo. Trong khuôn viên của chùa có ba ngôi điện quan trọng: Điện Pháp Chủ, Điện Tam Thế và Điện Quan Âm.

Điện Pháp Chủ

Điện Pháp Chủ là một trong những công trình nổi bật tại đây. Nó được xây dựng theo phong cách kiến trúc Á Đông với các chi tiết tinh xảo. Đây là nơi thờ cúng và linh thiêng của người tu hành và phật tử.

Điện Tam Thế

Được coi là một trong những điểm đặc biệt của chùa Tam Chúc, Điện Tam Thế được xem như nơi thờ cúng cho tam bảo của Thiên Triều (Phật, Tăng, Lão). Ngôi điện này có kiến trúc hoành tráng với các tượng Phật lớn và các công trình tôn giáo khác.

Điện Quan Âm

Điện Quan Âm là một trong ba ngôi đền lớn tại chùa Tam Chúc. Được xây dựng để thờ cúng và tôn vinh Quan Âm Bồ Tát, điện Quan Âm là một công trình kiến trúc đẹp mắt và mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc với kiến trúc phong cách Á Đông cùng các hoạ tiết khắc hoa văn tỉ mỉ và những chi tiết tinh xảo. Bên trong điện là bức tượng Quan Âm cao 36 mét, được chạm từ đá cẩm thạch tự nhiên.

Đình Tam Chúc

Đình Tam Chúc nối với chùa Tam Chúc bằng một cây cầu bắc ngang qua hồ Lục Ngạn. Nơi đây là đình thờ Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt thời nhà Đinh. Theo tương truyền trước kia trong cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã đến đây để chiêu mộ binh mã. Khi thắng trận và lên ngôi hoàng đế, nhà vua đã ra lệnh cho xây đền thờ tại đây. Khi đi trên cầu dẫn đến Đình, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh mênh mông của hồ Lục Ngạn – hồ nước tự nhiên có diện tích lớn nhất Việt Nam. Dưới đáy hồ có rất nhiều loài động thực vật thiên nhiên sinh sống. Vào mùa sen nở, dạo bước trên hồ sẽ như được lạc vào chốn tiên cảnh bình yên.

Chùa Ngọc

Chùa Ngọc là một trong những ngôi chùa lớn và quan trọng của khuôn viên chùa Tam Chúc. Với kiến trúc hoành tráng và các tác phẩm điêu khắc tinh xảo, chùa Ngọc thu hút đông đảo du khách tới tham quan và cầu nguyện. Bên trong chùa có nhiều phòng thờ và điện thờ, tạo nên không gian yên bình và trang nghiêm.

Nhà khách Thuỷ Đình

Nếu bạn muốn có trải nghiệm nghỉ ngơi và ăn uống tốt nhất, không thể bỏ qua việc ghé thăm Nhà khách Thuỷ Đình. Được xây dựng theo kiến trúc truyền thống Việt Nam, nơi đây mang lại không gian thoải mái và yên tĩnh cho du khách. Từ các phòng ngủ, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên xanh tươi của khu vườn hoặc hồ Thủy Đình.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới