DU LỊCH » Du lịch Việt

Nơi đây được mệnh danh là 'Đà Lạt thứ hai', là 1 huyện vùng biên giới, khách du lịch đông tới mức không đủ homestay để phục vụ

Thứ sáu, 26/07/2024 05:45

Địa danh nơi đây được ví như Đà Lạt thứ hai hay Tây Bắc của Huế với những điểm tham quan, nghỉ dưỡng nổi tiếng.

Khi nhắc đến Huế, du khách thường nghĩ ngay đến Kinh Thành Huế hay đền đài, lăng tẩm, chùa cổ hoặc những cảnh đẹp nên thơ. Nhưng cùng với những địa điểm du lịch ẩn chứa nét thâm trầm và dịu dàng đó, Huế còn có phá Tam Giang mênh mông sóng nước và khung cảnh núi rừng cuốn hút ở A Lưới - vùng cao xứ Huế.

Khách du lịch Huế sau khi đã chia tay với dòng Hương núi Ngự thơ mộng và những cung điện cổ kính tạo nên khung cảnh trầm mặc của thành cổ có thể xuyên qua bao đèo núi tìm đến với A Lưới - nơi được ví như Đà Lạt thứ hai hay Tây Bắc của Huế với những điểm tham quan, nghỉ dưỡng nổi tiếng.

A Lưới là huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 70 km, có đường biên giới dài hơn 80 km tiếp giáp với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, có hai cửa khẩu (Hồng Vân - Cô Tài; A Đớt - Tà Vàng).

Toàn huyện có 17 xã, 1 thị trấn, diện tích tự nhiên 1.148,5 km2, với tổng số hộ dân là 14.343 hộ/54.402 khẩu; có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 77%, có 5 dân tộc chủ yếu gồm: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh.

Du lịch A Lưới mang vẻ đẹp riêng biệt

Theo Trang thông tin huyện A Lưới, người ta cứ hay ví "A Lưới là Đà Lạt thứ hai, là Tây Bắc của Huế"... nhưng nếu đi rồi, du khách sẽ thấy: Đây là A Lưới, nơi mang vẻ đẹp riêng biệt, sắc màu đặc trưng riêng.

Cũng theo bài viết nói về du lịch của huyện, để đến A Lưới, du khách sẽ đi qua quãng đường có những cung đèo khúc khuỷu, uốn lượn như đèo A Co huyền thoại - một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đường hiểm trở nhưng bù lại, khung cảnh trên đèo đẹp hoang sơ, hùng vĩ.

Bên cạnh thiên nhiên, A Lưới còn là mảnh đất anh hùng trong thời kỳ chiến tranh, hiện có 12 di tích đã được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh; không khí trong lành, có nhiều thác suối đẹp; con người thân thiện hiếu khách.

Với tiềm năng lợi thế, A Lưới đã và đang khai thác phát triển tốt du lịch sinh thái gắn với du lịch lịch sử cách mạng và du lịch văn hoá cộng đồng, đồng thời mở rộng thêm loại hình du lịch trải nghiệm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng lượt khách ước đạt 58.000 lượt khách. Trong đó, khách nội địa ước đạt 54.950, khách quốc tế ước trên 3.050 lượt. Khách lưu trú, ước đạt 6.700 lượt. Thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày. Ước doanh thu từ du lịch của huyện trong nửa đầu 2024 là 23,2 tỷ đồng.

Đến nay, du lịch A Lưới đã khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, các vùng lân cận, với quy mô có 5 làng du lịch cộng đồng, 24 điểm du lịch, 33 cơ sở lưu trú (9 nhà nghỉ, 24 homestay), sức chứa tối đa trên 800 khách/thời điểm.

Tuy nhiên hiện nay có 4 nhà nghỉ cơ sở đã xuống cấp và 1 homestay tạm ngưng hoạt động. Thời gian cao điểm mùa du lịch vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho du khách.

A Lưới nằm ở huyện miền núi cùng tên và tiếp giáp với Lào. Nơi đây có độ cao trung bình 600-800m so với mặt nước biển nên có khí hậu mát mẻ cùng không khí trong lành.

Ban ngày có nắng nhưng không gắt gao như ở Bà Nà hay các vùng trung tâm của thành phố Huế. Khi đêm về thì trên đây lại rất lạnh, nhất là vào sáng sớm. Lúc này quang cảnh như được phủ lên một lớp sương mờ, bạn sẽ cảm thấy như đang lạc vào “xứ sở thần tiên” vậy! Cùng với đồi Thiên An, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thì A Lưới chính là địa điểm du lịch Huế mang phong cách xứ lạnh, thu hút nhiều du khách ghé thăm, nhất là vào dịp cuối tuần hay những kỳ nghỉ lễ, Tết.

Vì những đặc trưng về khí hậu mà thời điểm tốt nhất để bắt đầu hành trình đến A Lưới là sáng sớm. Đây là lúc cái lạnh vẫn còn vương khắp cành cây ngọn cỏ hai bên đường, khi này mây vẫn còn lãng đãng bay càng tạo thêm nét nên thơ cho khung cảnh. Lúc này bạn đừng quên mở căng lồng ngực và hít hà một hơi thật sâu. Đây là thời đểm tuyệt vời nhất để tận hưởng “cái nắng, cái gió, cái lạnh” vô cùng thuần khiết của núi rừng miền Trung, điều mà ở những đô thị hiện đại không dễ gì có được.

Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới