DU LỊCH » Du lịch Việt

Trải nghiệm mùa vàng tại vùng đất của nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò

Thứ sáu, 05/10/2018 10:37

Vào những ngày thu, khi tiết trời trải dài một màu vàng óng ả khắp đất trời Mường Lò, Tú Lệ báo hiệu một vụ mùa bội thu, du khách khắp nơi đều hướng về Yên Bái, vùng đất nằm ở Tây Bắc của Tổ quốc, nơi nổi tiếng với đặc sản gạo nếp Tú Lệ và gạo tẻ Mường Lò.

Theo chân nhóm 5 nhân vật trải nghiệm của chương trình “Yên Bái – trải nghiệm hành trình di sản”, trong đó có sự tham gia của Á hậu 1 – Hoa hậu đại sứ du lịch thế giới 2017 Nguyễn Liên Phương, phóng viên đã ghi hình được những hoạt động trải nghiệm thú vị của các bạn trẻ.

Cánh đồng lúa nằm gọn trong lòng thung lũng Tú Lệ, e ấp bên cổng trời Khau Phạ

Tú Lệ thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm dọc theo quốc lộ 32, sát sườn với đèo Khau Phạ, cách Hà Nội tầm 263km. Từ 5 giờ sáng, bà con nơi đây đã nô nức chuẩn bị gùi và liềm để chờ đón 5 bạn trẻ cùng đi gặt cốm.

Châu Dương, cô sinh viên trường Sân khấu điện ảnh là người sung sướng nhất, vì đã thu hái được những bông lúa nếp trĩu hạt.

Á hậu Liên Phương duyên dáng trong trang phục người Thái đi gặt lúa

Tính từ lúc gieo mạ cho đến lúc bông lúa trổ bông căng sữa để có hạt cốm mẩy tròn là mất 156 ngày. Có đến nơi đây mới hiểu những khó khăn vất vả của người nông dân một nắng hai sương và khâm phục tài khéo léo của đồng bào dân tộc Thái xã Tú Lệ. Lúa nếp non sau khi được thu hái cần nhanh chóng được tuốt hạt và mang đi đãi để loại bỏ hạt lép, rồi tiếp tục được để ráo và rang trên lửa sao cho hạt nếp đủ chín, đủ dẻo. Đây chính là bí quyết của người làm cốm. Chỉ cần nghe tiếng hạt lúa nảy trên chảo là họ đã biết cốm đạt độ chín hay chưa. Thóc rang xong sẽ được hong nguội và mang đi sát vỏ. Chuyển sang công đoạn giã.

Lúa làm cốm cần được lựa chọn kỹ, không gặt những khóm lúa già, sậm màu

Tuốt thóc theo cách làm thủ công

Lúc này, cả 5 nhân vật trải nghiệm đều đã bắt nhịp được công việc. Á hậu Liên Phương và Thu Trang, người mẫu ảnh quê Yên Bái, phụ trách khâu giã cốm. Hương Quỳnh, cô MC ngọt ngào của kênh VOV giao thông và Mỹ Duyên, huấn luyện viên thể hình người Nghĩa Lộ, Yên Bái, phụ trách đảo cối.

MC Hương Quỳnh khéo léo vừa bế con hộ chủ nhà, vừa giã cốm

Cối giã cốm là loại cối cổ truyền, với phần cối đá được chôn ngang bằng mặt đất. Chày giã cốm là một thân cây dài, một đầu buộc chặt phần chày căn chỉnh khớp với vị trí cối, 1 đầu là chỗ để các cô gái đu chân giã. Công việc tưởng chừng như chỉ dùng sức, nhưng thực tế nếu người đứng giã và người đảo cối không phối hợp nhịp nhàng thì không thể đảo cốm kịp. Chưa kể đến kỹ thuật đảo cối sao cho hạt cốm phải không bị vón, mà vẫn mềm, vẫn dẻo. Cứ như vậy, từng tốp 2-3 người cùng nói cười giã cốm. Có những khi, các cô gái Thái còn vừa bồng con vừa giã, trông thật đảm đang, khéo léo. Á hậu Liên Phương dù còn rất trẻ nhưng đã bện trẻ con và rất khéo léo khi vừa bồng bé vừa giã cốm.

Cối giã cốm truyền thống tại Tú Lệ

Công đoạn giã cốm

Thông thường, để được một mẻ cốm, người làm cốm phải lặp đi lặp lại công đoạn giã, sàng sẩy từ 7-9 lần. Cả mẻ cốm mất từ 4-5 tiếng.

Cốm rang chín cần được giã và sảy vỏ từ 5 đến 9 lần

Để làm ra một mẻ cốm thành phẩm, cần từ 4 đến 5 tiếng

Có trải nghiệm mới hiểu hết được sự nhọc nhằn của người nông dân. Nên chỉ 1 loáng, cả 5 cô gái trẻ của chúng ta đã đăng ký mua hết toàn bộ mẻ cốm mình vừa góp phần làm ra. Những hạt cốm dẻo, thơm cùng không gian thanh bình của vùng thung lũng Tú Lệ chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình trải nghiệm tại Yên Bái.

HX (Theo Nld.com.vn)