Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, ở Việt Nam, đây là địa phương đầu tiên tập trung khai thác mô hình du lịch DMZ (khu phi quân sự hay còn gọi là giới tuyến quân sự tạm thời). Từng là cứ điểm trong những cuộc chiến tranh, hiện nay, vùng đất anh hùng này vẫn còn lưu giữ hệ thống di tích lịch sử đồ sộ, hình thành những tour du lịch DMZ, tạo thành thương hiệu của tỉnh.
Trong nhiều căn cứ cách mạng còn sót lại trên “đất lửa” Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc - ngôi làng dưới lòng đất là điểm đến bạn không nên bỏ qua. Điểm đến này thuộc địa phận thôn Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh. Trong những năm chiến tranh, Vịnh Mốc là tiền đồn của miền Bắc và cũng là điểm tập trung chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Với truyền thống kiên cường, ý chí sắt đá, người dân nơi đây đã sáng tạo nên hệ thống làng hầm, địa đạo nằm sâu dưới lòng đất để giữ vững khẩu hiệu “Một tấc đất không đi, một ly không rời. Mỗi làng xã là một pháo đào”.
Theo thông tin trên trang web của Cục du lịch, địa đạo Vịnh Mốc bắt đầu được quân dân địa phương đào từ năm 1965, và hoàn thành vào ngày 18/2/1966. Địa đạo gồm 13 cửa ra vào, trong đó có 6 cửa lên đồi và 7 cửa hướng thẳng ra biển. Đường hầm có dạng hình vòm cao 1,7m, rộng 1,2m, phân thành 3 tầng với độ sâu từ 15-23m, trên nền đất đỏ bazan mềm, độ kết dính cao, bảo đảm không sạt lở. Tầng 1 sâu dưới lòng mặt đất khoảng 13m, tầng 2 khoảng 15m, và tầng 3 sâu trên 23m.
Địa đạo có tổng chiều dài gần 2km, rộng 7ha được thiết kế như một làng dưới lòng đất với 94 căn hộ gia đình, có 3 giếng nước ngọt đáp ứng sinh hoạt, có hội trường đủ sức chứa khoảng 60 người, bảng tin, nhà hộ sinh, phòng phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại, đài quan sát, trạm gác, hầm tránh bom khoan…
Để mọi sinh hoạt vẫn có thể diễn ra vào mùa mưa, công trình được đào cao hơn 5m so với mực nước biển, nghiêng từ 8-120 độ từ Nam về Bắc, từ Tây sang Đông để nước dễ thoát, không bị đọng địa đạo. Bên trong địa đạo, mọi chi tiết đều được phân bố chính xác và khoa học như: Suốt chiều dài đường hầm đều bố trí nhiều chỗ được đào lõm vào để làm đường tránh cho việc đi lại, vận chuyển vũ khí, lương thực. Gần các miệng hầm có đường hầm trượt, người dân ngồi ngay ở miệng hầm trượt nhanh xuống tầng sâu 23m để tránh bom khoan, loại bom có thể khoan xuống độ sâu 20m mới phát nổ.
Cửa hầm hướng ra biển để đón gió
Trong những năm tháng khó khăn, địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng hoàn toàn bằng những dụng cụ thô sơ tự tạo. Không có máy ngắm, người dân làm những que vòng cung cố định theo đường vòng lên mặt đất, rồi đào theo những đường cong đó. Không có máy móc đo mặt phẳng, họ lấy nước đổ vào chai làm thước đo; dùng dây buộc vào hòn đá làm dây dọi đo độ sâu. Trong quá trình đào hầm, khoảng 6.000 m3 đất đá được người dân đưa ra từ giếng sâu bằng cách kéo thủ công từng chút, trong đó 90% được âm thầm đổ ra biển, số còn lại đổ vào hố bom, gốc cây.
Trước sự tàn phá của chiến tranh, nhân dân Vịnh Mốc đã nhiều lần phải củng cố làng hầm bằng tất cả phương tiện. Thậm chí, người dân phải dỡ nhà để lấy cột gỗ mít nhằm làm trụ đỡ cho đường hầm được chắc chắn, xây dựng thêm 200 hầm chữ A, 800m giao thông hào khắp thôn, xóm và tích cực nguy trang địa đạo.
Hầm được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và ngụy trang khá kín đáo
Địa đạo Vịnh Mốc được đánh giá là công trình tiêu biểu của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Trải qua hơn 2.000 ngày đêm, ngôi làng này trở thành nơi sinh sống của hơn 1.200 người. 17 em bé đã được sinh ra trong lòng địa đạo.
Với những giá trị to lớn, năm 1976 Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch) công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Từ những năm 1979-1980, địa điểm đã có khách du lịch tới thăm quan. Từ 1983 đến nay, nơi này chính thức phục vụ du lịch.
Ngày nay khi đến địa đạo Vịnh Mốc, được đi trong làng hầm, du khách mới thấu hiểu được sự chịu đựng gian khổ, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân dân Quảng Trị trong những năm tháng gian khó nhất.
- Tag
- Địa đạo vịnh mốc