Tích xưa truyền mãi
Có lẽ không ai không biết đến người anh hùng Lương Sơn Bạc Võ Tòng với chiến tích đả hổ lẫy lừng trong tích cũ. Xuất thân từ huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông. Từ nhỏ mồ côi cha mẹ và được anh ruột là Võ Đại Lang nuôi dạy. Ông là người tráng kiện, oai hùng, mắt sáng như sao, mày ngài, ngực rộng, cơ bắp cuồn cuộn, cao 8 trượng. Từ nhỏ Võ Tòng đã mê luyện võ thuật, sư phụ ông là Châu Đồng, một vị đại sư Thiếu Lâm tự. Lớn lên ông có võ nghệ cao cường, thường hay uống rượu, thích hành hiệp trượng nghĩa, nổi tiếng là con người nghĩa khí.
Trên đường về quê thăm anh, khi đi ngang qua huyện Dương Cốc (nay là thành phố Liễu thành), ông ghé vào một tửu quán, bên ngoài ghi là "Uống 3 chén không nên qua đồi". Võ Tòng là một người mê rượu, thấy dòng chữ này rất khó chịu, hỏi tại sao thì chủ quán kể có chuyện con hổ thành tinh chuyên ăn thịt người trên đồi Cảnh Dương, ai uống quá say không nên đi qua đó. Võ Tòng nghe vậy rất phẫn nộ, uống một mạch hết rượu trong quán. Chiều hôm đó, ông đang trong cơn say, một mình cầm gậy lên đồi tìm Hổ. Sớm hôm sau gặp Hổ, ông cầm gậy vờn với mãnh thú tới tối. Đến lúc trời chạng vạng sáng, sau khi dùng nhiều mưu kế mà không được, ông vứt gậy, một tay nhận đầu hổ xuống đất, một tay đấm, con hổ bể gáo chết tươi.
Nhờ "chứng kiến" chiến tích lẫy lừng này, đồi Cảnh Dương đã trở nên vang danh. Người thời nay coi đó như mảnh đất tôn vinh sức mạnh quả cảm của bậc hào kiệt xưa. Đồi Cảnh Dương mau chóng trở thành địa danh nổi tiếng với du khách thập phương.
Cảnh Dương bây giờ
Đồi Cảnh Dương diện tích 33,3 héc ta nằm ở xã Trương Thu, huyện Dương Cốc Liễu Thành tỉnh Sơn Đông. Nơi đây gắn với kỳ tích nổi tiếng Võ Tòng đả hổ trong Thủy hử truyện.
Toàn cảnh bao phủ là những đụn cát nhấp nhô, cây cối um tùm rậm rạp hoang dã và râm mát.
Tia tầm mắt ra xa ta thấy ngay quán rượu "Tam oản bất qua cương" (ba bát không qua đồi), miếu Sơn thần, nơi Võ Tòng đả hổ, bia đá, tượng hổ, miếu Võ Tòng, đảo Hồ Tâm, đài câu cá… Đây là những địa danh gắn liền với kỳ tích nổi tiếng trong Thủy hử truyện.
Nơi Võ Tòng đả hổ đã được dựng tấm bia đá cùng với miếu Sơn Thần đã có tới trên 200 năm lịch sử. Bên trong miếu Sơn Thần có 3 gian, rộng khoảng 25 m và cao 3m.
Đi sâu vào trong miếu bắt gặp tượng tái hiện cảnh Võ Tòng đả hổ, bên phải miếu là tấm bia chỉ mốc “đồi Cảnh Dương”, phía bên trái chữ “hổ” do nhà thư pháp nổi tiếng của Dương Đình viết.
Đình hổ gầm nằm ở phía tây đồi Cảnh Dương với mái hiên hình lục giác cổ kính nhưng cũng tinh tế lạ thường.
Lâm bia dựng ở phía bắc của ngôi miếu. Với kỳ tích Võ Tòng đả hổ đã thu hút rất nhiều khách du lịch và những nhân vật nổi tiếng tới đây đàm đạo, làm thơi, trổ tài hội họa.
Năm 2002, đồi Cảnh Dương được bình là địa điểm du lịch loại 1 cấp Quốc gia. Năm 1995 nơi đây được đưa vào 10 kỳ quan khảo cổ mới của Trung Quốc, tháng 6 năm 2001 Quốc Vụ Viện phê chuẩn là đơn vị bảo tồn văn vật trọng điểm quốc gia.