Thành cổ dưới chân dãy Nevada
Trên đường đến Granada, nhìn ra cửa kính xe hầu như chúng tôi chỉ thấy các vườn cây olive trải dài trên những đồi núi bạt ngàn, lâu lắm mới thấy một căn nhà hay trang trại. Vùng Andalucia ít mưa nên người dân chỉ trồng được loại cây thấp chịu hạn tốt này. Cây olive trồng bảy năm mới ra trái nhưng có thể sống tới cả ngàn năm. Giá cả trái olive tùy theo tuổi của cây, những cây càng già thì giá càng cao, có khi hơn 1.000 USD một ký lô.Granadanằm gần dãy núi Sierra Nevada. Trên dãy núi này có những khu thể thao mùa đông quy mô nên thành phố là nơi vui chơi của giới giàu có vào mùa tuyết rơi. Cuộc sống ở Granada khá nhộn nhịp. Trên đường phố, xe cộ đi lại tấp nập. Dù vậy không khí thành phố thật yên bình, trong những con phố nhỏ du khách có thể nhìn thấy thấp thoáng trang phục truyền thống nhiều màu sắc của các bà, các cô điệu đàng qua lại. Đây là kiểu đầm dài có phần thân ôm sát lấy người, ống tay bồng và gấu váy nhiều lớp làm người mặc trông vừa nữ tính vừa đầy sức sống.
Buổi sáng, chúng tôi ghé thăm nhà thờ Chính Tòa, nơi đặt lăng mộ của hai vợ chồng vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella. Nhà thờ rất lớn với kiến trúc vương giả lộng lẫy, chỉ tiếc là xung quanh không có một khoảng trống nào để có thể thấy hết toàn bộ vẻ đồ sộ của công trình. Quanh khu phố cổ, đường sá nhỏ hẹp nhưng khách bộ hành đông đúc. Đông vui nhất là quảng trường, nơi nam thanh nữ tú khoác tay đi dạo và khách du lịch bốn phương ngồi uống cà phê ngắm người qua lại. Nhà cửa, phố phường, cửa hiệu ở Granada rất hấp dẫn du khách bởi sự pha trộn những nét văn hóa độc đáo của người Moor, người Do Thái, người Ả Rập và Digan. Năm 711, từ Morocco, những người Hồi giáo Moor vượt eo biển Gibraltar xâm nhập nước Tây Ban Nha. Sau năm năm, họ đã chiếm hầu hết bán đảo Iberian và xây dựng vương triều ở đây suốt 700 năm. Vào khoảng thời gian đó, họ đã xây dựng nhiều cung điện, đền thờ, các thị trấn sầm uất khắp miền Nam nước Tây Ban Nha. Trong số đó, Granada lưu giữ nhiều công trình nghệ thuật đẹp nhất và có hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO công là thị trấn cổ Albaicin và cung điện Alhmabra.
Thị trấn cổ Albaicin nằm trên đồi dốc, có gam màu chủ đạo là màu trắng nên nổi bật giữa vùng đất đỏ và bầu trời xanh đến nhức mắt. Thị trấn vẫn giữ nguyên những con đường đá nhỏ hẹp, uốn lượn của người Morocco với những ngôi nhà quét vôi xinh xắn được trang trí bằng các giàn cây, bụi hoa rực rỡ. Albaicin không lớn lắm nhưng có nhiều điểm tham quan như tàn tích khu nhà tắm hơi công cộng của người Ả Rập, nhà thờ San Salvador xây trên phế tích một nhà thờ đạo Hồi, bảo tàng khảo cổ trong lâu đài Castril lưu giữ nhiều hiện vật của các nền văn minh ở Granada… Ngoại vi thị trấn là thung lũng Las Alpujarras, nơi có phong cảnh thơ mộng với những cây sồi già bên dòng suối và thác nước trong vắt.
Alhambra, niềm kiêu hãnh của một vương triều
Đối diện với thị trấn Albaicin là thành Alhambra cũng nằm trên một ngọn đồi cao. Chữ Alhambra theo tiếng Ả Rập có nghĩa là màu đỏ, bởi vì quần thể pháo đài – cung điện này được xây trên một ngọn đồi đỏ. Thành được bắt đầu xây năm 1238 và trong mấy trăm năm sau đó, các đời vua nối tiếp nhau cứ liên tục trùng tu và mở rộng công trình. Ngày nay, Alhambra có ba phần chính là vườn thượng uyển, pháo đài và cung điện.
Vườn thượng uyển là nơi để nhà vua nghỉ ngơi trong mùa hè. Nhìn từ ngoài vào không ai biết sau bức tường cao sừng sững là một khu vườn tuyệt đẹp. Theo chân người hướng dẫn, đường vào vườn càng lúc càng trở nên hấp dẫn với đủ loại hoa muôn màu muôn vẻ nằm cạnh những bụi cây được cắt tỉa khéo léo. Vườn nằm bên sườn đồi nên không tạo cảm giác mênh mông như các khu vườn vương giả khác, bù lại, cách bài trí tạo cho người ta cảm giác mình đang đi từ khám phá này đến khám phá khác. Vườn được xây theo kiểu bậc thang. Nếu đi từ phía dưới thì không du khách nào biết rằng ở bên trên lại còn có một khu vườn nữa. Giữa vườn là một hồ nước rộng, hai bên có những vòi nước phun đan chéo vào nhau. Hai bên hồ hoa nở tươi tắn. Cuối vườn là một nhà ngắm cảnh xây theo kiểu Hồi giáo với kiến trúc vòm giữa những hàng cột tròn. Ở đây có thể nhìn xuống thành phố Granada nhộn nhịp và sinh động phía dưới. Bên hông nhà có cầu thang lên tầng trên để đi vào một khu vườn khác. Từ khu vườn này có một con đường dốc thoai thoải đi xuống trở lại lâu đài. Con đường trông rất duyên dáng và luôn mát rượi nhờ có hàng cây uốn thành hình vòm bên trên.
Từ vườn hoa, du khách đi qua một chiếc cầu đá bắc ngang một hào sâu sẽ gặp cổng thành phía đông của thànhAlhambra. Từ đây lại phải đi bộ một khoảng khá xa thì mới vào khu trung tâm là công trường Cistern. Tại Cistern có thể thấy toàn cảnh thành Alhambra với pháo đài, cung điện mới và cung điện cũ. Quanh thành có tường cao bằng đá rộng khoảng 2,5 mét với 13 tháp canh để bảo vệ chủ nhân của nó là Tiểu vương Ả Rập của triều đại Nasrids.
Khu vực cung điện nhìn bên ngoài rất đơn sơ vì vua chúa Hồi giáo không muốn cho người dân biết được đời sống xa hoa của mình. Tuy nhiên, vào bên trong, ai nấy không khỏi ấn tượng trước sự giàu có của hoàng gia xưa. Các bức tường đều được ốp đá màu xanh lơ, màu vàng hoặc xanh lục ở bên dưới và trang trí bằng cách điêu khắc các hoa văn hình học ở bên trên. Những hoa văn này có đủ hình dạng, chắc chắn là được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ rồi mới nhũ vàng một cách cầu kỳ lên trên. Một số chữ Ả Rập trích từ kinh Koran cũng được điêu khắc trên tường. Đối với người Moor, Alhambra là niềm kiêu hãnh lớn vì cung điện hội tụ hầu hết nghệ thuật tinh hoa của kiến trúc, mỹ thuật Ả Rập. Khi Boabdil, vị vua Hồi giáo cuối cùng bị buộc phải rời khỏi nơi đây, ông đã rơi nước mắt khi nhìn lại cung điện lần nữa. Mẹ ông đã mắng một câu “để đời” rằng: “Con đừng có khóc như một người đàn bà khi con đã không chiến đấu như một người đàn ông”. Người Moor đã mất Andalucia vì thiếu đoàn kết. Thân phụ của Boabdil say đắm thứ phi nên hoàng hậu đã tổ chức một cuộc binh biến nhằm đưa con mình là Boabdil lên ngôi. Trong thành ai nấy lúc đó đều hoang mang, người theo tân vương, kẻ theo cựu hoàng. Do đó người Tây Ban Nha mới thừa cơ tấn công và đẩy lui người Moor về lại Bắc Phi.
Vì quá yêu thành Alhambra và muốn bảo toàn cho công trình nên vua Boabdil đã chấp nhận rời khỏi cung điện mà không chiến đấu. Suy tính của các bậc quân vương không nhiều người hiểu được, nhưng có dịp ngắm nhìn kiệt tác kiến trúc này, trong đoàn chúng tôi có nhiều người cho rằng quyết định của nhà vua xem ra cũng… có lý!