Khi máy bay của hãng hàng không nội địa Merpati rời khỏi sân bay quốc tế Manado đưa chúng tôi lên cao trên biển Moluccas hướng về Bandas ở phía Đông Nam, thì mặt trời đã chiếu những tia nắng vàng đầu tiên chan hòa lên các hòn đảo.
Ở đây có trên một ngàn hòn đảo lớn nhỏ tạo thành hai tỉnh Bắc Maluku và Maluku Propinsi phía Nam, với các thủ phủ ở Ternate và Ambon. Năm 1945 người Indonesia thu hồi các đảo gia vị từ tay chính quyền thuộc địa Hà Lan, những người đã đến đây độc chiếm quyền khai thác hương liệu kể từ năm 1605, theo sau người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Ở đây người ta có thể nhìn thấy sự sắp xếp kỳ diệu của thiên nhiên: những hòn đảo lớn chụm lại thành quần đảo nằm giữa, trong khi các đảo nhỏ hơn xếp thành vòng cung bao lấy mỗi biển: Celebes ở phía Bắc, Moluccas ở giữa và biển Bandas ở phía Nam tiếp giáp với cung núi lửa chính chạy qua “Bali thiên đường hạ giới”.
Chìm dưới mặt nước các hải đảo là những cánh đồng san hô nối tiếp nhau tạo thành các thủy cung, nơi hàng vạn sinh vật có cuộc sống riêng, nét đẹp riêng, nơi mà các du khách sẵn sàng bỏ tiền ra để được lặn xuống chiêm ngưỡng, khám phá, rồi nghỉ ngơi trên những bãi cát trắng phau giữa làn nước ấm.
Người ta biết đến các đảo gia vị giữa vùng Đông Nam Á từ rất sớm, khi nhóm người Nam Đảo trao đổi các thứ hương liệu đặc sản với đồng chủng của họ đã di cư đến các đảo xa như Madagascar phía Tây Ấn Độ Dương. Rồi dòng hương liệu tiếp tục theo bờ Đông châu Phi đến trung tâm văn hóa cổ đại ở Ai Cập và Lưỡng Hà.
Từ những năm 950 trước Công nguyên, người Ảrập hoàn toàn làm chủ con đường mua bán gia vị đến các nền văn minh mới nổi ở châu Âu và Tây Á. Sang đầu thời trung đại thì người Venetian mở đường đưa hương liệu Đông Nam Á từ Alexandria ở Ai Cập băng qua Địa Trung Hải đến trung tâm phân phối chính của họ ở Venice trên đất Ý.
Chúng tôi rời vùng trung tâm nhà - thuyền của người Toraja ở miền Nam Sulawesi để đi về phía Bắc, đến Manado nằm trên cung hải đảo nối Indonesia với Philippines, kẹp giữa hai biển nổi tiếng ở hai bên đường xích đạo: Celebes ở phía Bắc và Moluccas ở về phía Nam. Người lái chiếc bemo (xe buýt nhỏ) biết chúng tôi không vội nên cố tình chạy chậm ở những đoạn đường nhìn ra biển Celebes. Một màu thẫm xanh da trời và những ngọn gió mát thổi từ hướng Đông Bắc.
Cư dân các đảo gia vị rất rành hướng gió và các diễn biến thời tiết, đa số họ là con cháu lâu đời của các thương gia đến đây theo ngọn gió mùa. Khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, theo sau những phát hiện quy luật gió mùa trên các biển cả, các đội thuyền mành phát triển nhanh chóng thành các đoàn tàu buồm hoạt động theo những lộ trình nhất định tạo nên con đường hương liệu.
Trong mùa hè, chúng nương theo ngọn gió tây nam mà di chuyển về hướng Đông, dọc theo bờ Ấn Độ, Sri Lanka, vào vịnh Bengal. Từ đây chúng qua eo Malacca mà vào vịnh Thái Lan đến Việt Nam, rồi theo bờ tây biển Đông để đến Trung Hoa, Nhật Bản, hoặc vào biển Java để đến vùng trung tâm các đảo gia vị phía Đông Indonesia, nằm giữa đuôi Nam Philippines và đầu Bắc Papua New Guinea.
Đến giữa mùa thu, các ngọn gió thổi theo chiều ngược lại. Các thương đoàn theo đó trở về từ Nhật Bản, Trung Hoa, nương theo gió đông bắc dọc bờ Tây Philippines để đến vùng biển Sulu nơi các con tàu chất đầy gia vị cũng trở về từ các vùng biển phía Nam nương theo ngọn gió đông nam.
Từ đây chúng cùng men theo duyên hải Bắc Borneo đi về phía Tây, vượt eo Malacca, băng qua vịnh Bengal để đến các kho chứa ở Ấn Độ, nơi các tàu buôn Ảrập đang chờ lấy hàng. Các con tàu về trễ trong khoảng tháng Giêng đến tháng 3 vẫn tiếp tục đi về phía Tây nhờ gió mậu dịch, đến tháng 4, tháng 5 thì theo ngọn gió nam chuyển mùa mà cập bến, trao hàng nơi thương cảng Óc Eo ở Nam phần Việt Nam, chuẩn bị cho các thương vụ năm mới khi con đường hương liệu tại đây trở lại nhộn nhịp vào đầu tháng 6 mỗi năm.
Máy bay dừng lại chờ khách ở thủ phủ miền Nam Ambon và chỉ cất cánh trở lại vào 2 giờ chiều để đến quần đảo Banda cách đó 132 ki lô mét. Tôi tranh thủ thuê chiếc kijang (taxi) đến thăm đồng nghiệp cũ, một nhà địa chất nhưng nay là ông chủ của mấy đồn điền đinh hương ở Halmahera nhìn sang Ternate và một trang trại chế biến bột nhục đậu khấu xuất khẩu trên đảo Seram. Ambon là trung tâm hành chánh trước đây của vùng thuộc địa.
Người ta nói đến các trận tàn phá khủng khiếp bởi các phe phái trong khoảng từ 1999-2002, nhưng nay thành phố đã trở lại yên bình. Lần đầu đặt chân đến đây, tôi có cái cảm nhận như đang đi giữa lòng phố cổ Hội An. Cũng những ngôi nhà xưa cũ, tầm thấp, rêu phong, nhìn ra hướng biển như hầu hết các thương điếm, thỉnh thoảng xuất hiện nhà thờ Thiên Chúa giáo, vài biệt thự tân kỳ, những pháo đài sụp đổ nằm trên bờ biển, và các hí viện lớn nhỏ, nơi tổ chức các buổi vũ nhạc Poco Poco truyền thống.
Sân bay trên đảo Banda Neira khá nhỏ và khách sạn Maulana cũng khá cổ xưa, nhưng những người dân ở đây hết sức vui vẻ, hiếu khách và rất nhiệt thành. Phần lớn người Maluku nói tiếng Mã Lai theo giọng Ambon pha lẫn nhiều ngôn từ Hà Lan mặc dầu nơi đây có đến gần trăm thổ ngữ. Người dân nơi đây rất sùng đạo, họ coi tất cả tôn giáo đều tốt, đều cần, vì vậy mà khi du khách vô tình trả lời không thuộc đạo nào thì họ coi đó là sự đùa cợt xấu hổ! Quần đảo Banda nằm sâu về phía Nam, gồm bảy đảo nhỏ vây quanh ba đảo lớn: Banda Besar, Banda Neira, và Gunung Api.
Hôm sau, tôi dành trọn ngày khám phá ngọn đảo hỏa sơn này để làm quen với đất đá núi lửa và loại hình thổ nhưỡng đặc trưng các đảo gia vị và cũng để chuẩn bị kiến thức cho chuyến thám sát dài ngày trên cung hải đảo. Nhưng trên đường đi, khi người dẫn đường xinh đẹp đột ngột ra dấu cắt đường, dẫn tôi vòng qua phía sau mỏm đá núi lửa andesito-basalt thì một cảnh thần tiên diễn ra ở đó. Nằm giữa các dòng nham thạch xám xanh dựng đứng là các cánh rừng hương liệu nguyên sinh, ngút ngàn, trùng điệp, đầy nắng, đầy gió, và cả những đám mây nhiệt đới sẵn sàng mang mưa tắm mát vào bất cứ lúc nào.