Khi đặt chân đến một vùng đất mới, tôi thường tự hỏi điều gì kiến tạo nên những nếp sống, văn hóa và đặc trưng con người nơi đó. Trước khi đến Myanmar, những điều tôi biết về đất nước này khá chung chung: người dân tín Phật, cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp, nhiều đền chùa và các kỳ quan. Mandalay có tất cả những điều này và hơn thế. Thành phố này là thủ đô cuối cùng của hoàng triều Burma. Địa thế thuận lợi giao thương với dòng sông Ayearwady ôm sát thành phố. Đây là được coi là trung tâm của nền văn hóa Miến Điện nổi tiếng với rất nhiều đền chùa, di tích cũng như những làng nghề thủ công mỹ nghệ. Mandalay cũng nổi tiếng là trung tâm kinh tế, là nơi khai thác ngọc và đá quý quan trọng ở đất nước này.
Đến Mandalay, ấn tượng đầu tiên là sự yên ả. Thành phố này như vừa tỉnh giấc sau giấc ngủ dài mấy mươi năm. Khu hoàng thành Mandalay Palace vẫn giữ nguyên những dấu tích của vương triều hoa lệ. Người dân vẫn sống trong thành và nồng nhiệt chào đón du khách. Dạo chơi trong Hoàng thành, tôi nhớ đến khu đại nội Huế với nhiều cảm xúc lẫn lộn khi nghĩ về cố đô và những biến cố đã xảy ra trong quá khứ. Cách đó không xa, khu đồi Mandalay được xem là nơi phát triển nhiều dịch vụ xa xỉ nhất cũng được bao phủ bởi những tán cây rộng và màn sương mờ ảo. Người dân đi trên đường rất chậm rãi, nhường nhịn nhau. Kiến trúc ở Mandalay nổi bật vẫn là tòa cung điện và các chùa chiền lớn với những phần chạm khắc đá quý hay dát vàng lấp lánh.
Sự tĩnh lặng của tín ngưỡng
Đến những thành phố lớn của Myanmar, bạn không thể bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi chùa lớn. Mandalay có nhiều ngôi chùa độc đáo như chùa lưu các pho tạng kinh bằng đá lớn nhất thế giới, chùa bằng gỗ tếch lâu đời nhất Myanmar...Trong những ngày ở đây, tôi đã ghé thăm Mahamuni, một trong ba ngôi chùa linh thiêng nhất Miến Điện được xây dựng từ thế kỷ 18. Nhìn từ xa, tôi đã choáng ngợp trước bức tượng Phật cao 4m dát vàng lộng lẫy xa hoa. Ánh sáng bức tượng tỏa ra trái ngược với vẻ đơn sơ, nhỏ bé của cổng chùa. Bước qua sân gạch chừng mười bước, tới chính điện bạn sẽ được chiêm ngưỡng biểu tượng vàng của Myanmar: tượng Đức Phật nặng 6,5 tấn với lớp vàng lá dày 15cm, được ủ hương từ muôn loài hoa xung quanh, thơm ngào ngạt. Mỗi năm lớp vàng lá vẫn dày thêm do các tín đồ Phật giáo tới đây cúng lễ và dát thêm vàng lên tượng.
Nếu đến Mahamuni từ sáng sớm, may mắn bạn sẽ được thấy lễ rửa mặt cho Phật. Nghi lễ kéo dài 45 phút bởi vị sư trụ trì với dòng nước tinh khiết được lấy từ nguồn nước sạch nhất ở Mandalay. Lòng kính Phật của người dân Myanmar được thể hiện mỗi ngày, mỗi giờ. Họ tới chùa cầu khấn về mọi chuyện, luôn mang theo hương, hoa và hành lễ thành kính. Ngày nào cũng có những người hành hương quỳ trên nền đá hoa rì rầm cầu nguyện. Tín ngưỡng của họ truyền sang cả du khách. Càng ngắm nhìn họ, tôi càng cảm thấy niềm tin mạnh mẽ vào tôn giáo có thể mang đến sự thư thái cho loài người. Điều này phần nào lý giải sự ôn hòa của người dân đất nước này. Những bất ổn của cuộc sống hiện đại đã dừng lại ở bên ngoài những cánh cổng chùa, nơi họ cầu nguyện mỗi khi thấy bất an và tin rằng đức Phật sẽ che chở cho cuộc sống của mình.
Tu viện Mahagandayon cũng là nơi bạn nên ghé thăm nếu muốn hiểu sâu hơn về tín ngưỡng kính Phật ở đây. Được xây dựng 90 năm trước, tu viện hiện là trung tâm nghiên cứu và phát triển Phật pháp lớn nhất Miến Điện. Hàng ngàn tu sĩ đang theo học và tu thiền tại đây. Một cảnh sắc rất tráng lệ là khi hàng hàng tu sĩ mặc áo tăng đỏ, đứng xếp hàng lặng lẽ bên cạnh những phiến đá trắng trạm trổ kinh phật trải dài con đường trong tu viện. Không gian thiền viện trầm lắng và thanh tịnh khiến lòng người thư thái. Cảnh sắc hiền hòa với cây cối bao phủ giữ bước chân người. Đến đây rồi, tôi mới hiểu vì sao Mandalay lại là điểm đến của nhiều người tu thiền đến vậy.
Cây cầu nối những linh thiêng
Để tìm hiểu nếp sống của dân địa phương Mandalay, bạn không thể bỏ qua khu ngoại ô. Chỉ mất khoảng 15 phút ngồi xe, bạn sẽ tới một vùng châu thổ ven sông trù phú, xanh mát và thưa người. Bên kia sông là làng cổ Inwa hơn 400 tuổi nằm biệt lập như một ốc đảo. Bạn có thể thuê thuyền gỗ để qua sông đến thăm ngôi làng, chiêm ngưỡng những căn nhà còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống của Miến Điện. Tôi thì chọn một cách khác để quan sát Inwa, ngắm nhìn ốc đảo xanh đó từ trên cây cầu Ubein thơ mộng nổi tiếng.
Tương truyền vào những năm 1850, khi vương quốc Ava chuyển thủ đô đến vùng Amarapura đã cho xây dựng cây cầu này trải dài qua hồ Taungthaman để làm nơi ngắm cảnh cho Hoàng gia. Cây cầu được xây dựng từ gỗ trong cung điện hoàng gia cũ ở Inwa. Mỗi trụ gỗ trong số 1.086 trụ đóng xuống lòng hồ đều chứa trong mình một câu chuyện. Người ta cũng kể rằng vào mỗi buổi chiều tà, các vị thần thường tới đây để ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ nhất và ban sự trù phú thịnh vượng cho những người dân ở ven sông. Cây cầu dài 1,2km bằng gỗ tếch nay đã được tu sửa lại nhiều. Nhưng khi bước từng bước chậm rãi trên đó, chạm vào từng thớ gỗ già nua ngả màu đen úa, tôi vẫn cảm thấy xúc động. Giữa bao la sông nước, hồi quang phản chiếu của mặt trời cuối ngày hắt xuống những bình nguyên xanh ở xa xa. Cảnh vật đẹp đến ngưng đọng cảm xúc, không thể thốt lên lời. Dễ hiểu vì sao trang CNNGo lại bình chọn Ubein là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.
Bên cạnh cảnh sắc tuyệt vời, cầu Ubein còn mang đến cho tôi cảm giác về sự linh thiêng. Phần vì câu chuyện được nghe từ người bán hàng lưu niệm về thần linh. Phần vì các nhà sư đi lại qua cầu để về lại những ngôi chùa nằm ở hai bên sông. Những làn khói mỏng như sương tỏa ra từ ngôi làng cổ xa xa. Tất cả đều gợi lên một cảm giác hoài cổ và suy nghĩ về sự cô liêu, các ranh giới và tín ngưỡng của con người. Đứng trên cầu, bạn có thể tưởng tượng ra nhiều khung cảnh xa xưa ở đất nước này và hoài niệm. Bạn cũng có thể bước xuống bãi đất phù sa giữa lòng hồ, chọn một nhà hàng nhỏ xinh, ngồi nhâm nhi ly cocktail hoặc bia, ngắm những đoàn thuyền gỗ đủ màu tấp nập du khách, ngắm đoàn người đi lại trên cầu. Dù thế nào, đó cũng là một trải nghiệm khó phai trong chuỗi những hành trình thiên di.
Mách bạn
Một số địa điểm nổi tiếng khác ở Mandalay:
Chùa Kuthodaw: nằm gần khu đồi Mandalay, chứa quần thể phù đồ và những phiến đá cẩm thạch khắc kinh Phật từ thời vua Mindon. Đây được xem là thư viện kinh Phật lớn nhất thế giới.
Làng nghề trạm khắc đá truyền thống Kyauksittan: được thành lập ngay sau khi Mandalay được xây dựng. Làng nằm trên con đường 48, cạnh cổng phía tây của chùa Mahamuni, chuyên chạm khắc đá tượng Phật bằng đá đủ kích cỡ cung cấp cho toàn nước Myanmar.
Chùa Shweinbin: được xây hoàn toàn bằng gỗ tếch với nhiều hoa văn tượng thần, Phật... được chạm khắc tinh xảo trên mái chùa và cột trụ. Trải qua mấy trăm năm, chùa Shweinbin đã ngả màu đen tuyền, càng thêm vẻ huyền bí.