1. Đảo heo ở Bahamas
Hòn đảo mang tên Big Major Cay ở Bahamas không có người ở chỉ có những chú heo, cư dân đặc biệt đang sinh sống trên đảo. Người ta vẫn tin rằng thủy thủ đã để lại chúng trên đảo làm lương thực dự trữ sau mỗi chuyến hàng khi họ có kế hoạch quay lại đảo hay là người ta tin là chúng sống sót sau những vụ đắm tàu trôi dạt trên đảo.
Dù bất cứ lí do gì đi chăng nữa, thì những con heo trên hòn đảo này đã học cách sinh tồn và phát triển thành đàn, chúng thường bơi ngang qua những con tàu để tìm kiếm thức ăn hay xin thức ăn từ những chiếc thuyền du lịch. Thậm chí có nhiều chiếc thuyền du lịch khi đến gần đảo heo, chúng không ngần ngại và sợ hãi mà nhảy hẳn lên thuyền để tìm kiếm thức ăn.
2. Đảo mèo ở Tashirojima (Nhật Bản)
Những chú mèo trên hòn đảo Tashirojima của Nhật là đông hơn số lượng người sinh sống ở đây. Trước kia hòn đảo có đến 1.000 con mèo sinh sống, theo thời gian và dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan khiến số lượng mèo nơi đây giảm đi nhiều, chỉ còn lại khoảng 100 con và hiện nay con số này đang được phát triển dần lên.
Mèo ở đây rất may mắn vì chúng được mọi người chăm sóc kĩ càng, đặc biệt là khách du lịch. Bởi vậy chúng rất dạn dĩ và thân thiện với con người, sẵn sàng sà vào vòng tay của du khách nếu như được cho ăn. Đến hòn đảo này không chỉ có ngắm nhìn, chơi đùa với mèo mà còn được ngắm nghía và nghỉ chân tại những tòa nhà được thiết kế theo hình dạng mèo cũng rất thú vị.
3. Đảo thỏ ở Ōkunoshima (Nhật Bản)
Hòn đảo nhỏ Okunoshima của Nhật Bản trước đây là ngôi nhà sản xuất vũ khí hóa học cho hoàng gia Nhật Bản phục vụ trong thế chiến thứ II, giờ đây nó đã bị bỏ hoang và trở thành vương quốc của những chú thỏ xinh đẹp.
Những tài liệu liên quan đến những nhà máy sản xuất hóa chất hủy diệt trên hòn đảo đã bị đốt bỏ, máy móc cũng bị phá bỏ hoàn toàn, ngay cả động vật thí nghiệm là những chú thỏ cũng được thả ra khỏi các phòng thí nghiệm và tự do sống trong môi trường tự nhiên ở đảo. Ngày nay, những chú thỏ này được bảo vệ và chăm sóc tốt như những con thú cưng. Mặc dù hầu hết du khách đến hòn đảo là do sự tò mò về những chú thỏ và nhà máy bị bỏ hoang, tuy nhiên, khí độc trên đảo vẫn còn tồn tại. Năm 1988, bảo tàng khí độc đã được xây dựng trên đảo và mở cửa chào đón du khách đến tham quan để cảnh báo mọi người về những sự thật khủng khiếp của khí độc.
4. Đảo ngựa ở bang Maryland (Mỹ)
Không có người ở trên đảo Assateague chỉ có những chú ngựa hoang lang thang khắp các bãi biển là chủ sở hữu thực sự của đảo. Có câu chuyện kể lại rằng những con ngựa tồn tại trên hòn đảo này là từ vụ đắm tàu mà chúng còn sống sót và phát triển đến ngày hôm nay, hiện vẫn còn tàn tích của chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha nằm lẫn sâu dưới lớp cát.
Chỉ có một hàng rào nhỏ phân chia ranh giới giữa hòn đảo Assateague và Chincoteague và cách tiếp cận hai hòn đảo này là rất khác nhau. Mỗi năm thị trấn Chincoteague thuộc hòn đảo cùng tên này thường tổ chức lễ hội Pony Penning, mỗi con ngựa phải bơi qua vùng nước nông giữa các đảo. Nếu con ngựa nào quá nhỏ hay đuối sức trong quá trình bơi thì chúng được đặt trên một chiếc xa lan để chở qua đảo rồi tiếp tục chạy đua trong thị trấn và cũng tại đây những người đấu giá ngựa cũng chờ sẵn để quyết định sở hữu một con và số còn lại không được chú ý sẽ phải tiếp tục bơi trở lại đảo Assateague.
5. Đảo hải cẩu ở vịnh False (Nam Phi)
Đảo hải cẩu thuộc vịnh False, nằm ngoài khơi bờ biển Cape Town. Nơi đây không có thảm thực vật xanh mượt, chỉ có đá và đá. Nhiều năm gần đây, hòn đảo là thiên đường của hải cẩu nhưng cũng xen lẫn vào đó là sự xuất hiện của cá mập trắng và hải cẩu trở thành nạn nhân của chúng.
Những phiến đá trên hòn đảo này bám dính đầy lông của hải cẩu, hàng ngày có hàng trăm con hải cẩu nằm trên bãi đá phơi mình dưới ánh nắng mặt trời.
6. Đảo khỉ Cayo Santiago (Puerto Rico)
Có khoảng 950 con khỉ Rhesus sống trên đảo Cayo Santiago ở Puerto Rico. Đây là nhóm khỉ được sinh ra từ 409 con khỉ từng được nhập từ Ấn Độ vào năm 1938, nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học.
Ngày nay, hòn đảo này là một trung tâm nghiên cứu linh trưởng của các trường đại học như Caribbean của Puerto Pico, đại học Yale, đại học Harvard và các viện y tế của quốc gia. Hòn đảo chứa 11 nhà nguyên cứu lẫn kỹ thuật viên làm việc, họ có những chuyến đi thuyền từ trạm Humacao đến trung tâm nghiên cứu hằng ngày và thường không ở lại trên đảo.
7. Đảo rắn Ilha de Queimada Grande (Brazil)
Đảo Ilha Grande Queimada còn gọi là đảo rắn, nằm ngoài khơi bờ biển Brazil, nơi đây được xem là thánh địa của hàng ngàn loài rắn độc, nhất là loài rắn hổ lục đầu vàng chiếm một số lượng lớn - một trong những loài rắn độc nhất thế giới. Số lượng rắn được ước tính là cứ ở cự ly 1m2 là có rắn hổ lục đầu vàng sinh sống.
Những loài rắn sống trên đảo chủ yếu là săn bắt chim di cư để ăn chứ không phải là những loài động vật có vú, cho nên nọc độc của chúng thường phát ra mạnh gấp 5 lần so với những con rắn ở lãnh địa khác. Bất cứ ai bước chân đến hòn đảo này sẽ bị rắn cắn chết, chỉ trong vòng 3 bước chân. Đây là một khu vực nguy hiểm nên hải quân Brazil ban lệnh cấm mọi người viếng thăm để không bị rắn độc tấn công.