DU LỊCH » Du lịch nước ngoài

Những phong tục thú vị về Giáng sinh trên toàn thế giới

Chủ nhật, 14/12/2014 14:04

Giáng sinh là một dịp lễ lớn trên thế giới. Và ở mỗi quốc gia khác nhau, phong tục cũng như cách thức đón Giáng sinh lại có những khác biệt thú vị riêng.

Nhật Bản

Tại đất nước mặt trời mọc, dịp Giáng sinh không được coi là một ngày nghỉ lễ chính thức.Vì vậy, dịp lễ này giống như một cơ hội cho các cặp đôi thể hiện tình cảm với nhau. Họ thường chọn Giáng sinh là thời điểm để tỏ tình, cầu hôn hoặc thể hiện tình cảm quan tâm với nửa còn lại của mình. Một trong những điểm hẹn hò nổi tiếng ở Nhật Bản là Tokyo Tower (Tháp Tokyo). Một số người tin rằng các đôi tình nhân đứng dưới chân tháp mỗi khi đèn sáng lên sẽ nói những lời yêu thương bất tử.

Hà Lan

Ở đất nước hoa Tulip, Giáng sinh đến sớm hơn một chút so với các nước Bắc Mỹ. Từ ngày 5 tháng 12, các gia đình ở Hà Lan đã tổ chức đêm thánh Nicolas, và những trẻ em ngoan đều được nhân vật trong huyền thoại Sinterklaas mang quà đến tặng. Nhưng cũng giống như các nước khác, lễ Noel tại Hà Lan bắt đầu vào đêm ngày 24 tháng 12.

Hungary

Theo truyền thống, các gia đình Hungary vẫn ăn chay cho đến hết ngày 24 tháng 12 và bữa chay tối chung ngày 24 tháng 12 của cả gia đình được chuẩn bị chu đáo với các món táo, hạnh nhân, mật ong và tỏi, các loại ngũ cốc, kèm xúp đậu nấu với bơ. Sau này khi tục lệ ăn chay được nới lỏng, họ có thể thêm món súp cá hoặc bắp cải nhồi thịt. Cũng theo phong tục, bà chủ nhà không được rời bàn tiệc trong suốt buổi ăn và mọi người đứng ăn, và rơm được đặt dưới bàn để tưởng nhớ sự tích Chúa Giêsu ra đời trong máng cỏ.

Nga

Tại Nga, ông già tuyết sẽ mặc áo màu xanh lá cây chứ không phải màu đỏ như các nước ở phương Tây. Không những thế, bên cạnh ông già tuyết còn có công chúa tuyết, và đây chính là người trao quà cho trẻ em. Với người Nga, dịp Giáng sinh là một dịp để nghỉ ngơi vì họ được nghỉ tới 10 ngày trong ngày lễ này.

Vương quốc Anh

Ở xứ sương mù, lễ được chuẩn bị từ đầu tháng 12, nhưng Giáng sinh diễn ra chính trong ba ngày Christmas Eve (đêm Giáng Sinh 24/12), Christmas Day (ngày Giáng sinh 25/12) và Boxing Day (ngày tặng quà 26/12). Người Anh không ăn lễ đón Noel vào ngày 24 tháng 12 và vào chiều ngày hôm sau – ngày 25 tháng 12. Đêm ngày 24, dân Anh cũng đi lễ nửa đêm nhưng khi về nhà thì đi ngủ ngay vì đối với họ lễ sáng ngày 25 mới là buổi lễ quan trọng. Thông thường các thành viên trong gia đình gặp gỡ, tặng quà và chúc mừng nhau tại bữa ăn chính. Từ chiều 24, các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm, trường học và công sở đều đóng cửa.

Pháp

Ở Pháp, vào đêm Giáng sinh, trước khi đi ngủ, trẻ em ở đây thường đặt giày cạnh lò sưởi với hi vọng rằng Pere Noel, tên gọi của ông già Noel tại Pháp, sẽ để quà trong đó cho chúng. Ngoài ra, ông già Noel còn treo quà, đồ chơi trên cây. Một số bạn nhỏ cũng để một ly rượu cho ông già Noel và một viên đường cho mỗi con tuần lộc kéo xe của ông.

Theo truyền thống, vào cuối tháng 11, các bà mẹ Pháp sẽ mua cho con mình một tấm lịch “Calendrier de I’Vvent.” Bên trong tấm lịch đặc biệt này là những viên kẹo socola vuông, mỗi viên kẹo ứng với một cửa sổ, có đánh số ngày, từ mùng 1 đến 24, sắp xếp lộn xộn. Mỗi sáng, trẻ em phải tìm được số ngày ghi trên lịch và mở cửa sổ rồi nhận một viên kẹo socola thưởng. Điều đặc biệt này chỉ dành cho tháng Noel.

Mỹ

Vì người Mỹ đến từ khắp nơi trên thế giới nên việc mừng lễ Giáng sinh cũng rất đa dạng. Các hoạt động trong ngày lễ này sẽ tùy thuộc vào truyền thống văn hóa của mỗi gia đình. Lễ mừng Giáng sinh ở Mỹ có pha trộn hương sắc của Ireland, Australia, Ba Lan và Bỉ. Những đứa trẻ của đảo Hawaii tin rằng ông già Noel đến từ một chiếc thuyền. Những đứa trẻ ở Alaska mang theo những ngôi sao rất lớn trong khi chúng vừa đi vừa hát mừng Noel. Ở New Mexico các gia đình trang trí những ngôi sao và đèn lồng giấy ở bên ngoài ngôi nhà của mình, còn ở Texas và Mexican - American những đứa trẻ tham gia vào lễ hội Posadas giống như được tổ chức ở Mexico.

Úc

Ở Úc, lễ Giáng sinh là vào mùa hè, thời tiết rất đẹp. Và truyền thống đón Giáng sinh phổ biến nhất ở Úc là hát mừng ngoài trời và thưởng thức tiệc thịt nướng hấp dẫn. Đến Úc dịp Giáng sinh, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy hình ảnh vui nhộn của người đóng giả ông già Noel trong trang phục bơi màu đỏ hay các mặc nguyên bộ đồ Noel xuất hiện cùng ván trượt trên bãi biển.

Áo

Từ ngày 6/12, ông già Noel đã đi phát kẹo, hạt dẻ và táo cho trẻ em. Bọn trẻ sẽ chờ đợi tới khi nào nghe tiếng chuông leng keng mới được bước vào phòng đặc biệt có chưng cây thông đã được trang hoàng với nến và bánh kẹo. Cả gia đình sẽ ca vang các bài hát mừng Giáng sinh và chúc tụng lẫn nhau.

Na Uy

Ở Na Uy, trong đêm Giáng sinh, tất cả các gia đình đều cất hết chổi đi vì họ sợ rằng, phù thủy sẽ đến và ăn trộm chổi. Từ nhữn ngày xa xưa trẻ em Na Uy mặc trang phục ngày Giáng sinh và đi từ nhà này sang nhà khác để đòi thiết đãi, cũng giống như trẻ em Mỹ trong lễ Halloween. Đứa trẻ dẫn đầu sẽ hoá trang thành con dê và phong tục này được gọi là "going Julebukk". Ngày nay, chỉ còn trẻ em ở vùng nông thôn của Nauy giữ phong tục này.

Ukraine

Ở Ukraine, các gia đình sẽ giấu một mạng nhện trên cây. Ai tìm được mạng nhện đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Tuy nhiên ngày Giáng sinh chính thống của đất nước này là 7/1 và ông già Noel đến thăm trẻ em bằng chiếc xe trượt tuyết được kéo bởi ba con tuần lộc chứ không phải bằng sáu con như thường lệ.

Cộng hòa Séc

Ở Cộng hòa Séc, những cô gái chưa chồng thường đặt một cành đào xuống nước vào ngày 4/12. Nếu cành đào nở trước đêm Giáng sinh, họ tin rằng điều đó có nghĩa là sang năm, cô gái đó sẽ lấy chồng.

Đan Mạch

Ở Đan Mạch, vào đêm Giáng sinh, mỗi gia đình sẽ để một bát cơm hoặc cháo cho người tí hon. Họ tin rằng nếu không làm như vậy, những món quà sẽ bị lấy trộm mất trước khi trẻ em thức giấc.

Theo ttvn.vn
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới