Người hướng dẫn viên có bố là người Việt
Tham khảo về quần thể Angkor trước chuyến đi Campuchia (do Bộ TTTT tổ chức), có người nói với tôi, nếu chỉ với hướng dẫn viên tầm tầm thì những gì bạn có thể nhớ về di sản văn hóa thế giới này chỉ là một mớ hỗn độn những ngọn tháp (dù rất hùng vĩ) cùng những thứ mập mờ về ngày tháng, kích thước của nó cùng những cái tên khó thể phát âm của các vị vua xây dựng nên các kỳ quan này.
Nhưng khi biết cô hướng dẫn viên có bố từng là bộ đội Việt Nam, thấy thú vị, tôi đề xuất So Kim kể về chuyện tình trong khói lửa của bố mẹ cô. So Kim rất vui khi kể câu chuyện này. Bố cô là bộ đội Việt Nam sang giải phóng cho dân tộc Campuchia tránh khỏi thảm họa diệt chủng của chế độ Khmer đỏ. Anh bộ đội Trần Anh Phúc có mối tình sét đánh với cô gái xinh đẹp ở Xiêm Riệp. Anh nói dối bố mẹ là đi Sài Gòn chơi, để rồi từ quê hương Nam Định anh tông thẳng một mạch đến với người yêu. Nay họ đã có với nhau 3 đứa con và So Kim là cô con gái lớn, tuổi đã 30. So Kim cho biết, bố cô đã quên rất nhiều tiếng Việt. Bởi vậy So Kim phải sang Việt Nam để học; những lúc nói chuyện với bố, họ cũng chỉ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ quê vợ.
Đứng trên chiếc cầu đá cổ xưa ở Angkor Wat, vóc dáng nhỏ nhưng So Kim khoát vòng tay thật rộng với vẻ đầy tự hào: 12 ngọn tháp lớn này xây thành một quần thể thống nhất (hiện 7 ngọn tháp đã bị mất phần đầu do chiến tranh thời Pol Pot), với tổng diện tích 200ha và bao quanh nó là một dòng sông. Lúc đó tôi thắc mắc, với diện tích lớn như vậy, họ sẽ đào con sông này như thế nào để nước có thể chảy quanh năm? So Kim cho rằng, có giả thiết nói cả quần thể này được xây dựng lọt thỏm trong lòng hồ, cái gọi là dòng sông đó thực chất là phần còn lại của lòng hồ. Quá vĩ đại và hoàn hảo.
Cả hai dòng sông bao quanh hai quần thể Angkor Wat và Angkor Thom đều có nguồn từ một cái hồ nào đó mà tôi không thể nhớ tên, chỉ biết rằng nó rất lớn, có thừa thãi nước để trao đổi đối lưu nước quanh năm cho cả hai con sông bao quanh hai quần thể. Để bảo vệ cho cố đô của mình, các bậc đế vương từ xa xưa đã rất công phu khi tính toán, thiết kế những con sông bao quanh như vậy. Nhưng nhìn vào cấu tạo các tháp này, tôi thấy nó không phải là thành lũy của vua chúa để có thể đánh trả các lực lượng chống đối mà thuần túy là nơi thờ tự các vị thần.
Vậy mà, năm 2012, nhờ một thiết bị laser cảm biến từ xa của Viện khoa học quốc gia ở Mỹ đã phát hiện một thành phố vĩ đại hơn nằm dưới lòng đất, do đó họ đã đưa ra giả thiết: Quần thể Angkor thực chất chỉ là một thành phố mang tính biểu tượng, được lên kế hoạch xây dựng kỹ lưỡng để che đi thành phố lớn hơn nhiều nằm phía dưới? Và ngay phía trong những con sông này trùng điệp là rừng. Do đó, dù tổng diện tích các tháp ở Angkor Wat rất lớn nhưng chỉ là con số nhỏ so với diện tích rừng bao quanh, nâng tổng diện tích cả quần thể này lên tới 200ha.
Khi chưa kịp tiếp xúc với các ngọn tháp đá kỳ bí nơi đây, tôi đã choáng ngợp, bị thôi miên bởi cánh rừng rộng bất tận rất đẹp hai bên đường khi bước trên những tảng đá lớn xô lệch do thời gian từ xa xưa để đến cửa chính của Angkor Wat. Trước các cánh rừng là những thảm cỏ xanh mượt trải rộng dưới ánh sáng mặt trời tạo nên vẻ đẹp thật mê hồn, trên đó thỉnh thoảng lại có những cây cổ thụ tỏa bóng thật thanh bình và hài hòa với những kiến trúc cổ. Và đứng trên tầng Thiên đường của Angkor Wat mới thấy rõ rừng bao quanh đây lớn tới mức nào. Tôi có cố gắng hết sức, nhưng tầm nhìn của tôi, giữa trưa nắng chói chang vẫn chỉ thấy rừng và rừng cùng 4 con đường dẫn vào 4 cửa của Angkor. Ngẫm lại, ở mình, không nói gì đến đô thị, mà ngay cả không ít vùng lõi rừng quốc gia cũng bị đốn hạ không thương tiếc thấy thật... chua xót.
Và tôi lên thiên đường
Ấn tượng đặc biệt mạnh với tôi ở Angkor Wat không chỉ là sự vĩ đại của nó mà còn là việc, lúc đầu mục đích xây dựng là thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo (đạo Bà La Môn), về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Tôi không rõ trên thế giới rộng lớn này còn nơi nào có những bức tượng thể hiện cùng lúc cả 2 tôn giáo khác nhau trong những nơi tôn nghiêm như thế này không, tôi chỉ biết ngắm, xoay vòng quanh những bức tượng đã “đồng hóa” hai tín ngưỡng khác nhau, nhờ nó tôi có thể cảm nhận và hiểu thêm chiều sâu nền văn hóa Campuchia và nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào tới xã hội hiện tại ở đây.
Từ tầng trần gian ở Angkor Wat - nơi đã rất cao so với những bãi cỏ mượt đẹp như tranh phía dưới - chúng tôi leo những bậc thang bằng gỗ để lên tầng Thiên đường. Lúc leo lên tôi rất lấy làm lạ tại sao có người ở cầu thang bên kia đang xuống thang bằng cách bước giật lùi, trong khi thang thì gần như dựng đứng. Nhưng đến lúc phải bước xuống thì tôi … hiểu ngay. Từ Thiên đường nhìn xuống, ở độ cao chót vót của nó, thang thì chơi vơi khiến tôi cũng sởn gai ốc. Chính tôi cũng không dám nhìn thẳng xuống mà phải che mắt bằng quyển sổ và chỉ nhìn từng bậc thang một để từ từ bước. Nhưng lúc lên đến tầng Thiên đường, tôi cũng không thể hình dung rằng ở trên này lại rộng đến như vậy.
Nếu như ở tầng trần gian, chỉ riêng chuyện xây 4 cái hồ độc lập để nhà vua và hoàng tộc “tẩy trần” trước khi tế lễ đã khiến chúng tôi thấy sự vĩ đại của tầng này, nhưng lên đến Thiên đường rồi tôi vẫn thấy nó rộng hơn mình hình dung nhiều. Rộng tới mức, nhiều người trong đoàn chúng tôi bị lạc nhau, cũng tại đây, tôi mới có thể ngắm được toàn cảnh từ từng hướng một. Càng ngắm tôi càng cảm nhận được sự kỳ vĩ của nó và cứ lan man nghĩ, tại sao từ thế kỷ XII, dù là một vương quốc hùng mạnh lúc bấy giờ, nhưng chắc chắn kinh tế, kỹ thuật còn rất hạn chế mà họ có thể xây dựng những kiệt tác không chỉ được chăm chút đến từng chi tiết ở từng hòn đá xây tháp, mà còn đồ sộ đến như vậy.