Vạn Lý Trường Thành không bị phá hủy đơn lẻ mà trải dài hàng ngàn dặm tại nhiều khu vực. Theo một cuộc khảo sát năm 2014 của Hiệp hội Vạn Lý Trường Thành, chỉ còn 8,2% công trình đang ở điều kiện ổn định và 74,1% bị xếp vào hạng bảo tồn kém.
Nhằm phục vụ các hoạt động khám phá Vạn Lý Trường Thành, Ban tổ chức đưa nhiều lượng khách tới công trình, vượt quá sức chịu đựng đã góp phần hủy hoại di sản thế giới này. Trong số đó, 1.962km công trình đã bị tàn phá qua nhiều thế kỷ. Một số đoạn đã bị mưa gió bào mòn trong khi cây cối mọc trên bờ tường khiến tình trạng đổ nát xảy ra nhanh hơn.
Một đoạn của Vạn Lý Trường Thành bị tàn phá vì mưa bão
Các hoạt động như trộm cướp, vẽ tranh tường Graffiti cũng là tác nhân gây ảnh hưởng xấu. Chủ tịch Hiệp hội Vạn Lý Trường Thành - ông Dong Yaohui cho biết: "Người dân địa phương còn lấy đi các viên gạch có hình chạm trổ từ Vạn Lý Trường Thành". Ước tính, những tấm gạch lát với các ký tự tiếng Hán được người dân đem bán với giá 30 NDT (hơn 100 nghìn đồng) một tấm.
Ông Dong Yaohui còn phát biểu thêm: "Vạn Lý Trường Thành là một công trình di sản lớn với hơn 20.000 km chiều dài, vì thế, việc tăng cường bảo tồn và phục hồi gặp nhiều khó khăn. Dựa vào sức người ở các địa phương cũng không đủ để bảo vệ di sản này".
Khi đề cập đến các biện pháp ngăn chặn tình trạng này, ông Dong cho hay, chính quyền địa phương sẽ cung cấp chương trình giáo dục và tiền trợ cấp để khuyến khích người dân cùng tham gia bảo vệ kỳ quan này. Ngoài ra, các mức phạt cho hành vi phá hoại cũng phải tăng lên 5.000 NDT (khoảng gần 18 triệu đồng).
Vạn Lý Trường Thành được xây dựng lần đầu vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, nhưng gần 6.300km lại được xây dựng vào thời nhà Minh (1368-1644).