Có lúc vui vẻ bạn bè tiệc rượu tại nhà, một người bạn hô: “2.500 USD ông bán cho tôi nhé”. “Tôi không bán đâu, 5.000 USD tôi mới bán”. Thế là hôm sau vợ vui vẻ, yêu mến tôi lắm, cho ăn uống tử tế hẳn! “Làm hàng” với vợ mình cũng vui, còn Huyền thì đâu biết món đồ ấy thực sự chỉ đáng giá 500 USD (cười).
Để hiểu được đồ cũ và đồ cổ, tôi đã trải qua nhiều bài học có máu và nước mắt với rất nhiều học phí. Cùng một thời kỳ, thời gian, chất đất, tay người làm nhưng món đồ được làm cho người dân dùng cũng 500 năm 1000 năm chỉ là đồ xưa, đồ cũ. Những món đồ tinh xảo cho vua chúa, chỉ độc bản hoặc 10- 20 bản, giữ gìn cái tinh túy và giá trị tinh thần của món đồ đấy thì mới xứng đáng gọi là đồ cổ. Đồ cổ mang lại cho tôi sự tĩnh tâm mỗi khi đi diễn đêm về, ngồi vuốt ve, cảm giác về lịch sử của nó và cả tương lai khi mang lại lợi ích kinh tế cho tôi sau khi lăn lộn khắp nơi để bán được những tấm vé kêu gọi mọi người quay lại với Nhà hát Tuổi trẻ, nhà hát Thanh niên…
Món quý nhất của tôi thường là những món đã bán, vì đồ quý là đồ mang lại giá trị thặng dư. Tự an ủi vì mình nghèo nên quan tâm đến kinh tế đồ nhiều hơn là thưởng ngoạn đồ. Cũng mơ một ngày cuộc sống dư dả thì sẽ chú ý đến thưởng ngoạn đồ nhiều hơn.
Kỷ niệm đau buồn nhất là một lần đi xe máy mua được 4 cái bát từ Nam Định đến Hà Nam thì bị ngã xe. Người xây xát nhưng vẫn cuộn tròn bảo vệ cho các món đồ cổ. Đồ cổ, đôi khi là máu và nước mắt của chính mình.
Khổ sở nhất khi đi mua đồ cổ là thuyết phục các chủ nhà. Đồ cổ toàn là đồ gia bảo của cha ông để lại. Người ta đã đồng ý bán. Đến nơi thì người nhà người ta lại gàn, rồi lại phải chạy sang nhà ông chú, bà cô để thuyết phục. Cũng may, có cái mặt Chí Trung cũng dễ thuyết phục…
Vợ tôi, Ngọc Huyền, không biết gì về đồ cổ. Lúc khó khăn, tôi hỏi vợ đưa cho mấy triệu đi mua đồ thì Huyền tái mét mặt mũi. Bạn đến nhà thì thập thò đi lên đi xuống, thấy chồng gọi “Huyền ơi, đưa anh 10 triệu” là giật thót mình.
Đấy là những phút đau khổ nhất của Ngọc Huyền nhưng vài tuần sau thì lại sung sướng nhất “Huyền ơi cất giùm anh 10.000 USD”. Tất cả niềm tin thơ ngây, Huyền trao hết vào chồng vì nghĩ tôi sẽ mang được món lợi. Nhưng chỉ có tôi mới biết là… đầu vào và đầu ra bằng nhau. 40.000 USD có thể là giá cao nhất của món đồ tôi bán được. Hiện tôi có một đôi lọ đang ngự trong tủ, từng mua 1 triệu cách đây 20 năm, nhưng giờ ai mua 40.000 USD tôi mới bán. Gần đây tôi không mua đồ cổ nữa vì tôi cho rằng đồ 100 % lừa lọc và toàn đồ mới được làm nhái lại. Bây giờ người ta làm nhái rồi chôn xuống đất, giả vờ đào lên. Cài vào bịch thóc nông dân, bảo sợ vợ chồng con cái nó biết đòi chia nên 2, 3 giờ sáng gọi bọn tôi về. Kêu là món đồ gia bảo của ông cha, rồi đang mặc cả mua bán thì hò nhau kêu dân quân đến, tạo tình huống lừa lọc.