Trước đây, Hoa hậu Hương Giang đã từng mơ ước một lần được đặt chân tới vùng đất này sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết "Mật mã Tây Tạng". Và không ngoài sự mong đợi, khi thực sự được đặt chân đến đây, Hoa hậu Hương Giang đã có những trải nghiệm hết sức thú vị. Không chỉ thích thú trước thiên nhiên hùng vĩ mà Hoa hậu đẹp nhất Châu Á còn bị cuốn hút bởi nét văn hóa Phật Giáo ở nơi đây.
Hoa hậu Hương Giang và chuyến đi đầy cảm xúc đến vùng đất Tây Tạng
Người đẹp chụp ảnh trước cung điện Potala. "Đây là kỳ quan tôn giáo, biểu tượng của Tây Tạng. Khởi nguồn từ một hang động trong lòng núi của Hồng Đồi, được bắt đầu xây dựng từ vị Tạng Vương hùng mạnh nhất trong lịch sử Tây Tạng – Tùng Tán Cán Bố ở thế kỷ thứ 7, Potala sau đó được Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 bắt đầu mở rộng vào thế kỷ 17 và là nơi ở cũng như đặt chính phủ của các đời Đạt Lai Lạt Ma tới năm 1959. Cột mốc 1959 được Kunchok nhắc đi nhắc lại trong mỗi địa danh, mỗi câu chuyện mà chúng tôi tới sau này như cột mốc thay đổi của lịch sử người dân Tạng", Hương Giang chia sẻ.
Hương Giang rất thích chú chó ngao Tây Tạng
Ngoài ra, Hương Giang còn chia sẻ về hành trình đến Jokhang và tu viện Sera: "Điểm đến linh thiêng tiếp theo là Jokhang (Đại Chiêu) với bức tượng Phật Bạc Thích Ca Mâu Ni do công chúa Văn Thành mang theo làm của hồi môn cùng Tạng Vương Tùng Tán Cán Bố. Chùa năm vị trí trung tâm khu vực Bát giác, cũng là thánh đền linh thiêng nhất của người Tạng. Xung quang khu vực này và Lhasa nói chung là từng tốp quân đội canh gác nghiêm cẩn, đi tuần tra khắp nơi, cứ mỗi 100m là một hệ thống camera quan sát. Nó cũng không ngăn được dòng người hành hương từ khắp nơi đổ về chiêm bái, đi kora vòng qua đền.
Tu viện Sera là một trong những tu viện lớn nhất của Tây Tạng. Chúng tôi tới vào buổi chiều để được chứng kiến các nhà sư tranh luận. Từng nhóm sẽ có các đề tài rồi một người hỏi hào hứng, đập tay chan chát, người trả lời sẽ ngồi khá lặng lẽ. Nhiều bà mẹ thì đưa con cái đến tu viện để xin cầu sức khỏe bằng cách nhà sư sẽ quẹt chút ám khói từ đèn dầu bơ lên mũi bé. Ở trong các tu viện, đền chùa, mỗi ngóc ngách khe hở giữ bức tường, bao quanh tượng Phật là vô số tiền xu, tiền lẻ. Tôi hỏi Kunchok rằng đây là tập tục của người Tạng hay người Trung Quốc. Anh bảo đó là tập tục của người Tạng vì đối với họ tiền tài, vàng bạc, những mẻ lúa mạch hay dầu cải tốt nhất đầu mùa đều dành để dâng lên cúng Phật".
Người đẹp cho biết điểm đến yêu thích nhất của cô trong chuyến đi này là thánh hồ Yamdrok: "Chỉ cần đứng lặng người ngắm vẻ đẹp của đất trời, hồ nước là đủ để thấy mình lắng lại và thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Vẻ đẹp ấy làm tôi phải bật ra lời nói “nhất định sẽ phải trở về Tây Tạng”.
Những hình ảnh Hương Giang ghi lại khi đặt chân đến Tây Tạng.