TRẺ » Đời sống trẻ

1 điểm môn toán vẫn đậu ĐH

Thứ bảy, 01/09/2012 07:56

Đặc biệt, có tới 26 TS (chiếm tỷ lệ khoảng 17%) chỉ 1 điểm môn toán. Không chỉ vậy, đến hơn 17% TS có điểm môn toán, lý cùng dưới 3 điểm, trong đó nhiều TS chỉ được 1 điểm toán, 1 điểm lý... nhưng vẫn đậu ngành kiến trúc của ĐH Khoa học Huế.

Hiện nay khối V bao gồm 3 môn thi toán, lý, vẽ. Để chọn những thí sinh (TS) có năng khiếu, một số trường có cách tính điểm ưu tiên môn vẽ.

Điểm môn văn hóa quá thấp

Năm nay, Trường ĐH Khoa học Huế công bố điểm chuẩn ngành kiến trúc là 14,5; trong đó môn vẽ đã nhân hệ số 2. Ngoài ra, TS phải đạt tối thiểu 5 điểm môn này mới đủ điều kiện xét tuyển. Với mức điểm này, trường có 149 TS dự thi ngành kiến trúc đủ điều kiện về môn vẽ và hầu hết những TS này đều trúng tuyển.

Điều đáng nói, đa phần TS trúng tuyển có mức điểm 2 môn khoa học (toán, lý) rất thấp. Cụ thể, có 79/149 TS điểm toán từ 3 trở xuống, chiếm tới 53%; 53 TS điểm toán từ 2 trở xuống, chiếm tỷ lệ 35,57%. Đặc biệt, có tới 26 TS (chiếm tỷ lệ khoảng 17%) chỉ 1 điểm môn toán. Không chỉ vậy, đến hơn 17% TS có điểm môn toán, lý cùng dưới 3 điểm, trong đó nhiều TS chỉ được 1 điểm toán, 1 điểm lý.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành kiến trúc, mức điểm đầu vào như vậy sẽ không thể đào tạo được những kiến trúc sư đảm bảo chất lượng. 

Nhiều ý kiến cho rằng việc nhân hệ số môn vẽ, không chú trọng các môn khoa học khác cho thí sinh thi vào ngành kiến trúc là chưa hợp lý.

Kiến trúc sư Đặng Việt Long, giảng viên Khoa Kiến trúc ĐH Xây dựng Hà Nội, cho biết: “Việc tính điểm như vậy là không hợp lý và sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng thấp. Ngành kiến trúc không chỉ đòi hỏi tư duy về nghệ thuật mà TS cần phải có tư duy khoa học mới đủ tố chất để theo học. 

Người làm kiến trúc, ngoài tư duy về nghệ thuật như tạo hình, bố cục thì cần phải biết tổ chức không gian, kết cấu… Vì vậy, khi tuyển sinh ngành này, môn toán phải là môn được chú trọng. Trước đây, ĐH Xây dựng cũng nhân hệ số 2 môn vẽ nhưng những năm gần đây đã điều chỉnh hệ số môn vẽ chỉ còn 1,5. Đồng thời, môn toán cũng được nhân hệ số 1,5. Cách tính này mới đảm bảo tuyển được những sinh viên đủ tố chất để theo học”.

Có lẽ thấy được những bất hợp lý này nên nhiều trường ĐH đào tạo ngành kiến trúc đã thay đổi cách tính điểm ưu tiên. Không chỉ có môn vẽ, nhiều trường ưu tiên cho cả môn toán. Từ năm 2012, điểm thi tuyển sinh khối V môn toán và vẽ của ĐH Kiến trúc Hà Nội đều được nhân hệ số 1,5. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM còn không nhân hệ số môn vẽ, ĐH Bách khoa TP.HCM chỉ nhân hệ số 2 môn toán.

Phúc khảo môn năng khiếu, tại sao không ?

149 TS được điểm 5 môn vẽ trở lên cũng là 149 TS trúng tuyển. Điều đó cho thấy cách tính điểm thi của ĐH Khoa học Huế khiến điểm môn vẽ quyết định toàn bộ việc TS trúng tuyển. Trong khi đó theo quy chế tuyển sinh, môn thi này lại không được phúc khảo. Vì vậy trường hợp TS thấy điểm môn vẽ không phản ánh đúng bài thi cũng không có cơ hội kiểm chứng.

Nhiều ý kiến cho rằng việc “độc quyền” trong khi chấm môn năng khiếu có rất nhiều khả năng nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt khi năng khiếu là môn quyết định việc trúng tuyển của TS như ở ĐH Khoa học Huế.

Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, việc không cho phúc khảo môn vẽ cũng chưa thực sự khoa học. Dù là môn năng khiếu nhưng bài thi môn vẽ vẫn còn được lưu trữ và nó không mang tính chất thời điểm như hát, múa hay thể thao… Bài thi này hoàn toàn có thể được đem ra đánh giá lại. 

Trao đổi về việc vì sao quy chế tuyển sinh quy định không phúc khảo môn năng khiếu, ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Khảo thí và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD Bộ GD-ĐT, cho biết: “Một trong những lý do vì đây là môn thi khó phúc khảo. Hát múa thì không thể hát lại, múa lại để chấm lại. Riêng đối với môn vẽ cũng không thể phúc khảo vì không có đáp án trước để làm đối chứng. Việc chấm chỉ phụ thuộc vào cảm quan nghệ thuật của giám khảo. Việc có tiêu cực trong chấm thi môn này hay không sẽ phải xem xét ở góc độ khác”.

Ông Duy cũng cho biết, môn năng khiếu chỉ là một trong 3 môn để xét năng lực của TS. Tuy nhiên như ở ĐH Khoa học Huế, môn vẽ lại trở thành môn quyết định việc trúng tuyển. Vì vậy đây là vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần phải xem xét để đưa ra quy định sao cho việc tuyển sinh ngành năng khiếu nói chung được công bằng và khách quan.

Xzone
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới