Chạy sô ngày Tết, quên nói lời yêu
Tết đến, rất nhiều cặp đôi sinh viên ngậm ngùi xa nhau vì khoảng cách địa lý. Xa nhau, cái “tít tít” được trưng dụng hết mức. Đặc biệt với những đôi mới yêu thì nhu cầu được trò chuyện lại càng lớn. Một ngày không được nói chuyện điện thoại với nhau ít nhất 2, 3 lần thì bứt rứt, khó chịu vô cùng.
Cũng chính vì thế, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã diễn ra. Cặp đôi M.L và N.K cùng học một trường ĐH. Ngày nghỉ Tết, nàng bịn rịn tiễn chàng ra ga tàu về Nghệ An rồi sáng hôm sau mới lên ô tô về Hải Phòng. Đi tàu đêm về Vinh, chàng và nàng cứ tin qua tin lại gần tới sáng mới chịu rời máy điện thoại. M.L chắc mẩm chàng về Nghệ An ngày nào cũng sẽ nhớ nhắn tin, gọi điện cho mình.
Nhưng vì nhà ở xa, cả năm chỉ về được 2 dịp là Tết với nghỉ hè, bạn bè thi thoảng mới gặp nhau nên được dịp nghỉ dài, N.K và bạn cứ tổ chức liên hoan liên tục. N.K mải miết hết tất niên với bạn cấp 3 rồi lại tới bạn cùng xóm và rất nhiều cuộc hẹn café… Ham vui lại quan hệ rộng, cả nể, N.K không thể từ chối lời mời nào.
Bận rộn chàng quên cả nhắn tin, gọi điện cho nàng. Con gái hay nhớ nhung và lo lắng khi không nhận được điện thoại nên M.L chủ động gọi cho người yêu. Ai ngờ lúc nào gọi cũng thấy N.K kêu bận, đã vậy những người bạn gái đi cùng còn cố tình đùa giỡn, nói vọng vào điện thoại những lời tán tỉnh làm M.L muốn nổi khùng lên. Nàng tức tối tắt máy, người yêu gọi điện, nhắn tin làm lành nhưng nhất định không chịu nghe máy.
Q (Hoàng Mai, HN) lại thuộc vào hàng ghen khủng khiếp. Nhà Q mọi việc Tết nhất đều một tay mẹ Q lo hết, bố và hai con trai chẳng phải động chân động tay vào việc gì nên Q nhàn tênh.
Thời gian rỗi nhiều nên Q suốt ngày chỉ chăm chăm ôm máy tính và điện thoại chờ nói chuyện với người yêu. L (Hoành Bồ, Quảng Ninh), bạn gái của Q thì đúng mấy ngày Tết mẹ ốm nên L phải cùng bố lo sắp mâm ngũ quả, nấu đồ cúng ngày Tết, lo đi chúc Tết họ hàng, tiếp khách đến chơi nhà,… Vậy mà Q không hiểu, ngày gọi cho N.L cả chục cuộc điện thoại, cứ thấy L ở đâu ồn ào lại tra khảo đi đâu, làm gì, với ai khiến L vô cùng khó chịu.
Khi nàng hóa… "hồ than thở"
Bận rộn với việc nhà, phụ mẹ chuẩn bị cỗ bàn ngày Tết có những nàng trở nên mệt mỏi, cứ mở miệng ra là than thở. T (Hải Dương) nhận được điện thoại của người yêu lại kêu mệt, kêu khổ.
Chàng thương nàng mệt, từ tốn hỏi nàng có nhớ mình không với hi vọng nàng xúc động, ai dè nàng buông một câu: “Tùy lúc thôi, chứ cả ngày em chúi đầu vào bếp núc lấy đâu thời gian nghĩ đến chuyện khác” khiến chàng bực dọc: “Em nghe thì nghe không nghe thì thôi, chứ lúc nào anh gọi em cũng than mệt thế này anh cũng mệt mỏi lắm”.
Nhiều bạn trẻ, đi học xa nhà về, mấy ngày Tết bố mẹ giao cho lau dọn bàn ghế, quét nhà cửa mà cứ như việc nặng nhọc lắm, rồi được dịp là lại thở ngắn than dài và trút hết bực bội lên người yêu.
Các chàng, nàng không hiểu nghe than thở một lần thì có thể cảm thông nhưng phải nghe thường xuyên sẽ trở nên khó chịu như thế nào. Than thở thường xuyên còn khiến người kia đánh giá bạn lười biếng, chây lì, hoặc không có khả năng chịu khó khăn.
Xa nhau việc giữ liên lạc với nhau là điều cần thiết để bếp lửa tình yêu luôn ấm nồng. Tuy nhiên đừng gọi quá nhiều khiến những lời nhớ nhung trở nên nhàm chán và làm cho người yêu có cảm giác bị quản lý. Nên có thói quen chia sẻ, cùng nhau giải quyết những khúc mắc riêng thay vì tra vấn, hỏi như hỏi cung nhau.
Dù không ở bên nhau những cũng nên có sự tôn trọng trong những cuộc gọi. Tránh việc đang nói chuyện với người yêu nhưng thỉnh thoảng vẫn “bồ hóng” chuyện ở ngoài rồi nói vọng ra khiến người yêu cảm thấy không được tôn trọng.
Những cô nàng mắc bệnh than thở hãy tập thói quen nói cô đọng và tập thích nghi với những bận rộn của ngày Tết. Nên nhớ người yêu muốn bạn thủ thỉ, chia sẻ tâm tư chứ không muốn bạn thành cái đài cát-sét phát đi phát lại một băng.
Xa nhau những lời yêu thương sẽ là gia vị giúp tình yêu của các cặp đôi trở nên bền chặt hơn. Hãy để việc xa nhau là thử thách giúp cây tình yêu thêm lớn và cũng là khoảng thời gian để mỗi người có không gian riêng cho gia đình, bạn bè.