TRẺ » Đời sống trẻ

20 bí quyết để có một lễ cưới đồng tính tuyệt vời (Phần 1)

Thứ ba, 22/04/2014 11:12

Mặc dù hiện giờ Việt Nam vẫn chưa cho phép các cặp đôi đồng tính đăng ký kết hôn thế nhưng cũng không cấm tổ chức lễ cưới hoặc tiệc cưới.

Nghị định 110/2013/NĐCP được ban hành vào năm ngoái đã loại bỏ "kết hôn giữa những người cùng giới tính" ra khỏi danh sách các mức phạt hành chính. Chính vì thế, những người cùng giới tính yêu thương nhau và xác định sẽ chung sống cạnh nhau dài lâu có thể tự do tổ chức các buổi lễ cưới như bao cặp đôi dị tính. Một lễ cưới với bất kỳ cặp tình nhân nào cũng là những khoảnh khắc thật thiêng liêng và bồi hồi. 

TRƯỚC LỄ CƯỚI

1. Ai sẽ cầu hôn ai?

Thông thường, người đàn ông sẽ cầu hôn người phụ nữ. Nhưng đối với một cặp đôi đồng tính thì truyền thống đó thật khó để áp dụng. Câu trả lời cho trường hợp này chính là bạn chẳng cần phải bận tâm quá nhiều. Tình yêu của người đồng tính xuất phát từ hai chữ bình đẳng. Nếu bạn muốn cầu hôn, chỉ cần kiếm một địa điểm lãng mạn, quỳ xuống và nói những lời yêu thương nhất. Phần còn lại của hạnh phúc sẽ đến từ người bạn đời của bạn.

2. Có phải đây là một lễ cưới thật sự không?

Chắc chắn là có. Dù cho bạn không được đăng ký kết hôn nhưng ý nghĩa của hôn lễ chính là sự gắn kết giữa hai tâm hồn, hai trái tim. Một khi bạn đã làm lễ cưới tức là bạn đã chứng minh cho mọi người thấy hai bạn thật sự là của nhau. Hãy nhớ đây là một vấn đề nghiêm túc và đừng xem nó như một trò đùa.

3. Ai sẽ gánh vác chi phí tổ chức lễ cưới?

Theo truyền thống người Việt thì gia đình nhà trai sẽ thực hiện việc hỏi cưới và lo toan các khoản chi phí. Nhưng ngày nay thì chi phí sẽ được san sẻ tùy theo hoàn cảnh của mỗi bên. Tương tự như vậy đối với những lễ cưới đồng tính. Nếu hai bạn được sự ủng hộ của gia đình thì có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía cha mẹ hai bên. Còn không thì hai bạn có thể cùng nhau hoạch định, chia sẻ chi phí lễ cưới sao cho phù hợp nhất.

Cầu hôn là một phần quan trọng trước lễ cưới

4. Thế còn nhẫn cầu hôn thì sao?

Khi bạn cầu hôn ai đó thì việc có cần thiết phải bằng một chiếc nhẫn hay không thì tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn hoặc người bạn đời cảm thấy điều đó thể hiện sự trang trọng thì không nên ngần ngại. Còn nếu không có thì điều đó cũng chẳng nói lên được rằng tình cảm hai bạn không mặn nồng.

5. Nên tổ chức lễ cưới ở đâu

Có rất nhiều địa điểm để các cặp đồng giới có thể cử hành hôn lễ. Có cặp đôi thích tổ chức lễ cưới tại tư gia theo truyền thống người Việt, nhưng cũng có cặp đôi thích tổ chức trên bãi biển như ở các quốc gia Tây phương… Dù tổ chức ở đâu thì bạn phải nhớ đảm bảo tính trang trọng của buổi lễ cũng như là sự thống nhất giữa hai bạn.

Cử hành hôn lễ trên bãi biển cũng là một lựa chọn mang tính riêng tư và không kém phần lãng mạn

 6. Có thể làm gì để giảm chi phí lễ cưới không?

Trung bình một lễ cưới (và cả tiệc cưới) sẽ tiêu tốn khoảng từ 70 đến 150 triệu đồng. Khoản phí trên còn tùy thuộc vào sính lễ, số lượng khách mời, địa điểm tổ chức v.v… Trong trường hợp bạn có ít hơn con số trung bình kể trên thì bạn vẫn có các phương án để cắt giảm chi phí như:

7. Có nên mời những người thân phản đối lễ cưới không?

Nếu bạn không thích họ thì đơn giản là đừng mời vì có thể họ sẽ khiến cho lễ cưới của bạn mất vui. Nếu họ tỏ ý muốn tham dự thì bạn cũng nên cảnh báo trước vì chắc chắn trong lễ cưới sẽ có những người bạn đồng tính khác đến chung vui. Điều này giúp họ chuẩn bị tinh thần để quyết định có nên tham dự hay không.

Trong trường hợp buổi lễ là lần đầu tiên họ biết đến bạn đời của bạn, đừng ngần ngại giới thiệu bạn ấy với họ. Có thể điều đó sẽ giúp họ cảm nhận được tình cảm của hai bạn.

8. Ai nên có mặt trong hôn lễ?

Đối với hôn lễ thì thông thường chỉ nên có sự xuất hiện của cha mẹ, gia đình hai bên, phù dâu hoặc phù rể và một số những người bạn thân nhất của hai bạn. Nếu hai bạn đặt sự riêng tư lên hàng đầu thì lễ cưới chỉ nên có mặt không quá 20 người. Còn tiệc cưới thì là một chuyện khác.

 Gia đình và bạn thân là những người không thể thiếu trong hôn lễ của bạn

9. Nên tổ chức tiệc đứng hay ngồi?

Theo thông lệ thì tiệc cưới ở Việt Nam đa số là tiệc ngồi bàn tại một nhà hàng nào đó. Tuy nhiên, nếu đám cưới của bạn giới hạn số lượng khách mời và bạn mong muốn một buổi tiệc thật sự đặc biệt thì tiệc đứng cũng không phải là một ý kiến tồi. Dĩ nhiên bạn cũng phải tính đến một số vấn đề khi tổ chức tiệc đứng, chẳng hạn như số lượng người lớn tuổi, trẻ em, ghế ngồi nghỉ, âm nhạc, thực đơn v.v…

10. Thực đơn ở bữa tiệc nên chuẩn bị ra sao?

Ở các nhà hàng hoặc nơi đặt tiệc thường có những gói thực đơn cho một buổi tiệc cưới với các mức giá đa dạng. Hãy đảm bảo rằng thức ăn bạn đặt sẽ vừa đủ hoặc chỉ dư một ít. Không nên đặt quá nhiều cũng như quá ít. Thực đơn trong bữa tiệc nên đa dạng các món từ khai vị, món chiên xào, đến món cơm, lẩu và cả tráng miệng. Trong trường hợp đó là tiệc đứng thì bạn nên chú ý rằng món ăn đó có phù hợp để các thực khách có thể cầm dĩa trên tay hay không.

11. Nên ở cùng với nhau hay ở riêng trước buổi lễ?

Theo truyền thống, các cặp sẽ phải ở riêng vào đêm trước để khoảnh khắc gặp nhau trong hôn lễ trở nên thiêng liêng. Hãy nghĩ đến cái cảm giác hồi hộp trước khi người bạn đời của mình bước ra. Một số cặp đôi còn sử dụng đêm trước lễ cưới để tổ chức buổi tiệc ‘độc thân cuối cùng’ với bạn bè.

12. Sáng hôm đó nên chuẩn bị những gì?

Trước ngày trọng đại ấy, bạn nên đảm bảo rằng mọi thứ đã sẵn sàng. Có thể nhờ một người bạn thân để kiểm soát mọi công việc giúp bạn hoặc nếu dư dả tài chính, bạn nên thuê các nhóm sự kiện (Wedding planner) hỗ trợ để mọi công tác chuẩn bị nằm trong vòng kiểm soát một cách chuyên nghiệp nhất.

Sáng hôm đó, bạn cần phải thức dậy với tâm trạng thật thoải mái, dùng bữa sáng cùng gia đình. Hãy nhớ dành cho bạn một khoảng thời gian đủ để chuẩn bị, đừng để mọi thứ trở nên gấp gáp trước giờ G nhé. 

Một thế giới