Sát thủ đầu mưng mủ - cuốn sách tai tiếng
Tháng 10/2011, giới trẻ Việt Nam chấn động với sự ra đời của một cuốn sách khá kỳ lạ. Ngay tiêu đề Sát thủ đầu mưng mủ của tác giả Thành Phong (NXB Mỹ Thuật và Nhã Nam phối hợp xuất bản) đã thu hút giới trẻ, bởi đây là một câu nói khá quen thuộc trên mạng, theo kiểu gieo vần nhiều khi "vô thưởng vô phạt", từ ngữ chẳng liên quan đến nghĩa như Hồn nhiên như cô tiên, chảnh như con cá cảnh, sát thủ trên cây đu đủ.... Không những thế, Sát thủ đầu mưng mủ đã minh họa rất hài hước những câu nói đó bằng hình ảnh vui, biếm họa dí dỏm.
Ngay lập tức, cuốn sách đã được giới trẻ đón nhận cuồng nhiệt. Thậm chí, mặc kệ sức lao động của tác giả, một số người đã scan và truyền đi cho nhau trên internet.
Tuy nhiên, việc bản quyền chỉ là sự vụ nhỏ, bởi chỉ sau một tuần, Sát thủ đầu mưng mủ đã bị đánh giá là cuốn sách "phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt", "đại tào lao"... để rồi không lâu sau đó thì bị thu hồi.
Thế nhưng, việc thu hồi cuốn sách không làm cho nó "mất tích" mà ngược lại, tại một số cửa hàng sách, Sát thủ đầu mưng mủ vẫn được bán với giá lên tới 80.000-90.000 đồng/cuốn (gấp đôi giá bìa trước đó, 43.000 đồng). Trong khi đó, cộng đồng mạng lại xuất hiện một loạt truyện tranh lên tiếng kêu gọi sự trở lại cho Sát thủ đầu mưng mủ.
Chưa dừng lại đó, có thể nói Sát thủ đầu mưng mủ là cuốn sách gây nhiều tai tiếng nhất trong "giới sách" năm 2011, khi có thông tin "không xuất bản ở Việt Nam thì sẽ xuất bản ở Mỹ".
Trả lời báo chí về thông tin này, ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc công ty Nhã Nam cho biết: "Từ khi lên ý tưởng chúng tôi đã ký hợp đồng với một nhà xuất bản Mỹ, tuy nhiên, Sát thủ đầu mưng mủ mới chỉ bán ở nước ngoài dưới dạng ebook trên trang Amazon, còn việc xuất bản ra nước ngoài thì phải có rất nhiều thủ tục hành chính nên chưa thể khẳng định là có hay không được".
Học sinh trường Ams và bức thư về tiền
Đầu tháng 11, không ít người đã rơi nước mắt khi đọc bức thư về tiền của cậu học trò lớp 11 chuyên Lý trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sức lao động, mẹ phải chạy thận hàng chục năm trời, Nguyễn Trung Hiếu thấm đẫm nỗi đau mang tên "đồng tiền".
Trong bài kiểm tra môn Ngữ văn, Trung Hiếu viết: "Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn".
Chỉ trong một đêm, bài văn của Hiếu đã ngập tràn các trang báo điện tử, mạng xã hội và các diễn đàn. Trong những ngày tiếp theo đó, nhà em lúc nào cũng đông người, giới phóng viên báo chí, truyền hình, người đến thăm hỏi, tặng quà...
Thế nhưng, điều bất ngờ đối với không ít người là, cậu học trò bé nhỏ, gầy gò không thích lên báo, không muốn cuộc sống của mình bị xáo trộn. Toàn bộ số tiền nhận được từ cộng đồng, Trung Hiếu đã gửi tặng hội chữ thập đỏ, em chỉ giữ lại một chiếc laptop.
Câu chuyện của Hiếu đã cho thấy, giữa một môi trường giáo dục với đa số học sinh giàu có, sung túc như trường Ams, vẫn có không ít số phận bất hạnh cần được sự hỗ trợ rất lớn về tinh thần và vật chất.
Mới đây, Hiếu đã nhận được thông tin có một suất học bổng tại Mỹ, hi vọng rằng, với sự hỗ trợ này, tương lai của em sẽ rộng mở hơn.
Bản rap Rắc rối và dư luận trái chiều
Cũng tháng 11/2011, giới trẻ được phen sốc với video clip Rắc rối của rapper nổi tiếng đất Sài thành - Karik. Lên án trào lưu người người làm ca sĩ, nhà nhà làm ca sĩ với đủ mọi chiêu trò để lăng xê tên tuổi, Karik đã sử dụng ngôn từ rất mạnh mẽ như: "Chủ đề thì cũ xì, ăn mặc thì như củ mì/Phong cách thì quá xàm xí, lyric lại quá nhảm nhí/Nào là chia ly, nào buồn thảm nhạc chỉ toàn rên rỉ/ Nói thiệt đầu tư vào mấy đứa đó chẳng khác gì nuôi thêm khỉ..."
Thậm chí chàng rapper này còn thẳng thắn đến thô tục như đoạn "bình loạn" trò lố của giới ca sĩ: Ai cũng ngông cuồng, bị chửi cũng không uổng/Nói trúng tim đen thì post bài sủa như bầy chó xổng chuồng", "Bác cầu thủ, nữ ca sĩ nói yêu nhau nhưng mà có đâu/Chỉ giỏi PR tên tuổi cho nhau như bầy chó sủa gâu gâu..."
Với ca từ táo bạo như vậy, dĩ nhiên bản rap này nhận được vô số sự phản hồi tiêu cực của cộng đồng. Báo chỉ cũng đổ xô vào chỉ trích Karik đã lợi dụng âm nhạc để miệt thị người khác, ví họ như các con vật một cách thô thiển.
Tiếp đến, tác phẩm của Karik đã nhanh chóng bị xếp vào danh sách các bài hát "thảm họa Vpop", sánh ngang các tác phẩm đình đám Da nâu, Nàng kiều lỡ bước, Nói dối...
Trước sự dèm pha, phản đối của dư luận, trong một bài phỏng vấn trên báo giấy, chàng trai trẻ khẳng định: "Gọi nhạc của tôi là thảm họa gì cũng được, nhưng đừng gọi là "thảm họa Vpop", vì đó không phải bản nhạc pop mà là nhạc rap".
Về phương diện này, không ít người đồng tình với Karik, bởi họ quan niệm, "âm nhạc là tự do", không nhất thiết phải "cưỡng chế" bản thân họ nghe các thể loại nhạc khác, bởi ở đó cũng có không ít "rác" còn kinh khủng hơn.
Chuyện thần đồng 11 tuổi xin học lớp 12
Tháng 8/2011, dư luận xôn xao về câu chuyện của người bố xin cho cô con gái 11 tuổi của mình được lên học lớp 12.
Đó là trường hợp của cô bé Phạm Thanh Ngọc, ở xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Bố của em Ngọc đã làm đơn gửi lên sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng để xin cho con gái được vào học ở trường THPT Nguyễn Viết Xuân. Trong lá đơn này, bố của em cũng cho biết Thanh Ngọc đã học đến chương trình lớp 12, muốn vào trường để được hợp thức hóa nguyện vọng đi thi Đường lên đỉnh Olympia.
Sự việc đã khiến nhiều người quan tâm, và có giáo viên đã đến tận nhà để “test” kiến thức của Thanh Ngọc, sau đó họ khẳng định rằng cô bé không phải là thần đồng, mà do bố mẹ "ảo tưởng".
Thế nhưng sau đó, lại có thông tin trường Quốc tế BVIS (TP.HCM) đã nhận Thanh Ngọc về học. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Tuyển sinh của ngôi trường này đã khẳng định: "Ngọc đã làm xuất sắc bài kiểm tra toán lớp 12 và nhà trường nhận cấp học bổng cho cô bé".
Sinh viên Ngoại thương và tuyên bố không nhận lương dưới 1.000 USD
Sự việc bắt đầu từ lời tuyên bố của một sinh viên thuộc cơ sở 2 ĐH Ngoại thương (TP.HCM), rằng "sinh viên Ngoại thương mà có năng lực thực sự thì lương dưới 1.000 đô không bao giờ làm. Học ngoại thương mà làm nhiêu đó thà học nông lâm!”.
Đây chỉ là một câu nói, bàn luận trên diễn đàn nhỏ, nhưng với số lượng đông đảo các mạng xã hội, diễn đàn, báo điện tử như hiện nay thì ngay lập tức đó trở thành một chủ đề hot. Hàng loạt bài báo về đề tài: Sinh viên Ngoại thương ra trường chỉ nhận mức lương trên 1000 USD với dấu chấm hỏi. Và ngay bên dưới là không ít lời "ném đá".
Trước hết là về mức lương, bởi không phải sinh viên ĐH Ngoại thương - một ngôi trường danh giá bậc nhất Việt Nam, sau khi tốt nghiệp đã ngay lập tức có mức lương như vậy. Tiếp theo là "động chạm" tới nghề nghiệp của các ngành khác - không thời thượng bằng, đó là nông lâm.
Sau hàng trăm bài báo và topic trên mạng, sinh viên lỡ đưa ra tuyên bố trên đã phải gửi lời xin lỗi về phát ngôn của mình.