TRẺ » Đời sống trẻ

Ai bảo "đi bước nữa" là không tốt?

Thứ bảy, 21/04/2012 08:14

Người ta vẫn cho Sinh là một người đàn ông mẫu mực, một người có tấm lòng nhân hậu và rất tốt bụng.

Người ta thường nói “đàn ông hám sắc, đàn bà hám tài” nhưng lạ thay, ở cái tuổi này rồi, khi mà mọi thứ đã đề huề, có bao nhiêu cô gái đẹp vây quanh, muốn làm vợ của Sinh, anh vẫn không màng. Có lẽ, bởi hình ảnh người vợ cũ vẫn nguyên vẹn trong tim anh, vẫn ám ảnh trí nhớ và cuộc sống của anh. Mỗi lần nhìn đứa con thơ bé bỏng, Sinh lại không giấu được những giọt nước mắt của gã đàn ông vốn cứng rắn và bản lĩnh.

Người ta vẫn cho Sinh là một người đàn ông mẫu mực, một người có tấm lòng nhân hậu và rất tốt bụng. Anh ân cần với mọi người dù là những người đã từng chơi xấu anh. Và có lẽ vì thế mà anh được lòng phái đẹp. Dù biết anh đã qua một đời vợ nhưng chẳng ai nghĩ xấu về anh, chẳng ai sợ bên anh, làm người thay thế vợ cũ, nuôi nấng con anh kể cả những cô gái xinh đẹp, chưa chồng.

Vì sợ con gái hám tài, vì cái gia tài, vì cái cơ ngơi anh hiện có mà sa vào lòng mình nên Sinh không dám lấy ai. Vả lại anh sợ con sẽ khổ, lo lắng con không đủ can đảm để sống chung với người mẹ kế, nên nhiều lần có ý định rồi anh lại quên ngay lập tức. Anh chỉ có duy nhất một người con của người vợ mà anh từng rất yêu thương nên anh không muốn, vì sự nông nổi của mình mà lại gieo họa cho con trai. Anh cũng chứng kiến nhiều cảnh trớ trêu trong xã hội, nhiều đứa con phải chịu đòn roi của mẹ kế  nên nghĩ đến đó mà anh rùng mình.

Nhưng đứa con trai bé bỏng không người chăm sóc. Ông bà nội ngoại hai bên đều già yếu cả, cũng không thể trông nom cháu cả ngày, lo cho cháu bữa ăn, giấc ngủ. Anh thì lao tâm khổ tướng vì công việc, cũng bởi lo lắng cho tương lai của con nên càng không có thời gian chăm sóc. Anh lại sợ cháu sẽ hư hỏng vì a dua theo bạn bè. Đành lòng, anh nghĩ nên chọn một cô vợ tốt thực tâm yêu thương bố con anh chứ không phải cái gia tài mà anh đang có.

Nhưng đứa con trai bé bỏng không người chăm sóc. Ông bà nội ngoại hai bên đều già yếu cả, cũng không thể trông nom cháu cả ngày, lo cho cháu bữa ăn, giấc ngủ. (ảnh minh họa)

Rồi Sinh chọn Hồng, người đàn bà góa kém nhan sắc trong phường. Ai cũng ngỡ ngàng trước quyết định của anh. Bao nhiêu cô gái theo anh, xinh đẹp có, giàu sang có nhưng anh không chọn, anh lại chọn đúng người đàn bà góa, có một cô con gái làm vợ. Người ngoài bàn ra tán vào, kẻ không có được anh thì bĩu môi khinh bỉ, cho rằng anh bị điên, bị có vấn đề.

Sinh cũng mặc kệ những lời rèm pha ấy bởi sau vài lần gặp nhau, anh thấy Hồng là một người phụ nữ dù quê mùa nhưng lại rất thật thà, chân chất. Vả lại cô cũng có hoàn cảnh giống anh, mang trong lòng nỗi đau mất chồng, có một cô con gái nên rất biết trân trọng tình cảm. Anh cũng hi vọng rằng, cuộc sống sau này sẽ thay đổi, hai đứa trẻ sẽ thân thiết nhau, coi nhau như anh em trong nhà.

Ngày đầu Hồng về nhà Sinh, không ai chấp thuận. Gánh nặng tinh thần lại một lần nữa đè lên vai người phụ nữ ấy. Đứa con trai của Sinh ghét mẹ kế và đứa em ra mặt bởi nó biết, người ta không thích mẹ nó. Nó không bao giờ gọi Hồng bằng mẹ dù cô hết lòng chăm sóc và yêu thương nó. Sinh tức giận, nhiều lần dọa nạt con nhưng nó lại ăn vạ khóc lóc làm anh thấy chạnh lòng.

Khó xử trước hai bên, Sinh thấy tinh thần bất ổn, không biết làm gì. Nhiều lần anh chán nản, bỏ bê công việc. Anh mong có một mái ấm gia đình, một người vợ sẻ chia nhưng từ khi lấy vợ về, anh lại càng đau đầu hơn. Không phải lỗi do Hồng, anh biết, tất cả là tại cái quan niệm giáo điều, lý lẽ dở hơi của xã hội về dì ghẻ, con chồng.  Người ta vẫn không thoát được cái tư tưởng ấy. Tại sao người dưng còn có thể thương nhau mà một người mẹ kế lại không thể thương lấy con của người mà mình yêu thương?

Sinh thay đổi tính nết, anh trở nên cáu gắt với mọi người. Nếu ai nói động đến vợ con anh, anh lập tức mắng thẳng vào mặt. Nhưng Sinh lại rất yêu thương đứa trẻ, con của Hồng. Anh ân cần, chăm sóc nó như con của mình. Chính vì vậy mà Hồng càng ngày càng thấy cảm anh hơn. Cô tìm mọi cách báo đáp anh, coi như một sự trả ơn anh đã nâng đỡ tâm hồn mình lúc cô quạnh nhất.

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Hai người sống có trách nhiệm với gia đình, con cái và với nhau hơn. Sau hơn hai năm sống chùng cùng nhau, Sinh và Hồng đã hiểu được tấm lòng của nhau và vượt qua dư luận. Còn riêng con của Sinh, cũng chính vì sự gần gũi, thân thiện của đứa em con mẹ kế mà cháu biết cảm thông, gần gũi và ngày càng quý mến mẹ. Lần đầu tiên đứa con trai ấy gọi Hồng là mẹ là khi nó bị bạn bè bắt nạt, đánh ở trên lớp học. Nó chạy về nhà khóc òa và gọi mẹ thảm thiết, ngả vào vòng tay mẹ. Sau giây phút ấy Hồng hạnh phúc vô cùng, cô hiểu, trong lòng nó đã coi cô là mẹ, là điểm tựa của cuộc đời.

Một gia đình có hai vợ chồng và hai đứa con không cùng máu mủ nhưng chúng thương yêu nhau hết mực. Đó là cái kết có hậu của mọi sự cố gắng vun đắp hạnh phúc. Nhìn vào gia đình Sinh và Hồng, ai dám nói dì ghẻ không thương con chồng?!

Eva