Tâm Nghi sinh năm 2000, tại một ngôi làng nhỏ của huyện Tảo Cường, Hà Bắc, Trung Quốc. Trong nhà có 2 mẫu ruộng, dưới cô có 2 người em trai. Mẹ Vương Tâm Nghi mắc bệnh nan y, quanh năm phải sống dựa vào thuốc. Ông nội cô bị cao huyết áp và hen suyễn, không thể tự chăm sóc bản thân.
Nư sinh Vương Tâm Nghi từng gây xúc động sau bài phát biểu "Cảm ơn sự nghèo khó".
Với Tâm Nghi, giàu không có nghĩa là tâm hồn cao thượng và nghèo không đồng nghĩa với thấp hèn. Không phải ai giàu cũng đều may mắn và không phải người nghèo nào cũng xấu xa. Cô từng khiến nhiều người xúc động sau bài phát biểu "Cảm ơn sự nghèo khó" trong lễ khai giảng tại Đại học Bắc Kinh vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nữ sinh cho biết, lần đầu cảm nhận được sự cùng cực của cái nghèo khi bà nội ốm thập tử nhất sinh:
"Cuộc đời bà vất vả không một ngày nhàn rỗi. Trên giường bệnh, bà vẫn nghĩ đến việc chăn nuôi và làm ruộng. Sự ra đi của bà nội - người chăm chỉ làm việc cả đời, khiến tôi nhận ra nghèo khó rất đáng sợ. Tiền bạc không cứu được bà, nhưng chính cái nghèo đã đẩy gia đình tôi vào hố sâu tuyệt vọng.
Tôi nhớ như in giọt nước mắt lặng lẽ và bất lực của mẹ thời điểm đó. Lúc này, tôi mới hiểu: Tiền có thể giúp con người đảm bảo cuộc sống, cho phép chúng ta giữ lại tính mạng của người thân hay những món đồ mình trân trọng…"
Cả gia đình Tâm Nghi trông chờ vào thu nhập ít ỏi của bố. Không đủ ăn, nên nữ sinh thường mặc lại quần áo cũ được hàng xóm cho. Chị em Tâm Nghi hiểu chuyện, nên không đòi hỏi bố mẹ mua quần áo hay giày dép mới. Tuy nhiên, không thể tránh việc bị bạn bè trêu chọc quê mùa: "Tôi từng khóc vì bị trêu, lúc đó mẹ nói: 'Không nên quan tâm đến lời của bạn, chỉ cần con sống tốt'. Suy cho cùng, tôi sống cuộc đời của mình, không phải sống cho người khác".
Nhà nghèo, nên chỉ có một chiếc xe đạp, suốt nhiều năm, Tâm Nghi ngồi sau, em trai ngồi trên thanh ngang phía trước được mẹ đưa đi học. Dù mưa hay nắng chưa bao giờ mẹ đưa đón chị em Tâm Nghi muộn.
Nữ sinh nhớ có lần tuyết rơi dày cả mét, bất chấp gió rét, mẹ vẫn đi đón 2 chị em đúng giờ. Trên đường đi, để giúp mẹ quên đi mệt mỏi, Tâm Nghi vừa nghịch tuyết vừa kể cho mẹ hôm nay học được gì. "Lúc đó, tôi nhận ra hạnh phúc đơn giản là bỏ qua những điều không hoàn hảo và luôn lạc quan đón nhận mọi thứ tích cực", nữ sinh nói.
Tâm Nghi cho hay, nghèo đói mang lại nhiều điều hơn là mất: "Đôi khi động vào lòng tự trọng hay gián tiếp cướp đi mạng sống của người thân, nhưng tôi vẫn muốn cảm ơn sự nghèo khó. Nhờ đó, tôi nhận ra hạnh phúc và sự hài lòng chân chính. Tuổi thơ tôi có thể không xem hoạt hình, nhưng tôi đã cùng mẹ bắt sâu, cho gà ăn và đợi hôm sau nó đẻ trứng. Thế giới của tôi không có búp bê Barbie, nhưng tôi có trải nghiệm trên những ruộng lúa được thoải mái nghịch nước hay trèo lên cây hái dâu.
Nghèo khó giúp tuổi thơ của tôi luôn gần gũi với thiên nhiên và cảm nhận được sự kỳ diệu của nó. Sinh ra ở vùng quê hẻo lánh, đất đá cằn cỗi, nên tôi hiểu rõ cuộc sống nơi đây.
Nghèo khó giúp tôi tin vào sức mạnh giáo dục và tri thức. Tôi luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Mẹ từng nói, đây là con đường duy nhất dẫn tôi đến thế giới rộng lớn. Từ đó, tôi luôn tin tri thức thay đổi vận mệnh" .
Được mẹ dạy học từ nhỏ, 1 tuổi, Tâm Nghi thuộc lòng nhiều bài thơ Đường. "Mẹ cho tôi đi học trước 1 năm vì muốn tôi thoát khỏi sự ngu muội sớm. Cuối cùng, ánh sáng chân lý và trí tuệ đã soi sáng cuộc đời tôi. Dẫu nghèo đói có thể làm lung lay ý chí, nhưng nó giúp tôi tin vào sức mạnh tri thức một cách bền bỉ ", Tâm Nghi xúc động chia sẻ.
Nghèo khó giúp nữ sinh hình thành lòng dũng cảm để không cúi đầu trước giông bão cuộc đời: "Khi gieo trồng người nông dân luôn giẫm nhiều lần để vùi sâu hạt giống vào đất. Lần đầu gieo hạt, tôi tự hỏi giẫm mạnh như vậy làm sao cây có thể mọc.
Nhưng mẹ tôi nói, đất tơi xốp cây con không lên, đất cứng cây mới mọc. Lớn lên nhớ lại, tôi nhận ra bản thân cũng vậy. Tuổi thơ của tôi, gặp không ít biến cố nhưng đây là lúc tôi học được cách trưởng thành ".
Những đứa trẻ nhà nghèo đều trưởng thành từ rất sớm, Vương Tâm Nghi không phải ngoại lệ. Ở nhà, cô luôn phụ giúp mẹ mọi việc, từ cắt cỏ, cho lợn ăn, cho gà ăn, gặt lúa, chăn dê cho đến chăm sóc em trai… Dù đôi vai gầy còn nhỏ xíu đã phải gánh vác gánh nặng cuộc đời nhưng Vương Tâm Nghi lúc nào cũng lạc quan và đối mặt với mọi thứ bằng nụ cười trên môi.
Tuy nhiên, ông trời không hề động lòng trước hoàn cảnh gian nan của gia đình nghèo khó này. Năm Vương Tâm Nghi lên 8 tuổi, đến lượt bà của cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Gia đình chạy vạy ngược xuôi mới đủ tiền chữa bệnh cho bà, nhưng vì bệnh quá nặng, bà của Vương Tâm Nghi đã qua đời trên giường bệnh.
Gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mẹ lén khóc thầm mỗi đêm, ông ốm đau bệnh tật, cha quanh năm đi làm xa nhà, Vương Tâm Nghi vẫn tự nhủ lòng phải mạnh mẽ lên. Lúc này cô mới biết rằng cái nghèo thực sự khủng khiếp, nó sẽ cướp đi những người thân yêu nhất của mình.
Dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, cha mẹ Vương Tâm Nghi vẫn kiên quyết cho cô và em trai đi học. Cha mẹ hy vọng cô có thể thay đổi vận mệnh của mình nhờ tri thức và bước ra khỏi vùng quê tù túng này, thoát cảnh nghèo đói, có một tương lai tốt đẹp.
Cha đi làm ở xa, thu nhập ít ỏi muốn nuôi năm miệng ăn, mọi thứ đâu dễ dàng đến thế? Để duy trì cuộc sống cơ bản nhất, mẹ Vương Tâm Nghi chỉ có thể thắt chặt chi tiêu ở mức tối đa. Không có tiền mua thịt cá, bữa ăn của Vương Tâm Nghi và các em thường chỉ là bắp cải luộc và bánh bao. Từ nhỏ đến lớn, số lần được ăn thịt của nữ sinh chỉ tính trên đầu ngón tay.
Mặc dù vậy, Vương Tâm Nghi và các em chưa bao giờ thấy thiệt thòi. Khi những đứa trẻ đồng trang lứa tha hồ nũng nịu trong vòng tay cha mẹ, Vương Tâm Nghi đã học được cách tự lập và bình tĩnh đối mặt với cuộc sống.
Bằng cách này, Vương Tâm Nghi vừa chăm sóc em trai vừa làm việc nhà. Nghèo đói và đau khổ không ảnh hưởng đến Vương Tâm Nghi - một nữ sinh luôn có thái độ tích cực được nhận vào trường Trung học Tảo cường với vị trí thủ khoa huyện. Để tiết kiệm chi phí ăn ở, ngày nào Vương Tâm Nghi cũng đạp xe đi đi về về mấy chục cây số. Bất kể nắng mưa gió tuyết, cô kiên trì như vậy suốt 3 năm cấp 3.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2018, Vương Tâm Nghi đã xuất sắc đạt số điểm 707, trong đó có môn Toán đạt điểm tuyệt đối, điều này giúp cô trở thành thủ khoa của tỉnh Hà Bắc năm đó.
Sau khi điểm số được công bố, cả Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đều liên hệ với Vương Tâm Nghi. Cuối cùng, Vương Tâm Nghi quyết định chọn khoa tiếng Trung của Đại học Bắc Kinh. Khi phóng viên đến phỏng vấn Vương Tâm Nghi đã không kìm được nước mắt. Gia đình Vương Tâm Nghi thực sự rất khó khăn, trong nhà không có món đồ nào đắt giá, không có cả bếp, chỉ có một chiếc bếp lò đơn sơ đặt ngoài sân để nấu nướng. Vật trang trí đáng giá duy nhất trong nhà có là những tấm bằng khen dán đầy trên tường.
Với thành tích xuất sắc, Vương Tâm Nghi sau đó đã được vinh danh là Ngôi sao thanh thiếu niên vượt khó của tỉnh Hà Bắc, đồng thời cũng lọt top 10 nhân vật tin tức của năm. Tại lễ khai giảng dành cho tân sinh viên Bắc Đại, bài viết "Cảm ơn vì sự nghèo khó" khiến vô số người rơi nước mắt của cô đã gây bão khắp chốn mạng xã hội.
Hành trình và đích đến của mỗi người sẽ khác nhau, có người đi thẳng đến bờ bên kia, có người phải quanh co vất vả mới tiến được về phía trước. Đừng quan tâm đến gia cảnh, chỉ cần mọi người có ước mơ, nỗ lực hết mình, khi đó sẽ đạt được điều bản thân mong muốn. Vì muốn trở thành chú cá chép vượt vũ môn thành công nên trong thời gian đi học, Vương Tâm Nghi luôn duy trì thành tích học tập tốt, ổn định ở top 3 của khối. Cuộc sống khó khăn cũng không ngăn được những bông hoa đẹp và bền bỉ nở rộ.