Hôn nhân bế tắc
Là những người thuộc thế hệ 8X, Hằng và Lâm (Gia Lâm – Hà Nội) có công việc ổn định, cuộc sống vật chất dư thừa, mối quan hệ xã hội rộng... Những tưởng tất cả điều đó sẽ khiến tình cảm vợ chồng giữa họ vì thế có thêm điều kiện được vun đắp và ngày càng mặn nồng. Tuy nhiên không ai ngờ rằng, bên trong ngôi nhà to đẹp, lộng lẫy nhất khu phố ấy là sự lạnh lùng, hờ hững. Hàng ngày, hai vợ chồng Hằng, Lâm chung giường chiếu, ngồi cùng mâm cơm nhưng không một cử chỉ âu yếm, vuốt ve, không ai nói với ai một lời nào. Cuộc hôn nhân của họ đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Thông thường, hoa thơm thì có nhiều ong, bướm vây quanh. Vì thế, cũng giống như các cô gái có chút nhan sắc khác, thời con gái, Hằng được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Yêu sớm, rồi quyết định “theo chàng về rinh” cũng sớm ngay sau khi vừa tốt nghiệp thời phổ thông. Bước vào năm thứ nhất đại học, Hằng tới trường với chiếc bụng bầu to lùm xùm “giấu” sau tấm áo rộng thùng thình. Lâm – chồng Hằng cũng trẻ măng, vì hai vợ chồng cùng một tuổi. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, họ lấy nhau vì cảm thấy... thích, chứ không phải vì yêu. Thế nên, trước khi cưới họ “dính nhau” bao nhiêu thì sau khi cưới, họ lạnh lùng với nhau chẳng khác gì mặt trăng, mặt trời.
Phương (Thanh Xuân – Hà Nội) hiện tại đang “bỏ nhà về ngoại ở cho sướng thân” cũng là một trường hợp phải lĩnh hậu quả chua chát vì đã quyết tâm cưới gấp do thích “người ta”. Hai vợ chồng Phương vốn học cùng lớp phổ thông với nhau. Tuổi học trò bồng bột, cả hai nhầm tưởng thứ tình cảm non nớt đó là tình yêu, lại gặp phải sự phản đối quyết liệt của hai bên gia đình nên vừa thoát ghế trường trung học là Phương và Tuấn (chồng Phương) “quyết cưới bằng được để cả nhà trắng mắt”. Cưới xong, không công ăn việc làm, Tuấn vẫn “ăn bám” hoàn toàn vào cha mẹ. Do gia đình bên ngoại có điều kiện nên mỗi tháng Phương tranh thủ về thăm nhà nhưng chủ yếu là để lấy khoản tiền trợ cấp vài triệu đồng từ bố mẹ đẻ để chi tiêu.
Tưởng “có được uy” vì dù sao cũng không “dựa hơi” bố mẹ chồng để sống, lại hết mình cung phụng, chiều chồng, thế nhưng cưới nhau chưa đầy nửa năm, ngoài việc bố mẹ chồng buông lời “mát mẻ”, chồng Phương cũng bắt đầu tỏ thái độ phớt lờ vợ. Phụ thuộc vào bố mẹ, không muốn khoản tiền trợ cấp bị cắt, nên mỗi lần bố mẹ mình lên tiếng mắng chửi Phương, Tuấn không những không bênh vực mà còn vào hùa “dạy cho nó một bài học”. Mâu thuẫn dồn mâu thuẫn, Phương tức chí, bỏ mặc chồng, dọn về nhà ngoại ở để: “Gã ăn bám đó thích làm gì thì làm”. Nhìn Phương giữa cái nắng hè chang chang, oi bức bụng bầu vượt mặt có mỗi một thân một mình, chồng không ngó ngàng để ý, bố mẹ Phương chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
Hay như Quỳnh (Tân Mai – Hà Nội), vốn lấy chồng khi còn chưa đủ mười tám tuổi, tính khí vẫn còn trẻ con, vừa bị mẹ chồng “dạy bảo” cô đã đùng đùng ôm con, tuyên bố bỏ chồng. Vừa được bố chồng xin cho công việc hành chính nhẹ nhàng, Quỳnh cũng bỏ việc luôn sẵng giọng: “Từ giờ không dính dáng gì đến cái nhà ‘thằng’ ấy”. Quỳnh vẫn quen với kiểu, mỗi lần có điều gì không hài lòng là oang oang miệng gọi chồng bằng “thằng”. Chán cảnh trẻ con khó chiều, chồng Quỳnh cũng bất cần, bỏ mặc vợ và con luôn. Thỉnh thoảng, nhớ con, chồng Quỳnh gọi điện, được câu trước câu sau là hai vợ chồng cãi nhau gọi mày, xưng tao loạn xạ. Cuộc hôn nhân vì thế mà bế tắc, chẳng biết bao giờ mới có lối thoát.
Bi kịch không thể vớt vát
Ngày nay, ở các thành phố lớn, có rất nhiều cặp vợ chồng bước vào cuộc sống hôn nhân chỉ vì “thích cưới” hoặc do... “bác sỹ bảo cưới”. Bởi vậy, dù đã mang tiếng trưởng thành vì có đám cưới nhưng sự non nớt, thiếu kinh nghiệm, hời hợt trong quan điểm sống, đặc biệt là bản tính “cả thèm chóng chán” không thể khiến cho những cặp vợ chồng “cưới vì thích” đó luôn nặng nề và gặp trắc trở.
Vợ chồng Chiến và Vy (Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ. Lấy nhau sau vài buổi “cưa cẩm”. Cưới nhau xong, được hai bên bố mẹ tạo điều kiện để phát triển kinh tế, thế nhưng tiền vừa vào tay, Chiến gom toàn bộ mang đi cá độ bóng đá và kết quả là thua không còn đồng nào. Không những thế, Chiến còn để lại một khoản nợ kếch xù của giới vay nặng lãi. Không ngày nào, Vy không phải chứng kiến những tay “anh chị”, mặt hầm hổ tới nhà đòi nợ. “Muối mặt” năn nỉ bố mẹ cứu giúp, trả nợ xong, những mong chồng tu chí thì Chiến vẫn chứng nào tật ấy. Ngày nào cũng vậy, hàng xóm không chứng kiến cảnh vợ chồng Chiến, Vy đập phá đồ thì cũng đánh chửi nhau ầm ĩ.
Cũng trong tình trạng bi đát như vợ chồng Chiến, Vy; Tùng và Chi cho đến ngày đưa nhau ra tòa vẫn không ngớt dành cho nhau những lời chì chiết, cay nghiệt. Ở cái tuổi chỉ lo ăn, lo chơi thì Chi đã phải làm vợ, làm dâu, làm mẹ, trong khi Tùng không mảy may chăm lo cho gia đình. Điều đó khiến cho cuộc sống của cả hai đầy khó khăn, Vy lúc nào cũng vất vả. Vy, chia sẻ: “Mình hối hận vì mình đã kết hôn quá vội vàng, thiếu suy nghĩ. Nếu thời gian quay trở lại, mình sẽ không lập gia đình sớm, chắc chắn lúc đó sẽ có một tương lai khác, cuộc sống của mình chắc chắn sẽ không khổ như bây giờ. Giờ đây nhìn thấy chồng là mình như... phát điên”.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc các cặp vợ chồng kết hôn theo kiểu “tùy hứng” thường gặp ở những người còn quá trẻ. Do không hiểu hết ý nghĩa về cuộc sống hôn nhân mà các cặp đôi này thường xảy ra những mâu thuẫn, cãi vã... và có thể dẫn tới bạo hành, ly hôn. Để hạn chế tình trạng này, các cặp đôi cần phải xác định rõ mục tiêu tìm kiếm người bạn đời của mình cũng như tìm hiểu về cuộc sống chung giữa hai người, sống chung với gia đình nhà chồng và các vấn đề liên quan đến đời sống vợ chồng như tình dục, nuôi dạy con, học cách làm kinh tế, giữ gìn sức khỏe và ứng xử khi sự cố xảy ra...