1. Chuẩn bị đối mặt với sự phản đối
Hầu hết những đứa con riêng của chồng đều không vui vẻ khi bắt buộc phải chung sống với một “người lạ” là bạn. Kể cả khi trước đó, chúng đã từng quí mến bạn khi bạn và bố chúng đang tìm hiểu nhau. Bọn trẻ tỏ ra thờ ơ, xa lánh, thậm chí căm ghét bạn vì cho rằng không chỉ “cướp” chồng của mẹ, bạn còn tranh dành tình yêu thương, sự quan tâm của bố chúng, điều mà lẽ ra chỉ có chúng mới được “thụ hưởng”.
Từ đó bắt đầu một cuộc chiến khi công khai dữ dội, lúc âm thầm lặng lẽ của bọn trẻ chống lại “kẻ thù” mẹ kế. Biện pháp thông thường của nhiều đứa con riêng của chồng là coi bà mẹ thứ hai này không tồn tại: Không thèm nhìn mặt “bà ta”. Khi bạn gọi, chúng không thèm trả lời. Nếu có phòng riêng, trẻ sẽ suốt ngày “cố thủ” trong đó hoặc đi lang thang ngoài đường đến tối mịt mới về nhà. Tiếp đó, bọn trẻ “tấn công” bằng cách làm cho “người lạ” bực bội như đến bữa, khi mẹ kế gắp thức ăn vào bát, trẻ thẳng tay hất xuống đất. Khi bạn dặn dò hay sai bảo việc gì, trẻ làm như không nghe hoặc tìm cách lảng tránh. Không ít đứa trẻ trợn mắt nhìn bà mẹ kế, cong cớn: “Bà là gì trong nhà này mà sai bảo tôi?”.
2. Không kể tội, kêu ca với chồng
Nhiều bà mẹ kế đã không thể giữ bình tĩnh trước các “đòn tấn công” của đứa con riêng. Thế là họ dồn tất cả sự tức giận và nỗi bức xúc vào các câu chuyện với chồng. Họ quên rằng, với các ông bố, đứa con là máu thịt, là cục cưng. Đó là chưa kể, đi làm về mệt mỏi, thay vì nhận được sự an ủi, cảm thông, người chồng lại phải nghe những lời kể lể, chì chiết, than phiền của vợ về đứa con riêng. Lúc đó có thể sẽ xảy ra hai trường hợp: Bênh con, ông bố trách vợ ích kỹ, không thương con chồng, không biết cách dạy dỗ con …Bạn sẽ thất vọng, chán nản, thấy thật sai lầm khi lấy chồng có con riêng. Ngược lại, nếu ông bố, trong cơn tức giận, quay sang mắng mỏ hay “đét đít” con cái, hậu quả sẽ nặng nề hơn: Bọn trẻ sẽ càng căm ghét mẹ kế để rồi sự đối đầu và thù địch tăng thêm. Có không ít trường hợp, trẻ phản kháng bằng cách bỏ nhà ra đi, với những hiểm họa khôn lường rình rập.
3. Đừng cố bắt chước “người cũ”
Sai lầm những người vợ kế hay gặp là họ tìm hiểu các thói quen và sở thích của người vợ trước rồi bắt chước. Họ nghĩ rằng, làm như vậy sẽ lấy lòng đứa con riêng. Song, thực tế cho thấy, điều đó chỉ làm đứa trẻ thêm khó chịu và xa lánh bạn hơn. Hãy luôn sống bằng chính con người bạn chứ đừng cố gắng làm “phiên bản” của người khác.
4. Đừng bắt con trẻ tuân theo những “điều luật” mới
Trước khi có bạn, bọn trẻ sống “tự do thoải mái”, thậm chí cẩu thả và luộm thuộm vì thiếu bàn tay mẹ. Đi học về, chúng quăng cặp sách, giày dép, quần áo... Bạn đừng vội bắt trẻ phải sắp xếp mọi thứ ngay ngắn ngay lập tức mà chỉ nên cùng nó nhặt nhạnh các thứ để vào đúng vị trí với lời khuyên bảo nhỏ nhẹ: “Nếu ta sắp xếp gọn gàng thì sau đó sẽ không mất thời gian tìm kiếm”. Thay đổi một thói quen là điều không dễ. Vì vậy, phải hết sức kiên nhẫn và bình tĩnh mới hi vọng đưa đứa con riêng của chồng vào nề nếp. Đừng bao giờ nôn nóng “uốn nắn” con trẻ theo ý mình ngay những ngày đầu. Điều đó sẽ khiến bạn trở thành “mụ dì ghẻ độc đoán” trong mắt chúng.
5. Quan tâm, chăm sóc và thương yêu một cách chân thành
Không nên “gồng mình” hay giả vờ yêu đứa con riêng của chồng vì chúng rất nhạy cảm. Khi nhận ra sự thật, chúng càng xa lánh bạn. Để làm một bà mẹ kế “được chấp nhận” (chứ chưa nói là tốt), điều quan trọng cần làm là hãy bao dung và nhẫn nhịn.
Bạn hãy thật nhẹ nhàng, khéo léo tìm hiểu tâm tính, sở thích, ưu khuyết điểm… của trẻ để có cách “thuần phục” thích hợp. Đừng bao giờ nghĩ đến việc “ đối phó”, “cho biết tay”, “cứ liệu đấy”… Hãy tìm cách gần gũi trẻ, tỏ rõ thiện cảm để chúng hiểu bạn hơn. Với sự cảm thông sâu sắc và tình cảm chân thành, chắc chắc bạn sẽ dần có được chỗ đứng trong trái tim đứa con riêng của chồng.