Thực tế, đồng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của bạn và bạn có thể học tập được nhiều điều từ họ. Vì vây tốt nhất là bạn nên tranh thủ có được sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ từ đồng nghiệp.
Những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn có được điều đó bằng cách thiết lập mối quan hệ giao tiếp cởi mở đối với đồng nghiệp:
- Thái độ tích cực
Thái độ tích cực, lạc quan của bạn khi gặp khó khăn trong công việc luôn có ý nghĩa rất lớn đối với các đồng nghiệp. Khi có vấn đề, thay vì phàn nàn, vò đầu bứt tai, bạn nên dành thời gian để tập hợp mọi người tìm ra giải pháp tối ưu.
- Không che đậy sai lầm
Nếu bạn không đủ năng lực để khắc phục một sai lầm hay giải quyết một vướng mắc nào đó, tốt nhất là nên nói thật cho người quản lí và đồng nghiệp biết càng sớm càng tốt. Nếu cần, bạn hãy chủ động nhờ họ giúp đỡ chứ không phải che đậy sai lầm. Không ai là không bao giờ mắc sai lầm trong cuộc đời nên bạn đừng quá ám ảnh bởi những sai lầm ấy mà hãy nhanh chóng nhận lỗi và tìm cách khắc phục sớm.
- Thể hiện sự tôn trọng
Mỗi người có một hoàn cảnh, cá tính riêng. Có những thứ nếu chỉ nhìn một cách thiển cận thì bạn sẽ không hiểu được bản chất. Đối với đồng nghiệp, hãy nhìn nhận ý kiến, quan điểm từ góc độ bản thân họ. Bất cứ ý kiến nào của đồng nghiệp cũng đáng tôn trọng bởi điều đó đúc kết từ kinh nghiệm sống của chính họ, vì thế, bạn hãy biết cách tôn trọng đồng nghiệp cũng như ý kiến họ đưa ra.
- Kiềm chế cảm xúc
Nổi nóng không bao giờ giải quyết được vấn đề một cách ổn thỏa. Trước những khó khăn, bạn nên biết kiềm chế xảm xúc, kiểm soát bản thân thật tốt để bình tĩnh tìm ra hướng đi, giải pháp phù hợp. Sự nóng giận, thiếu kiềm chế sẽ khiến mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp thêm căng thẳng mà thôi.
- Có tinh thần học hỏi
Mỗi người đều có sở trường, kinh nghiệm và năng lực riêng. Vì thế, bạn nên tận dụng cơ hội của mình để học những điểm tốt của các dồng nghiệp. Đừng để ý đến chức vụ của mình mà đặt mình lên vị trí cao hơn người khác, hãy biết cách lắng nghe và chắt lọc những điều hay kể cả là từ nhân viên của bạn.