Các cụ nói không sai “gái một con trông mòn con mắt”, chị quả là người như vậy. Không những thế, từ thuở thanh niên, chị còn mệnh danh là một “mĩ nữ” của làng. Thế nhưng, giấc mơ lấy chồng đại gia không thành, chị đành lấy một anh thôn dã quê mùa, cùng làng với chị. Nhà anh ta cũng không có của cải nhiều nhưng so với bà con lối xóm thì có lẽ đã là hơn cả.
Tôi quen chị qua người chị họ. Chị vốn là bạn học cùng chị họ tôi từ hồi cấp 3. Chị tôi may mắn lấy được người chồng giàu có, rồi lên Hà Nội lập nghiệp. Bây giờ chị đã có nhà cửa đàng hoàng, có cả cơ ngơi giàu có do chồng chị làm ra. Anh chồng chị là một người chịu thương, chịu khó, tốt bụng và rất hiền hậu. Thấy hoàn cảnh gia đình chị Liên khó khăn, chị tôi liền có nhã ý cho chị ấy lên Hà Nội học qua ngành kế toán để về quê xin việc cho dễ.
Tấm bằng trung cấp chỉ học một thời gian ngắn là có thể có được. Chị Liên quyết định lên Hà Nội, thuê nhà trọ và bắt đầu đi học. Xinh đẹp và khéo ăn nói, chị đã thu hút được rất nhiều người mặc dù chị đã có chồng, con. Dường như trong lớp không ai biết nhiều về chuyện riêng tư của chị. Thầy giáo dạy toán cao cấp không biết tự khi nào, đã chết mê, chết mệt cái vẻ đẹp của chị Liên.
Mang tiếng là Tiến sĩ toán học, thế nhưng ông cũng không thể nào có đủ tỉnh táo để thoát khỏi lưới tình mà chị đã giăng ra. Ngay lập tức “con mồi” bị sa lưới bởi nghĩ mình đã túm gọn được một cô gái trẻ, xinh đẹp.
Chị Liên dần dần moi mót được những mặt hàng vật chất có giá trị từ ông Tiến sĩ. Tiền học đều do một tay ông ta trang trải. Liên đòi hết món quà này, món quà nọ nhưng ông đều đáp ứng bởi bề ngoài chị rất khéo ăn nói và câu kéo người khác. Chỉ cần không cho là chị nũng nịu, đòi chia tay thế là những gã có tiền lại không tiếc.
Số tiền ấy tích lũy dần cũng được những khoản lớn. Nhiều lần mang nhẫn vàng, dây chuyền vàng đi bán nhưng chị Liên đều nói dối rằng mình đã đánh rơi hoặc là bị giật mất. Những gã nhẹ dạ cả tin lại sẵn sàng đổi cho nàng những sợi dây còn đắt giá hơn. Liên mang tiền về đưa cho chồng để nuôi con. Chồng chị cũng không mảy may quan tâm đến điều đó bởi bây giờ đã đang nợ nần, túng thiếu lại cảnh nuôi con nhỏ, không thể đi làm nên có tiền là điều tốt lắm rồi. Anh cũng vẫn tin rằng chị có công ăn việc làm ổn định trên Hà Nội và kiếm được nhiều tiền vì có chị tôi làm hậu thuẫn. Nhưng thật lòng mà nói có lẽ chị tôi cũng không hề biết rằng, số tiền ấy chị Liên do đâu mà có. Rồi chị tôi cũng ngấm ngầm đi theo dõi chị Liên và phát hiện ra các mối quan hệ bất chính của chị. Chị tôi đã nhiều lần khuyên bảo nhưng chị Liên không nghe vì giờ đây chị đã lún sâu vào những mối quan hệ “bẩn thỉu” ấy và chị cũng đã sống quen trong cảnh sa hoa rồi. Chị tôi thật sự cảm thấy có lỗi khi đã đưa chị Liên lên đất Hà Nội. Không chỉ có ông Tiến sĩ, chị Liên dần dần có nhiều mối quan hệ “ngoài luồng”. Cũng không hiểu vì sao chị lại làm thân được với những người đó nhưng có lẽ rằng, chị đã phải lấn rất sâu vào các mối quan hệ đi ngược lại đạo lý làm người. Bỏ người này sẽ có người khác “cưu mang “ chị. Chị đã có chồng nên cách chiều đàn ông với chị lại là một điều không khó. Chồng và con chị vẫn sống bằng những đồng tiền “nhơ bẩn” do chị kiếm ra. Chị chưa một lần có ý định rút lui khỏi “cuộc chơi” bởi hơn ai hết, chị là kẻ đang rất “khát tiền”. Tôi tự hỏi, không hiểu tại sao đồng tiền lại có sức hút ghê gớm đến vậy? Nó đã đẩy không biết bao nhiêu con người vào tội lỗi, đẩy không biết bao nhiêu con người vào những thói xấu, làm lu mờ giá trị đạo đức và nhân cách của con người. Nếu ai cũng như chị Liên, cũng chỉ vì hám lợi, thấy tiền đưa ra trước mắt mà ngã vào lòng bất kì gã đàn ông nào thì thử hỏi những người là địa vị của chồng và con chị sẽ nghĩ ra sao? Phải chăng họ là nạn nhân của chính những trò lừa lọc và họ đang sống trên những đồng tiền nhơ bẩn ấy mà không hề hay biết. Đồng tiền đã khiến con người sai lầm nhưng cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho điều đó. Bởi điều quan trọng để đánh giá mỗi con người chính là nhân cách của họ. Nếu những người có nhân cách tốt, giữ vững được lập trường của mình thì có lẽ những đồng tiền kia đối với họ cũng là vô nghĩa.