Vợ tôi vốn dĩ là một tiểu thư cành vàng lá ngọc, rất cao ngạo trong tình yêu. Cô chưa từng thể hiện một cử chỉ tùy tiện, phóng khoáng nào khi ở bên tôi suốt quãng thời gian hai đứa tìm hiểu. Tôi thích tính cách ấy của nàng, rất đường hoàng, chân thực, lại luôn chu đáo trong tất thảy mọi việc. Không chỉ tôi, mà ngay cả bố mẹ cũng phải gật đầu cái rụp, công nhận Lệ là mẫu hình lý tưởng của dâu hiền vợ thảo trong gia đình. Nếu được chung sống trọn đời với một cô gái tuyệt vời như vậy, quả là niềm hạnh phúc với nhiều đấng mày râu. Chả vậy mà rất nhiều chàng trai đã quyết tâm theo đuổi cô ấy. Nhưng phúc phận lại thuộc về tôi. Tôi không hiểu mình hơn người ở điểm nào, chỉ biết dùng tình cảm chân thực mà theo đuổi nàng. Trong số những vệ tinh luôn vây quanh, Lệ đã chọn tôi. Sự lựa chọn ấy khiến tôi luôn có cảm giác lâng lâng của kẻ chiến thắng.
Vợ tôi là một y tá. Bệnh viện nơi cô ấy công tác cách xa nhà tôi gần hai chục cây số. Thời còn đeo đuổi cô ấy, tôi không ngần ngại ngồi xe buýt lòng vòng khắp các con phố để được tới thăm người yêu mình. Thậm chí, trong lòng một anh chàng đang phơi phới tuổi yêu như tôi còn cảm thấy hứng khởi. Trên xe, tôi luôn nghĩ tới nụ cười hồn nhiên, tới những phút tinh nghịch đáng yêu của cô ấy. Khi ấy, tôi xem Lệ như một thiên thần.
Sau ba năm theo đuổi, cuối cùng Lệ cũng đồng ý cưới tôi. Quãng thời gian yêu đương dài dằng dặc ấy, lúc đầu còn khiến tôi thích thú, nhưng càng về sau tôi càng thấy nản lòng. Thái độ nghiêm túc tới mức cứng nhắc của cô ấy vô tình đẩy tôi vào biển cả tự ti. Tôi luôn cảm thấy bản thân vô dụng, vô dụng tới mức không khống chế nổi nàng. Lệ rõ ràng là một người phụ nữ mạnh mẽ, có cá tính, có thể hô phong hoán vũ bất chấp cảm nhận của tôi. Nhưng khi tôi muốn rời xa thứ tình cảm nhạt nhẽo này, thì cô ấy lại lên tiếng đòi kết hôn. Chỉ cần một lần chủ động của cô ấy cũng đủ sức làm tôi mềm lòng. Vậy là mọi suy tính về tương lai đường ai nấy đi bỗng chốc bay biến khỏi tâm trí tôi. Tôi cuống quýt đồng ý, dường như không muốn để tuột mất cơ hội ngàn vàng này.
Sau khi kết hôn, Lệ quả thực là người vợ lý tưởng. Cô luôn thu vén nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng. Chỉ cần đặt chân về tới nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi đều thấy ấm lòng bởi mâm cơm đầy ắp những thức ăn đủ dinh dưỡng đã được bày sẵn trên bàn. Quần áo tôi thay ra hàng ngày cũng được vợ đem đi giặt giũ, phơi phóng cẩn thận. Với tôi, đó là thứ hạnh phúc giản dị, ấm cúng mà chưa hẳn người đàn ông nào cũng có được.
Nhưng thật không ngờ, vợ tôi không chỉ là người ưa sạch sẽ mà còn sùng bái nó một cách điên cuồng. Thời gian đầu, cô ấy kêu ca nhà cửa nhiều bụi bặm, kêu ca sự hiện diện vô duyên của đôi giày đã có phần cũ kỹ của tôi, thậm chí than phiền thói quăng quật quần áo bừa bãi của tôi và đặc biệt dị ứng với tàn thuốc lá vương vãi trên bàn. Lâu dần, thói ưa sạch sẽ một cách thái quá của Lệ trở thành nguyên nhân dẫn tới những trận cãi vã, những rạn nứt trong tình cảm giữa chúng tôi.
Tôi vẫn luôn ý thức rằng, vợ mình than vãn suốt ngày cũng chỉ vì muốn vun vén gia đình. Đôi khi, để vợ đỡ phiền lòng, tôi cũng cố dọn dẹp đồ đạc. Nhưng Lệ lại chẳng coi đó là hành động mang ý “cải tà quy chính” của chồng, mà ngày càng đưa ra những yêu cầu thái quá. Điều khiến tôi điên tiết nhất là cô ấy thẳng thừng cấm tôi tiểu tiện theo tư thế quen thuộc của cánh mày râu. “Anh cứ đứng tồng ngồng như vậy, nước tiểu văng tung tóe xuống sàn nhà, em ngày nào cũng phải kỳ cọ bở hơi tai. Không thể cứ hầu hạ như ông hoàng bà chúa mãi được!”, vợ tôi chẳng hề kiêng nể gì, vừa dọn dẹp vừa oang oang chỉ trích.
Nghĩ rằng lời trách móc của mình chỉ như “nước đổ đầu vịt”, vợ tôi in ra hẳn một bản quy định gia đình, trong đó gồm 10 điều kiện bắt buộc. Hãi hùng nhất vẫn là “Cấm đái đứng!”. Mỗi lần tôi vi phạm, đều phải khổ sở “thi hành án phạt”, hết giặt quần áo rồi đến nấu cơm, lau dọn đồ đạc… Nhìn vào bảng nội quy ngớ ngẩn ấy, tôi chỉ còn nước dở khóc dở cười. Dù rất muốn đưa Lệ đi khám bác sĩ tâm lý, nhưng tôi lại sợ động chạm tới lòng tự ái của vợ.
Cô ấy kêu ca mệt mỏi, lẽ nào tôi sung sướng thanh thản. Chỉ vì vài việc nhà cửa cỏn con mà tình cảm vợ chồng dần trở nên vô vị, nhạt nhẽo. Thậm chí giờ đây, tôi có cảm giác ớn sợ không muốn bước chân về nhà. Tôi nhớ lại Lệ của thời còn thiếu nữ, nhớ lại quãng thời gian ấm áp của buổi đầu yêu đương, thời ấy thật mộc mạc, nhưng cũng thật hạnh phúc… Ý kiến chuyên gia
Người vợ ưa sạch sẽ, gọn gàng, có ý thức chăm sóc gia đình là một diễm phúc của các quý ông. Tuy nhiên, để thay đổi tính cách luộm thuộm, ưa bừa bãi của chồng, người phụ nữ cũng không nên cáu gắt, bực bội, thậm chí trách móc, chỉ trích nặng lời. Cách hành xử như vậy càng động chạm tới lòng tự ái của đức lang quân, khiến người chồng càng đâm ra chây ỳ để trả đũa. Ưa sạch sẽ một cách thái quá như cô vợ trong câu chuyện này còn trở thành nguyên nhân khiến hai người càng xa cách nhau hơn. Người chồng trong câu chuyện trên đã nghĩ ra giải pháp tình thế khá hợp lý, đó là thuê ô sin, giúp vợ giảm bớt gánh nặng gia đình. Tuy nhiên, xét về bản chất, anh vẫn chưa thể thay đổi được tính cách của vợ.
Hãy thẳng trao đổi với nhau, nêu ra những mong muốn của bản thân và chia sẻ việc nhà với vợ. Không có gì tuyệt vời hơn là cùng nhau thay đổi, để bầu không khí gia đình trở nên hài hòa, ấm áp.