TRẺ » Đời sống trẻ

Chuyện những sinh viên... “giả vờ” yêu

Chủ nhật, 29/04/2012 17:04

Người ta thường nói "đổi tình lấy tiền", nhưng với một bộ phận sinh viên mà chúng tôi đề cập trong bài này ngoài mục đích kiếm tiền, còn dùng tình để đổi lấy những thứ khác...

L đã có người yêu là đồng hương, đang học ở trường đại học khác. Có nhan sắc, lại nói năng khéo léo nên cô được rất nhiều đàn ông để ý, săn đón, trong đó cả thầy giáo trong khoa. Nhưng cô đặc biệt chú ý đến thầy K, tổ trưởng bộ môn quan trọng nhất, kiêm phó chủ nhiệm khoa. Ông thầy si tình có giọng nói trọ trẹ xứ Nghệ đã đựơc L phát những... tín hiệu. Thế là thầy K hy vọng sẽ "cưa " được cô SV trẻ đẹp, kém mình 15 tuổi. Nhưng L luôn cố thể hiện là cô gái ý tứ, "giữ gìn" trong quan hệ. Bằng những tin nhắn hàng đêm chúc thầy ngủ ngon, cô còn tìm cách viết khéo để thầy hiểu: hãy kiên trì chờ em đến lúc ra trường. Không khi nào cô gặp thầy một mình vào buổi tối. Đến nhà thầy ở Hà Nội, cô luôn rủ thêm ít nhất một bạn nữ đi cùng. Nghĩa là không bao giờ có điều kiện để thầy K bộc lộ những biểu hiện yêu đương. Song, cô vẫn duy trì được suốt mấy năm đại học bằng những lời hứa hẹn khiến thầy rất an lòng chờ đợi. Đến khi cô tốt nghiệp, thầy K tìm mọi cách chạy cho L công việc tốt ở Hà Nội với mức lương cao. Sau khi ổn định nghề nghiệp, L cố ý bộc lộ những nhược điểm khiến thầy K thất vọng. Rồi cô tuyên bố: " Chúng ta có duyên mà không có phận. Thôi, đành chờ kiếp sau vậy". Một năm sau, cô lên xe hoa với chàng người yêu trong sự ngỡ ngàng và cú "sốc" lớn của ông thầy suốt bao năm tận tụy. Trong câu chuyện này, L không có ý lợi dụng tiền bạc mà cần sự giúp đỡ trong học tập và việc làm cho mình ở Thủ đô.  

Tuy nhiên, kiểu giả vờ yêu để lấy chỗ dựa như trường hợp của L không phổ biến bằng động cơ tiền bạc, vật chất. Những nữ sinh có chút nhan sắc thường dễ vướng vào những mối tình bất bình thường. Nói là "bất bình thường" bởi các cô không đến với chàng trai cùng thế hệ mà "vươn tay" tới những người đàn ông ở tuổi cha chú. Và bất chấp cả luật pháp - nghĩa là đối tượng của các cô có vợ hay không cũng không quan trọng, miễn họ lao vào mình. Q vừa vào học năm đầu tiên Trường Đại học KHXHNV, trong một lần đến thư viện Quốc gia Q quen một "nhà thơ" nghiệp dư, là giám đốc Cty CP lớn có vốn đầu tư ở nước ngoài. Hai người tình cờ ngồi cạnh nhau, cùng nghe một nhà thơ nổi tiếng nói chuyện. Thấy cô gái còn trẻ, xinh đẹp, lại yêu thơ, ngài giám đốc gần 60 tuổi tranh thủ tán tỉnh, rút tập thơ mới của mình ra tặng, với những lời lẽ hết sức... lâm ly: "Thân mến tặng TQ - bông hoa rừng ngát hương giữa Thủ đô ồn ã". (Chả là Q nói mình người dân tộc Mường ở Hòa Bình). Thế là hai người thành quen biết, rúc rích nói chuyện riêng. Tan cuộc, ngài giám đốc hẹn luôn ngày nghỉ cuối tuần sẽ đến đón Q và nhóm bạn đi chiêu đãi ở một nhà hàng sang trọng. Và ông ta răm rắp đúng hẹn. Từ đó, ngài luôn tỏ ra "ga lăng", thuê nhà riêng cho cô ở một chung cư cao cấp, sắm không thiếu thứ gì. Họ đã sống lén lút với nhau như vợ chồng. Nhiều lần ông ta hứa sẽ bỏ vợ để sống hợp pháp với Q. Nhưng rồi đợi mãi, điều đó không xảy ra. Tốt nghiệp ra trường, ông lo cho Q một chỗ làm việc, tuy không đúng ngành nghề (văn học) nhưng thu nhập cũng đủ sống. Quan hệ thêm một thời gian, chuyện bỏ vợ của người tình già mịt mù mây khói, Q đành lo tổ ấm cho tương lai. Rồi cô cũng lấy được người chồng tử tế, nhưng nghèo. Dĩ nhiên là từ đó, ông giám đốc kiêm "nhà thơ" xa chạy cao bay. Nữ SV cặp bồ để "khai thác" đối tác là một chuyện. Nhưng nam SV cũng biết đổi tình lấy tiền, tuy chỉ là cá biệt. K là SV Trường Đại học Xây dựng, quê ở Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Nhà nghèo, vừa học, vừa phải đi chở bình ga thuê. Có cái mẽ to cao, khôi ngô, một lần K chở ga đến nhà người khách tên Q và chiếm được cảm tình của chị này. Đó là phụ nữ ở tuổi ngoài 40, góa chồng đã lâu, có người con gái duy nhất đang học ở nước ngoài. Chị ta kinh doanh bất động sản, sống một mình tại căn nhà 3 tầng khang trang. Từ mối quan hệ chị em, dần dần Q xưng tên và gọi K bằng tên. Tuổi hai người như cô cháu nhưng Q đẹp, trẻ hơn tuổi nhiều, lại được chiều chuộng, K dần dần trở nên mê người đàn bà còn tràn đầy sức xuân. Q nói K rời nhà trọ đến ở hẳn nhà mình, bỏ việc chở ga, thay bằng mỗi lúc cần đi đâu, sẽ đèo chị ta bằng chiếc SH xịn. Che mắt thiên hạ bởi mối quan hệ chị em, họ đã sống với nhau như vợ chồng. Q trang bị cho K đủ thứ. Không mất tiền thuê nhà, tiền ăn hàng ngày, K còn luôn được Q cho thêm tiền để tiêu vặt, còn gửi về cho cha mẹ ở quê chút ít. Với Q, mỗi tháng chi đến vài triệu cho K cũng không đáng kể so với khoản mấy chục triệu thu nhập được. Hai người sống như thế mấy năm K học đại học, dưới vỏ bọc chị em họ. Ra trường, Q thừa sức lo lót cho K kiếm được việc làm nhưng sợ có nghề nghiệp, thu nhập tốt, anh chàng sẽ lấy vợ nên khuyên K không phải đi làm cho vất vả, cứ phụ một tay với Q buôn bán bất động sản, thừa sống. Nhưng sợ điều dị nghị đến tai bè bạn và gia đình ở quê, K cũng nghĩ đến chuyện lập nghiệp, lấy vợ, nên đã rút chân ra khỏi chốn cực lạc và bệnh hoạn mấy năm qua. Sau một lần về quê, cậu điện thoại cho người tình là còn vướng mắc nhiều việc ở nhà, chưa lên được. Thế là từ đó, cậu không bao giờ trở lại nhà Q nữa. Lại có nhiều trường hợp không giống như trên, nghĩa là "đương sự" không hẳn nhằm vào các "đại gia", nhưng những cuộc tình không xuất phát từ tình cảm tự nhiên mà có sự can thiệp, tác động mạnh mẽ bởi những yếu tố ngoài trái tim (hộ khẩu, gia đình, phương tiện, công việc, căn hộ...). V và A học cùng một lớp ở Đại học KTQD. V xinh đẹp nhưng nhà tận trong Quảng Bình. A chẳng có gì nổi bật, học hành lười biếng, hình thức vào loại "hãm tài", nhưng có bố mẹ làm to ở Hà Nội. Anh chàng vào loại giàu nhất lớp. Hôm nào mưa không đi được xe máy, A đến trường bằng taxi. Hầu như đám con trai ở lớp, ở trường ai cũng để ý, muốn “cưa” V, nhưng cô chẳng lưu tâm đến ai. Riêng A thì cô còn rất ghét bởi cậu ta bắng nhắng, nói nhiều, hay khoe khoang, thích nhậu nhẹt. Nhưng rồi thấy anh chàng kiên trì săn đón, tặng mình nhiều thứ đắt tiền, sau khi biết rõ thế lực của bố mẹ A, V nảy ý nghĩ sẽ quan hệ với A để thuận tiện cho việc ở lại Thủ đô sau này. Thế là cô nhận lời yêu A nhưng ra điều kiện: không được vượt quá giới hạn cho phép, phải tập trung học tập, ngày nghỉ, không đi chơi, chỉ đến phòng trọ của cô. Sau khi ra trường phải 2 năm sau mới cưới vì cần ổn định công việc. A nghĩ V đã biết nghĩ đến tương lai, có nghị lực phấn đấu nên đồng ý. Thế là V đạt được ý định: "Yêu" cầm chừng, chỉ cốt nuôi ảo tưởng cho A, sau này sẽ lấy người nào cô yêu. A không phải là đại gia, nhưng điều quan trọng là V cần thế lực của bố mẹ cậu ta để có công việc khi tốt nghiệp ra trường... Những cuộc tình "đánh đổi" kiểu này chỉ thiệt thòi cho những anh chàng dại gái, còn các đại gia nhiều tuổi, lõi đời thì số của cải, tiền bạc mất cho các bồ nhí tuy cũng đáng kể, nhưng không thấm tháp gì, bù lại họ được tận hưởng lạc thú. Còn các nữ SV, người khôn ngoan biết giữ gìn sẽ chẳng mất gì đáng kể. Chỉ kẻ khờ dại mới ném những năm tháng tuổi trẻ vào các cuộc tình "mua bán", kiếm được chút tiền bạc, của nả nhưng sớm tàn úa cuộc đời. Song dù gì, tất cả họ đều cùng đánh mất một thứ quý giá nhất: Phẩm giá, trái tim trong sáng, tự nhiên.

Pháp luật xã hội