Sinh ra đã mắc bệnh down, mong mỏi lớn nhất của cha mẹ Karishma Kannan là cô có thể đi lại và phần nào làm chủ bản thân. Song Karishma Kannan đã khiến bố mẹ và cả thế giới bất ngờ khi trở thành một họa sĩ tài năng.
“Phép màu” của cô bé mắc bệnh down
Karishma sinh năm 1991, tại Bangalore (Ấn Độ). Tên của cô trong tiếng Ấn có nghĩa là “phép màu”. Khi mới chào đời, Karishma nhận được sự kỳ vọng rất lớn từ gia đình nhưng thật không may, cô bé bị chẩn đoán mắc hội chứng Down.
Căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của Karishma. Những năm đầu đời, sức khỏe của cô được ông Dr. MC Mathew, bác sĩ nhi khoa phát triển và là Giáo sư thần kinh học trẻ em theo dõi chặt chẽ. Ông cũng là người chịu trách nhiệm trị liệu trong nhiều năm qua của Karishma.
Bà Kalpana Kannan (mẹ của Kasrishma) kể lại, khi còn bé, Karishma bộc lộ niềm yêu thích đặc biệt với thế giới màu sắc và những nét vẽ nguệch ngoạc. Ngay lập tức, sự yêu thích ấy được khuyến khích, mặc dù để một đứa bé bị bệnh down tập trung học vẽ là điều chẳng dễ dàng gì.
“Chúng tôi chỉ mong màu sắc sẽ giúp con bé tập trung, điều khiển được đôi tay, trí óc và có một công việc yêu thích” mẹ của Karishma chia sẻ.
Cô bé đã chứng tỏ giá trị bản thân bằng sức sống mãnh liệt và sự kiên trì của mình cùng những khả năng đặc biệt khiến nhiều người kinh ngạc. “Ngay lập tức, sự yêu thích ấy đã được gia đình động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để con bé phát triển, mặc dù điều này có vẻ xa vời với một đứa trẻ bị bệnh down. Nhưng cho đến giờ, với những gì mà Karishma đã làm được, phép màu đã thật sự đến với không chỉ riêng Karishma mà với cả gia đình tôi”, bà Kalpana xúc động cho biết.
Ông bà Kannan cũng cho hay, trước đây họ chưa từng dám nghĩ con gái mình sẽ trở thành một thiên tài hội họa. Chỉ cần Karishma điều khiển được tay chân, trí óc và yêu thích một cái gì đó là ông bà đã vô cùng mãn nguyện.
“Là bố mẹ, chúng tôi luôn cảm thấy được con gái mình tiếp thêm sức mạnh. Karishma đã dạy chúng tôi hai bài học quý giá của cuộc đời là “Tình yêu và Sự chấp nhận”, mẹ của Karishma nói thêm.
“Tôi có thể, bạn cũng có thể”
Năm 2008, gia đình Karishma chuyển đến làm việc tại TP.HCM (Việt Nam). Trong thời gian này Karishma học tiếng Anh với cô giáo người nước ngoài Cyndi Beaumont. Cô giáo ấy cũng đồng thời là một họa sĩ nên sở thích của Karishma càng có cơ hội phát triển.
“Đối với Karishma, mọi thứ đều được bắt đầu một cách từ từ và nhẹ nhàng. Ban đầu, tôi dạy cho em những kiến thức cơ bản về màu sắc, cách sử dụng màu và cảm nhận về màu. Tiếp theo đó là kỹ thuật hòa sắc để cho ra bức vẽ hoàn chỉnh như ý muốn. Điều này không hề đơn giản, ngay cả với những người bình thường, nhưng thật ngạc nhiên, Karishma đã làm được những điều ngoài sự mong đợi của tôi. 2 năm với 45 bức vẽ, Karishma đã khơi nguồn cảm hứng hội họa cho rất nhiều người”, cô giáo Cyndi nói về học trò của mình.
Karishma bắt đầu vẽ vào tháng 10/2009 và bước đầu thể hiện con người mình với thế giới bên ngoài thông qua hội họa. Tranh của cô thiên về cảnh vật thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Nhiều bức được sáng tạo dựa theo phong cách của các danh họa nhưng với một sự sáng tạo khác người.
Những bức tranh của cô có cái nhìn tươi trẻ, lạ lẫm về những không gian quen thuộc và xa lạ, khiến người xem cảm thấy thú vị. Giới chuyên môn đánh giá nét vẽ của Karishma “tràn đầy sự phóng khoáng với những khối màu tươi sáng, thể hiện một tâm hồn thuần khiết và tràn ngập tình yêu thiên nhiên”.
Năm 2011, triển lãm tranh của Karishma được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, bán được 45 bức và để lại nhiều dấu ấn cho người tham dự. Toàn bộ số tiền 250 triệu đồng thu được khi đó, cô đã trao tặng lại cho các trường học, tổ chức nuôi dưỡng các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
"I can, you can, we can" – “Tôi có thể làm được, bạn cũng có thể và tất cả chúng ta đều có thể” là thông điệp mà nữ họa sĩ tật nguyền nhắn gửi đến tất cả mọi người.
Với gia đình và bản thân nữ họa sĩ tật nguyền, mọi thứ đã xảy đến y như một "phép màu" đúng như cái tên "Karishma" của cô.