Nhận diện “cư dân mạng”
Sống trong thời đại công nghệ bùng nổ với rất nhiều dịch vụ internet phục vụ nhu cầu của con người, từ ngày Facebook và các mạng xã hội khác ra đời, sức hút của nó đã khiến chúng ta dành càng lúc càng nhiều thời gian để sống trên “mạng” và dần dần trở thành một “cư dân mạng” trong xã hội ảo.
Có lẽ vì vậy, để tránh mang tiếng bởi cái danh “cộng đồng mạng” – thường được hiểu theo nghĩa những kẻ rỗi việc, tò mò, nhiều người tham gia vào đời sống số một cách đầy ý thức cảm thấy xa lạ với những thứ cư dân mạng thích thú mà bản thân mình lại thấy bình thường, chỉ trích những điều mình không thấy có vấn đề, xôn xao nhiều chuyện mình thậm chí không biết là gì… đã tự “tẩy chay” mình khỏi cộng đồng này.
Để tránh làm phiền những đối tượng dùng internet kiểu “ly khai” này, thiết nghĩ, phải có một chút điểm mặt đặt tên cho cái gọi là “cư dân mạng”.
Trước hết, cư dân mạng chuyên nghiệp là những người ngồi lướt Facebook cả ngày, tham gia nhiều diễn đàn, dành thời gian trên mạng xã hội nhiều hơn. Họ chăm chỉ đăng tải trạng thái (status) theo tâm trạng cảm xúc, khoe của, khoe con, buôn chuyện nhảm, than thở hoặc “truyền hình trực tiếp” mọi hoạt động trong ngày cho cả cộng đồng Facebook biết.
Nhân vật chính có bất kì chuyện gì, đi đâu, ăn gì, với ai, nhiều khi gia đình chưa kịp biết nhưng hàng chục, hàng trăm người theo dõi trên mạng xã hội đều có thể biết tường tận từ nguyên nhân, hành trình và kết quả câu chuyện.
Cái “chuyên nghiệp” của những cư dân mạng này ở chỗ, sau mỗi lần cập nhật trạng thái như thế, họ… ngồi chờ có người bấm like hoặc comment như một cách thể hiện “sức ảnh hưởng” của mình. Status nào được nhiều “like”, được “share” (chia sẻ) hay bình luận thì hí ha hí hửng, vui như trẩy hội, còn không thì lập tức thất vọng và cảm thấy như thế giới sụp đổ, mình đang bị… ghẻ lạnh.
Cư dân mạng cũng là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm, rất dễ bị “sốt”, “xôn xao”, bị “sốc” trước những thông tin, clip, hình ảnh… đủ loại, từ chuyện chính trị, chuyện hở hang, hay thậm chí chuyện ăn ở, ngủ nghỉ của người khác. Có thể họ dửng dưng với những chuyện gặp ngoài đường, nhưng bất kì một câu chuyện nóng bỏng nào đó trên “cộng đồng mạng” là lập tức, họ đem về chia sẻ lên trang cá nhân, kèm theo vài ba câu bình luận kiểu triết lý “vườn”.
Trên các diễn đàn chung, nhiều cư dân mạng còn thích thú với trò… tìm chị "Thanh Tâm" tư vấn hôn nhân gia đình, hỏi han kinh nghiệm chăm sóc con. Chuyện sẽ chẳng là gì nếu họ không bô bô nói xấu chồng thậm tệ, nhiếc móc, kể xấu mẹ chồng hoặc hồn nhiên đăng ảnh “vùng kín” lở loét, chất thải của con lên diễn đàn để nhờ các “bác sĩ gia đình” tư vấn.
“Khủng bố” thị giác người xem là vậy, nhưng hễ bị ai “ném đá”, nêu ý kiến, thể nào họ cũng tung ngay vài cú đá xoáy đối phương bằng những lời lẽ ngoa ngắt nhưng vẫn và tỏ ra mình rất cao thượng vì “còn nghĩ đến thể diện của bạn”.
Cư dân mạng hay những “anh hùng bàn phím”?
Phải công nhận, sự tích cực của những cư dân mạng khiến cho một thông tin “hot” nào đó được lan truyền chóng mặt. Không ít những hoàn cảnh đặc biệt thương tâm được giúp đỡ, nhiều trường hợp thất lạc người thân, mất đồ đạc, nhờ cư dân mạng mà được giải quyết êm thấm.
Nhưng đó chỉ là số hiếm. Sự tồn tại của cư dân mạng có lẽ gắn bó nhiều hơn với mức độ “la liếm” thượng thừa của họ trên cộng đồng mạng, bởi trên mạng hễ có thông tin, sự kiện gì, bất kể đúng hay sai, đã kiểm chứng hay chưa kiểm chứng, có ảnh hưởng gì đến danh dự, nhân phẩm người khác không… đều được họ chia sẻ nhiệt tình.
Phần nhiều những cư dân mạng là “anh hùng bàn phím” – những người nói rất hay, nói rất hào hùng, nói như đúng rồi, xôn xao ào ào, bới móc, xâu xé, “ném đá” thậm tệ một đối tượng thông tin nào đó – trên mạng xã hội, mà đương nhiên, chẳng phải chịu một trách nhiệm nào về phát ngôn của mình.
Lấy ví dụ từ câu chuyện mang tính thời sự nhất, vụ máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang được cho là mất tích trên vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia. Cả cộng đồng mạng Việt như sục sôi, giận dữ khi xem thông tin được hãng thông tấn Euronews tung ra, trong đó quay cảnh một người phụ nữ Trung Quốc – thân nhân của hành khách trên chuyến máy bay tai họa – nói rằng: “Chúng tôi hy vọng Chính phủ Trung Quốc gửi đội tìm kiếm càng sớm càng tốt. Chúng tôi không tin người Việt Nam. Họ không có khả năng lắm!”. Trước những nỗ lực không mệt mỏi từ nhà chức trách Việt Nam, phát ngôn trên đẩy bức xúc từ phía cộng đồng mạng lên đỉnh điểm.
Nhưng sự thật về câu nói trên là lỗi dịch thuật nghiêm trọng của hãng tin Euronews. Cho tới sáng nay, sau khi một trang báo đã đi tìm sự thật về câu nói kể trên, với những dẫn chứng xác thực, cẩn thận, tỉ mỉ thì nhiều người mới "vỡ" ra.
Tuy nhiên, sự thật nữa là dù đã hiểu rõ hơn về nguồn gốc của câu nói đó, nhưng rất hiếm cư dân mạng viết đính chính hay có lời xin lỗi trên trang cá nhân của mình.Sau khi nói cho đã miệng, gõ cho đã tay, họ im im rồi biến mất kiểu chương trình đến đây là hết, cùng lắm thì chép miệng “Ơ thế là mình nhầm à, sai thì thôi, có gì mà ghê gớm!” hoặc nghĩ ra những giả thiết mới cho câu chuyện.
Đó không phải là câu chuyện đầu tiên và duy nhất để chứng minh sự “lật lọng” cũng như phù phiếm của cư dân mạng. Ngay cả những câu chuyện thương tâm, buồn bã cũng được cư dân mạng khai thác, ví dụ như cầu nguyện trắng đêm mong bão Haiyan đừng đổ bộ vào Việt Nam, cầu nguyện cho chàng ca sĩ A mắc bệnh hiểm nghèo sống lại, kêu gọi “like” để cảm thông với những người cùng khổ, để dìm hàng một ai đó…
Nhưng rút cục, tất cả những điều đó chẳng giải quyết được vấn đề gì, chẳng có ích gì cho xã hội hay để lại giá trị gì cho cộng đồng.
Thế giới ảo, hệ lụy thật
Nhiều câu chuyện “xôn xao” tưởng chừng vô thưởng vô phạt mà cư dân mạng khuấy động lên đã là minh chứng cho việc, hệ lụy từ thế giới ảo là có thật. Không bàn đến những chuyện hệ trọng có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, một số lần “phá phách” của cư dân mạng Việt đã khiến tự họ xấu hổ, mang tiếng với bạn bè quốc tế như bình luận phản cảm, thô lỗ, cãi nhau (bằng tiếng Việt) trên Facebook của “hot boy bị trục xuất” người Trung Đông hay một nữ diễn viên Thái Lan và để họ phải lên tiếng.
Nói gần hơn, với không ít người lỡ chia sẻ trên diễn đàn chuyện kín chuyện hở của nhà mình bị chồng phát hiện ra, rồi hục hặc, cãi nhau. Rồi có những bà mẹ đơn thân buồn chán lên mạng tìm hội chị em tâm sự cho khỏa nỗi lòng, lại bị mắng xối xả thành rước bực vào mình.
Hoặc chuyện các mẹ tung ảnh chụp vùng “nhạy cảm” bị sưng đỏ, lở loét, ảnh “chất thải” của con để hỏi han bệnh tình, cũng bị "ném đá" “không lo đem con đi khám còn hỏi han gì”, người tích cực vào bắt bệnh, kê đơn bốc thuốc hộ, mỗi người một phách mà ai cũng “chắc như đinh đóng cột”.
Không ít bà mẹ đã ngậm đắng khi nghe những lời tư vấn vu vơ ấy mà suýt làm nguy hại đến tính mạng, nhẹ hơn là khiến bệnh của con mình nặng hơn.
Một công ty quảng cáo ở Singapore đã thực hiện chiến dịch “tẩy chay” nút “like” trên Facebook khi sử dụng các tấm ảnh về những số phận đau khổ, vây xung quanh là một loạt ngón tay cái giơ lên đầy thích thú (biểu tượng của “like”), phần nào chứng minh, nút “like”, hay nói rộng ra là sự xôn xao, ồn ã của cư dân mạng hết sức vô nghĩa.
Cụ thể hơn nữa, bố mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam từng bị sốc nặng, phải tìm cách “giấu” con, từ chối trả lời truyền thông vì cộng đồng mạng thi nhau “ném đá” em với phát ngôn: “Em không đọc truyện tranh vì mẹ em bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”...
Hay mới đây là chuyện chàng trai Nguyễn Hà Đông – cha đẻ của game hot thế giới Flappy bird, chuyện một nữ sinh tự tử vì bị ghép ảnh “nóng” trên mạng xã hội… tất cả đã cho thấy hệ lụy sát sườn của thế giới ảo và sự phù phiếm của cư dân mạng.